Oai hùng cùng vũ khí Nga, Việt Nam sẽ dùng tốt vũ khí Mỹ

VietTimes -- Sau khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, vấn đề được giới quan sát cực kỳ quan tâm là Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào, những khó khăn và thuận lợi của tiến trình trên cũng như những tác động của nó đối với cán cân sức mạnh khu vực.
Lực lượng bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Việt Nam
Lực lượng bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Việt Nam

Theo giới phân tích, việc được tiếp cận nhiều hơn các vũ khí của Mỹ sẽ giúp nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam và giúp xây dựng phương án phòng thủ, răn đe tốt hơn. Do Việt Nam hiện nay có thêm nhiều lựa chọn trong danh sách mua sắm của mình, bước đi này cũng có khả năng làm cho Việt Nam trở nên ít phụ thuộc hơn vào Nga, và do đó mang lại cho Việt Nam khả năng thương lượng tốt hơn trong các cuộc đàm phán mua vũ khí từ Nga.

Phó giám đốc của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) Murray Hiebert, Việt Nam mong muốn và cần kiên định theo đuổi quá trình hiện đại hóa quân sự, và nước này coi công nghệ quân sự của Mỹ là một đòn bẩy chiến lược tiềm tàng. Việt Nam không chỉ cần xây dựng một lực lượng răn đe hiệu quả ở Biển Đông. Việt Nam cũng muốn giảm dần sự phụ thuộc quá mức của mình vào vũ khí Nga và tạo dựng khả năng phối hợp hoạt động với các đối tác đang nổi trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Mỹ.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXHNV- Đại học Quốc gia TPHCM và nghiên cứu viên Nguyễn Thế Phương cũng thuộc Trung tâm này, việc Việt Nam dựa hầu hết vào Nga như nguồn cung vũ khí chủ yếu có thể nảy sinh một số rủi ro và bất tiện nhất định.

Thứ nhất, nguồn cung có thể bị gián đoạn nếu xuất hiện những vấn đề bất khả kháng diễn ra, cả vì lý do khách quan, lẫn chủ quan (như việc các tàu Gepard chậm hạ thủy do phải chờ động cơ từ Ukraine). Chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí khiến cho tốc độ hiện đại hoá bị chậm lại cũng như ảnh hưởng tới các tính toán quốc phòng khác.

Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam
Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard có trực thăng săn ngầm của hải quân Việt Nam do Nga sản xuất

 Thứ hai, Nga cũng bán các vũ khí tương tự của Việt Nam (như tàu ngầm Kilo hay Su-30) hay thậm chí là cao cấp hơn cho Trung Quốc. Trong năm 2015 chẳng hạn, Nga đã ký hợp đồng 2 tỷ USD bán 24 máy bay Su-35 cho Bắc Kinh. Cùng năm, Nga cũng đạt thoả thuận bán 4 đến 8 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Trung Quốc. Việc có cùng một nguồn cung với Trung Quốc, quốc gia đang có những tranh chấp với Việt Nam là một rủi ro, khi các chuyên gia kỹ thuật nước này có thể biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của từng loại vũ khí mà Việt Nam đang sở hữu, và có biện pháp khắc chế. Đa dạng hoá nguồn cung sẽ giảm thiểu rủi ro này, theo các chuyên gia.

Thứ ba, một số lĩnh vực công nghệ quốc phòng của Nga đi sau phương Tây. Trong đó, bao gồm các lĩnh vực như điều khiển tự động hoá, máy bay không người lái, và các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến. Đây là những công nghệ có thể giúp Việt Nam cải thiện năng lực giám sát biển và các năng lực chỉ huy, kiểm soát, máy tính, thông tin liên lạc, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR) một khi cấm vận được dỡ bỏ.

Tất các chuyên gia đều nhìn nhận vũ khí Nga đóng vai trò xương sống trong tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại mà quân đội Việt Nam góp mặt, từ vũ khí hạng nhẹ cho tới các loại vũ khí hạng nặng. Nhưng cũng chính quân đội Việt Nam với sự quả cảm, nhanh nhạy và tài thích ứng tuyệt vời đã giúp vũ khí Nga “thăng hoa” và trở nên nổi tiếng qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược lừng lẫy địa cầu.

Quân đội Việt Nam xuất phát từ lịch sử, có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành và sử dụng các hệ thống vũ khí của Nga. Khi kinh nghiệm càng lớn thì chi phí vận hành, chi phí huấn luyện và chi phí chuyển loại vũ khí càng thấp.  Bên cạnh đó, Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay nổi tiếng với các công nghệ vũ khí tốt  và giá cả lại phải chăng. Một lý do quan trọng khác là Nga thường không kèm theo các điều kiện khác khi bán vũ khí cho các nước.

