PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Lây nhiễm mạnh, chủng Omicron có ưu điểm nổi bật gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - ĐH Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes về tình trạng lây nhiễm mạnh chủng Omicron và cho biết không đáng lo, ngược lại, biến chủng này có ưu điểm. 
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes. Ảnh: Hòa Bình
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes. Ảnh: Hòa Bình

TP.HCM đối mặt với làn sóng tăng dần, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tái nhiễm. Hà Nội và nhiều tỉnh thành những ngày này đang phải đối mặt với đỉnh dịch tới gần với mỗi ngày số ca nhiễm càng lớn đến mức “chóng mặt”. Riêng ngày 9/3, cả nước có trên 164.596 ca nhiễm mới. PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes về tình trạng này.

TP.HCM không gặp nguy hiểm

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, thời gian gần đây, TP.HCM đang phải đối diện với làn sóng tái nhiễm COVID-19 dù đã tiêm đủ hai đến ba mũi vaccine; đặc biệt trong đó có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế còn được bảo hộ đầy đủ. Thực trạng này liệu có khiến TP.HCM gặp nguy hiểm không?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Theo tôi nghĩ, chủng Omicron vào Việt Nam tỷ lệ lây nhiễm trở nên rất cao. Tuy nhiên, vì tỷ lệ tiêm vaccine của chúng ta đã phủ rất tốt rồi nên vaccine sẽ giúp bảo vệ để người bệnh không chuyển nặng, không cần nhập viện, hạn chế thấp nhất con số tử vong.

Qua quan sát, và tôi cũng tin rằng số ca mắc thì lớn nhưng không gây quá tải bệnh viện và đặc biệt là số ca tử vong vì COVID-19 hiện tại đang khá thấp. Tình hình hiện tại như thế không quá đáng lo.

*Thưa bác sĩ, ngay cả khi đối tượng bị tái nhiễm có một số lớn là nhân viên ngành y có lẽ cũng không phải đáng quan ngại vì lực lượng này đã quen với việc khắc phục dịch bệnh?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Thực ra thì, nếu là nhân viên y tế bị mắc COVID-19 thì hơi lo lắng hơn một chút. Không phải là sợ bị chuyển nặng mà tình trạng này có thể gây thiếu hụt lực lượng y tế, nếu như con số mắc COVID-19 trong người dân cũng cao và họ cần được chăm sóc y tế. Còn về tỷ lệ chuyển nặng thì cũng như các lực lượng khác nhưng còn có thể yên tâm được ở yếu tố đặc biệt là nhân viên y tế thì tự biết cách theo dõi bệnh trạng của mình và thường thì nhân viên y tế đang trong tuổi lao động, thường là còn trẻ, ít có bệnh nền, nên tỷ lệ chuyển nặng không nhiều.

*Thưa bác sĩ, qua theo dõi con số ca nhiễm mới đang phát sinh tại TP.HCM hiện tại có tăng nhẹ nhưng chưa phải đáng lo ngại đến mức quá tải bệnh viện hay thiếu hụt nhân viên y tế?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Đúng vậy, nhưng không thể chủ quan được, người dân vẫn nên nhớ thực hiện 5K, giảm thiểu nguy cơ nhiễm để tốc độ tăng của làn sóng dịch không bị lên quá cao thì sẽ không quá tải y tế. Chứ nếu ai cũng lơ là, ai cũng nghĩ là mình nên mắc bệnh ngay bây giờ, hoặc có muốn tránh cũng không được, 5K hay không cuối cùng vẫn mắc thì con số ca nhiễm mới sẽ tăng rất nhanh.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, việc thống kê số người mắc COVID-19 gần đây tại các thành phố còn chưa đầy đủ

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, việc thống kê số người mắc COVID-19 gần đây tại các thành phố còn chưa đầy đủ

Biến chủng Omicron “giúp” chúng ta điều gì?

*Vâng, thưa bác sĩ, như nội dung cuộc trao đổi lần trước, số lượng người dân đang phải đối mặt với triệu chứng hậu COVID-19 càng lúc càng tăng cao và thực sự cũng rất khó để chiến thắng các triệu chứng nặng nề này. Nhưng thực tế đúng là dù đề phòng đến mấy, nguy cơ lây nhiễm vẫn đang rất cao, cho tất cả mọi vùng miền. Đặc biệt là biến chủng Omicron đang lây nhiễm mạnh. Tuy nhiên, hình như việc thống kê về số người mắc COVID-19 gần đây tại các thành phố có vẻ như còn chưa đầy đủ. Theo bác sĩ, việc này liệu có gây nên thái độ chủ quan trong cả cơ quan chức năng và người dân?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Vâng, tôi nghĩ chắc chắn việc này sẽ gây chủ quan trong cộng đồng. Có thể thấy, tỷ lệ lây nhiễm đã phải đạt đến ít nhất là 50%. Có thể thấy điều này ở hầu hết các cơ quan, công sở, gia đình, bạn bè…

Nhưng tính cho đến nay, như TP.HCM chẳng hạn, thì con số thống kê cho thấy số người nhiễm mới chỉ khoảng 10% dân số. Như vậy chắc chắn là thống kê thiếu rất nhiều, người dân sẽ có phần chủ quan, sẽ nghĩ rằng nếu có bị thì cũng nhẹ thôi, họ sẽ không khai báo nữa và vẫn có khả năng họ đi ra ngoài và tiếp tục lây cho nhiều người khác.

*Thưa bác sĩ, vậy nên hiểu thế nào cho đúng về chủng Omicron để có thái độ phòng ngừa phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Tôi nghĩ là chủng Omicron có điểm tốt là đối với đại dịch COVID-19 sẽ tới lúc đa số người dân phải nhiễm bệnh thì mới đạt đến miễn dịch cộng đồng. Khi đa số người dân bị nhiễm, có thể từ 60% trở lên, thì miễn dịch này tương đối bền vững, chỉ tương đối thôi, không thể tuyệt đối được nhưng nó vẫn bền vững hơn là chỉ tiêm vaccine. Khi có miễn dịch cộng đồng tương đối bền vững thì sẽ không tạo thành các làn sóng dịch mới. Còn nếu chỉ tiêm chủng thôi thì giảm tử vong, giảm bệnh nặng nhưng vẫn có những làn sóng dịch mới.

Tôi vẫn hy vọng sẽ không có thêm những làn sóng dịch mới. Nhưng khi chủng Omicron lây lan nhanh thì sẽ đạt tới tỷ lệ cần thiết sớm, các thành phố sẽ mau chóng đạt được tình trạng bình thường mới sớm hơn. Với điều kiện đừng để gây ra quá tải y tế, quá tải bệnh nhân, tránh dẫn tới các trường hợp tử vong mà lẽ ra người dân không bị thiệt mạng./.

*Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Hòa Bình (thực hiện)