Khoảng cách giữa giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới đã đạt kỷ lục mới khó ai có thể tưởng tượng được, theo bản báo cáo thường niên mà Oxfam công bố ngày 20/1, ngay trước thêm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ.
Báo cáo mới, có tiêu đề “Đã đến lúc quan tâm”, trong đó tập trung vào đóng góp của lao động là phụ nữ và trẻ em gái được trả công không xứng đáng hoặc không được trả công, chỉ ra rằng hiện nay 22 người giàu nhất thế giới đang sở hữu lượng tài sản lớn hơn tất cả phụ nữ ở châu Phi gộp lại.
Theo báo cáo, chỉ có 2.153 tỷ phú trên thế giới nhưng tài sản của họ lại nhiều hơn tổng tài sản của 4,6 tỷ người gộp lại, tương đương 62% dân số thế giới (khoảng 7,7 tỷ người). Khoảng cách giàu nghèo càng trở nên lớn hơn khi so sánh tổng thu nhập của những người giàu nhất trong số những người giàu – gọi là nhóm 1% - với 6,9 tỷ người. Theo báo cáo, tài sản của nhóm 1% này nhiều gấp đôi tổng tài sản của gần 90% dân số toàn cầu.
Oxfam – tổ chức từng nhiều lần tranh luận rằng cách duy nhất dể xóa bỏ sự bất bình đẳng này là nâng thuế - cho hay việc đánh thuế thêm 0,5% đối với tài sản của nhóm 1% những người giàu nhất trong vòng 1 thập kỷ tới sẽ cho phép chính phủ các nước có đủ nguồn ngân sách tạo thêm 117 triệu việc làm trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc người lớn tuổi và nhiều ngành nghề khác.
Mặc dù Oxfam không chỉ đích danh một cái tên nào trong báo cáo của họ, nhưng dường như đang nhám tới CEO của Amazon và là người sáng lập công ty vũ trụ Blue Origin, tỷ phú Jeff Bezos, một trong những người giàu nhất hành tinh – người đã để mất vị trí người giàu nhất thế giới vào tay Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn LVMH, ông Bernard Arnault.
“Nếu đổi lượng tài sản của mỗi người thành các tờ bạc mệnh giá 100 USD và cho họ ngồi lên nó, phần lớn dân số trên thế giới chỉ ngồi bệt dưới sàn nhà. Một người thuộc tầng lớp trung lưu ở một nước giàu sẽ ngồi ở độ cao một chiếc ghế. Còn những người giàu nhất thế giới sẽ ngồi trên…vũ trụ” – báo cáo của Oxfam nói.
Bình luận về thực tế đáng kinh ngạc trên, CEO của Oxfam tại Ấn Độ, Amitah Behar, nói rằng mặc dù công việc của những người phụ nữ và trẻ em gái được trả công không xứng đáng đóng vai trò như “động cơ ẩn giấu” tiếp động lực cho nền kinh tế toàn cầu, “những nền kinh tế đổ vỡ lại đang lấp đầy túi tiền của các tỷ phú và doanh ngiệp lớn, dựa trên sức lao động của những người đàn ông và phụ nữ bình thường”.
“Không có gì phải nghĩ khi người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng liệu tỷ phú có nên tồn tại hay không?” – ông Behar nói.