Tuy nhiên, các ưu điểm kể trên của vũ khí Nga lại chính là khuyết điểm của vũ khí Mỹ trong hiện tại. Giá cả là yếu tố rất quan trọng trong việc một lực lượng quân đội sẽ quyết định sẽ mua vũ khí gì và mua bao nhiêu. Nga có ưu thế hơn Mỹ nếu xét tới tỷ lệ tính năng/giá cả. Với cùng một tính năng hoặc thấp hơn một chút, vũ khí Nga đa phần đều rẻ hơn vũ khí Mỹ.

Theo Diplomat, Nga vẫn là một đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về dài hạn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự song phương. Trang thiết bị, vũ khí Nga cung cấp cho Việt Nam đã chứng tỏ rất hiệu quả trong thực tế. Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm vận hành vũ khí Nga hàng thập kỷ, trong khi hầu như có rất ít kinh nghiệm với vũ khí Mỹ. 

Tuy nhiên, giới phân tích cùng chung nhận định rằng sự kiện Mỹ chính thức “cởi trói” hoàn toàn cấm vận vũ khí đã mang lại cho Việt Nam nhiều sự lựa chọn. Thứ nhất, quyết định này mở ra khả năng tiếp cận kho vũ khí của Mỹ và đồng minh. Dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận giúp Việt Nam trên lý thuyết có thể đặt hàng bất kỳ loại vũ khí nào mà Mỹ có thể bán. Không chỉ giới hạn trong các loại vũ khí phương tiện liên quan tới an ninh biển, Việt Nam có thể mua tất cả các loại vũ khí khác từ vũ khí cá nhân, cho tới xe tăng, xe bọc thép, các loại máy bay, tên lửa, tàu chiến, tàu ngầm .. Tóm lại, Việt Nam có thể tiếp cận đầy đủ nhất tới thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (Mỹ chiếm 33% tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015).

Có thể thấy, Mỹ và lệnh cấm vận vũ khí có tác động lớn trên thị trường buôn bán vũ khí quốc tế. Tuyên bố của ông Obama giúp Việt Nam tiếp cận hoàn toàn và đầy đủ thị trường vũ khí phương Tây vốn không có các rào cản về kỹ thuật hay nhân quyền như Mỹ, với chất lượng vũ khí tương đương.

Việc bãi bỏ các lệnh cấm cũng làm cho Việt Nam dễ dàng hơn khi mua các vũ khí hay thiết bị quân sự từ bên thứ ba sử dụng công nghệ hoặc phụ tùng do Mỹ cấp phép. Các vũ khí hoặc thiết bị như vậy không thể được chuyển giao cho Việt Nam nếu lệnh cấm vẫn còn tồn tại.

Thứ hai, Việt Nam vẫn còn niêm cất rất nhiều loại vũ khí của Mỹ để lại từ sau chiến tranh Việt Nam. Do lệnh cấm vận mà quân đội không thể có đủ phụ tùng thay thế để có thể tái trang bị những loại vũ khí đó, tiêu biểu như trực thăng UH-1, thiết giáp M-113, một số loại xe thiết giáp bánh lốp, các loại pháo bộ binh, vũ khí cá nhân v.v… Bãi bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn các loại phụ tùng vũ khí, đặc biệt là với các loại vũ khí sát thương cũ của Mỹ. Điều này sẽ phần nào bổ sung cải thiện năng lực tác chiến của quân đội.

Tên lửa chống hạm Bastion-P của Việt Nam
Tên lửa chống hạm siêu thanh Bastion-P của Việt Nam
Tên lửa Extra của Việt Nam
Tên lửa Extra Việt Nam mua của Israel

Thứ ba, mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh, đồng thời phù hợp với lợi ích hiện tại của Việt Nam. Tức là quá trình mua bán sẽ diễn ra từ từ, không ồ ạt và chắc chắn sẽ không tập trung vào các loại vũ khí hạng nặng (máy bay chiến đấu hạng nặng, tàu chiến, xe tăng …).

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã nêu rõ về “tiềm năng hợp tác an ninh với Việt Nam”, các mục tiêu hợp tác trước mắt của Việt Nam bao gồm: nâng cấp năng lực tác chiến của tàu ngầm; ngăn chặn kết nối không-hải trên biển (nhắm vào chống tiếp tế); tác chiến chống tàu mặt nước (ASUW); tác chiến chống ngầm (ASW); nhận thức hàng hải (MDA); cảnh báo sớm và các năng lực có liên quan tới chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR).

(còn nữa)