Hôm 2/4/2015, theo AFP, nhiều tổ chức phi chính phủ trong đó có tổ chức quốc tế chống bất công và nghèo đói Oxfam, công bố một báo cáo lên án các hoạt động cho vay mờ ám của IFC, định chế quan trọng nhất thế giới về trợ giúp phát triển.
IFC đứng trước áp lực buộc phải đầu tư vào các dự án đáp ứng "những tiêu chuẩn về xã hội và môi trường".
Một tuần trước hội nghị mùa xuân của Ngân hàng Thế giới tại Washington, Oxfam và nhiều tổ chức NGO (như Inclusive Development International, Bretton Woods Project…) ra báo cáo mang tên "Những nỗi đau khổ của người khác", tố cáo việc IFC (International Finance Corportation) cấp tín dụng cho nhiều dự án xâm phạm nghiêm trọng các quyền con người, như: tước đoạt đất đai của dân cư địa phương, cưỡng bức di cư, tước đoạt các phương tiện sống căn bản.
Những hành động này nói trên của IFC trên thực tế khác xa với những mục tiêu mà Ngân hàng Thế giới đề ra là "chấm dứt nạn nghèo khổ cùng cực trong một thế hệ" và cổ vũ cho một "xã hội thịnh vượng được chia sẻ", RFI viết.
Từ tháng 6/2009 đến tháng 6/2013, IFC cho vay tổng cộng 36 tỷ USD, thông qua các cơ sở tài chính trung gian tại các nước đang phát triển. Khoản tiền này tương đương với hơn 50% đầu tư trực tiếp của Ngân hàng Thế giới vào y tế và gấp ba lần tín dụng cho giáo dục.
Theo Oxfam và các tổ chức NGO tham gia báo cáo, IFC cho vay mà không tiến hành các thẩm định đầy đủ, cũng không đánh giá đúng các nguy cơ, thậm chí đánh giá thấp. Giám đốc văn phòng Oxfam tại Washington nhận xét: "Với cách cho vay phát triển mới, IFC thậm chí không biết được phần lớn các khoản tín dụng sẽ đến tay ai, cũng không biết nó làm tốt hay làm hại". Đối tượng của 62% đầu tư của IFC là các nước đang phát triển.
Theo bà Natalie Bugalski, giám đốc tư pháp của Inclusive Development International, đồng tác giả báo cáo, công chúng không có bất cứ thông tin nào liên quan đến nơi nhận được tín dụng của "94% các khoảng đầu tư mạo hiểm của ISF qua các trung gian".
RFI dẫn bài viết trên Le Monde cho biết, các tổ chức phi chính phủ yêu cầu Ngân hàng Thế giới đầu tư "ít hơn, nhưng với chất lượng cao hơn, phù hợp với các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường của mình", và không nên đầu tư vào các dự án mạo hiểm cao, chừng nào chưa cải thiện được khả năng quản trị các rủi ro.
Các NGO cũng đề nghị IFC công bố danh tính của các khách hàng và các dự án được thực hiện thông qua môi giới, và IFC cần chấp nhận các thẩm định độc lập. Các yêu cầu cải cách này rất cần thiết, Le Monde nhấn mạnh, khi định chế tài chính quan trọng này dự định tăng 50% tín dụng tại các quốc gia đang trong xung đột và ở trong tình trạng bấp bênh.
Theo: BizLive