Ông Trump nói Iran “đùa với lửa”, Tehran phản ứng

VietTimes -- Chính quyền Iran vừa lên tiếng phản bác một cáo buộc của Nhà Trắng cho rằng họ đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân ký với các siêu cường, sau khi nước Cộng hòa hồi giáo tuyên bố đã vượt ngưỡng sở hữu uranium làm giàu mức thấp được cho phép trong thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phản bác cáo buộc của Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phản bác cáo buộc của Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

"Thật sao?" - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trong một thông điệp đăng tải trên Twitter, sau khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham nói rằng: "Không nghi ngờ gì rằng từ trước khi có sự tồn tại của thỏa thuận, Iran đã vi phạm các điều khoản của nó".

Việc Tehran tuyên bố về lượng uranium làm giàu họ sở hữu vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra lời cảnh báo rằng Tehran "đang đùa với lửa".

Động thái trên đánh dấu lần đầu tiên Tehran vi phạm điều khoản của thỏa thuận hạt nhân kể từ sau khi Mỹ rút khỏi vào hồi năm ngoái. Tuy nhiên, ông Zarif nói động thái trên không hề vi phạm thỏa thuận, cho rằng Tehran có quyền được trả đũa việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Động thái của Iran, tuy nhiên, có thể gây ra những ảnh hưởng sâu rộng về mặt ngoại giao ngay trong bối cảnh các nước châu Âu đang ra sức kéo Mỹ và Iran ra khỏi thế xung đột căng thẳng. Nó xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi ông Trump nói ông đã hạ lệnh tấn công Iran để rồi lại hủy lệnh vào phút chót.

Hãng thông tấn Fars News của Iran nói rằng, giờ đất nước này đã sở hữu lượng uranium làm giàu nhiều hơn mức cho phép trong thỏa thuận là 300 kg. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - bên chịu trách nhiệm kiểm soát chương trình hạt nhân Iran theo thỏa thuận - xác nhận rằng Tehran đã vi phạm điều khoản hạn chế.

Khi được hỏi về thông điệp gửi tới Iran, ông Trump nói: "Chả có thông điệp nào tới Iran cả. Họ hiểu rõ điều mà họ đang làm. Họ hiểu rõ thứ mà họ đang chơi cùng, và tôi nghĩ họ đang đùa với lửa. Bởi vậy, chả có thông điệp nào gửi tới Iran cả".

Các siêu cường châu Âu - hiện vẫn đang duy trì và ủng họ thỏa thuận hạt nhân - đồng loạt lên tiếng kêu gọi Iran ngừng vi phạm thỏa thuận này. Nhưng đồng thời, họ cũng tránh không áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Phía Nhà Trắng thì cáo buộc Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân từ trước và cả sau khi nó được ký kết năm 2015. Điều này đi ngược lại điều mà Giám đốc CIA Gina Haspel từng nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hồi tháng 1 năm nay, cho rằng: "Ở thời điểm hiện tại, xét về mặt kỹ thuật, họ vẫn đang tuân thủ".

Ông Daryl Kimball - Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ trang - nói rằng cáo buộc mà Nhà Trắng đưa ra là "phi logic". Vị chuyên gia chỉ ra rằng, vào thời điểm mà thỏa thuận hạt nhân hoàn tất, Tehran và IAEA đã nhất trí về một "lộ trình" mà trong đó Iran phải trả lời những câu hỏi mà IAEA đặt ra về chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của nước này. "Tiến trình này vẫn đang được thực hiện" - ông Kimball nói.

Vị chuyên gia cũng nói rằng, không có tiêu chuẩn quốc tế nào cấm Iran làm giàu uranium như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói. "Đó chỉ là quan điểm của nước Mỹ mà thôi" - ông Kimball nói.

Dù cho Iran tuyên bố hôm đầu tuần rằng họ đã phá vỡ điều khoản hạn chế lượng uranium đã làm giàu mà Tehran được sở hữu (300 kg), ông Kimball nói rằng vấn đề này vẫn có thể được giải quyết thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Kimball nói rằng chính Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân trước khi Tổng thống Trump ra quyết định rút khỏi thỏa thuận, trong khi Iran vẫn đang thực thi. Sau đó, Mỹ còn áp đặt trở lại các đòn cấm vận nhằm vào nền kinh tế Iran - vi phạm điều khoản của thỏa thuận.

Theo ông Kimball, việc Iran vi phạm điều khoản vừa qua không ảnh hưởng tới mục tiêu trung tâm của thỏa thuận - về việc kéo dài thời gian mà Iran có thể "phá vỡ" thỏa thuận và làm giàu hạt nhân ở mức có thể chế tạo vũ khí lên 1 năm. Động thái này chỉ mang động cơ chính trị nhằm gây sức ép với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Nga để bồi thường cho Iran các tổn thất kinh tế nặng nề mà họ hứng chịu do đòn trừng phạt của Mỹ.