Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày 6-7-8 tháng Tám năm 2021 nắng hanh hao, vắng lặng một cách khác thường. Cần nhấn mạnh rằng, chỉ những chuyến bay công vụ hoặc nhân đạo đã có kế hoạch từ trước mới được phép cất cánh, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: ai ở đâu ngồi yên đấy.
Chuyến bay tiếp nhận công dân tỉnh nhà của lãnh đạo Hà Tĩnh để giảm tải và chia sẻ gánh nặng cho TP. HCM là nằm trong kế hoạch đã được triển khai từ trước khi có lệnh của Thủ tướng và được các ngành chức năng cho phép.
12h30’ ngày 8/8/2021, Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng (Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh) lặng lẽ bước ra một góc sân ga Tân Sơn Nhất, gạt vội mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán, kéo nhẹ chiếc khẩu trang và châm vội điếu thuốc.
Ánh mắt Thượng tá Thắng hướng về phía bầu trời Sài Gòn xanh ngăn ngắt không một gợn mây. Chiếc tàu bay của hãng bay Bamboo vừa cất cánh, chở theo 199 người dân quê Hà Tĩnh trên chuyến bay thứ 5 rời TP.HCM. Nhiệm vụ của anh đã hoàn tất.
Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng đứng một mình. Nhiệm vụ của anh và đoàn công tác đặc biệt đến từ tỉnh Hà Tĩnh từ chiều 23/7 sau khi đặt chân tới TP. HCM là tổ chức một đoàn tàu đưa 824 người, sau đó là 1.013 người trên 5 chuyến bay trở về quê hương theo “nhiệm vụ của lương tâm” mà lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giao phó, sẽ quay về bằng đường bộ.
Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng (Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh) tại sân bay Tân Sơn Nhất đang dõi theo chuyến bay thứ 5 cất cánh an toàn. Ảnh: GVT. |
“Kiệt lực rồi, em phải về nhà”
Nguyễn Công Chính (SN 1991), quê xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh lúi húi chất toàn bộ hành lí lên xe đẩy tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 10h ngày 6/8/2021.
Không đủ chỗ chứa, Chính lại phải nhờ để ké chiếc xe bên cạnh của một người quen. Vợ Chính vội vàng khoác chiếu túi địu trẻ con lên vai chồng, để Chính ôm con còn mình thì loay hoay sắp xếp lại đồ đạc.
Hỏi rằng tài sản mang về là những gì?, Chính trỏ ngón tay vào đứa con đang địu trước ngực: “Đây anh. Mới 9 tháng tuổi, cháu tên là Nguyễn Ngọc Châu Anh”. Rồi Chính giới thiệu nốt món “tài sản” thứ hai mang về từ Sài Gòn: “Con gái đầu của em tên Nguyễn Thanh Trúc Nhi, năm nay 5 tuổi”.
Vợ chồng Nguyễn Công Chính trở về quê nhà với 2 "tài sản" lớn nhất, một bé còn đang phải địu trước ngực ba Chính. Ảnh: GVT. |
Ba năm trước (2018), vợ chồng Chính vào TP.HCM, chọn quận 12 làm nơi trú ngụ, mở một tiệm giặt ủi. Cuộc sống đang dần ổn định thì dịch Covid-19 ập tới. Cầm cự được qua năm 2020, tới tháng 4/2021 thì Chính gục hẳn.
“Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 10 triệu. Dịch rục rịch từ giữa tháng 3, tới tháng 4/2021 bắt đầu gây khó khăn, phải hạn chế. Rồi tới tháng 5 thì đóng cửa. Tháng đầu tiên chủ nhà giảm cho 1 triệu, tháng tiếp theo giảm cho 2,5 triệu. Nhưng cửa hàng buộc phải đóng cửa, không có khách.
Vợ chồng em cầm cự được 4 tháng rồi quyết định trả mặt bằng, xin về khi nghe tin tỉnh Hà Tĩnh sẵn sàng đón con em xa quê gặp khó khăn”, Chính không giấu giếm kể lại hoàn cảnh.
Từ đầu tháng 4/2021 cái cửa hàng giặt là bé xíu do vợ Chính quản lý phải đóng cửa vì hụt khách. Chính làm tự do nhưng đến đầu tháng 6/2021, khi TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 thì nghỉ nốt.
Từ sáng sớm ngày 6/8/2021, tỉnh Bình Dương đã tổ chức 6 xe ca vận chuyển bà con Hà Tĩnh về quê hương được xe cảnh sát giao thông dẫn đường vào tận sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: GVT. |
Vợ chồng Chính ráng cầm cự cho đến lúc đăng ký xin đi tàu hoả về từ hồi tháng 7 (ngày 24/7/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chuyến xe lửa đầu tiên đưa 824 công dân tỉnh này hồi hương, miễn phí vé tàu và phí xét nghiệm Covid 19 - NV), nhưng họ đã không có suất.
May đến đợt này thì được đi máy bay. "Tàu hoả hay máy bay gì cũng được anh ạ, miễn là mình được về nhà. Vợ chồng em kiệt lực rồi, không trụ lại nổi nữa” - Chính nói.
Chính năm nay 30 tuổi vẫn cứ cười đùa gắng trêu chọc hai đứa con: “Vợ em là người Huế. Hấn (hắn, em, nó – ngôi danh xưng thứ 2 - NV) đòi về Kỳ Nam ở. Anh biết mai Kỳ Nam không, nhiều hoa mai lắm?”. Chính dụ vợ về quê bằng loài hoa đặc trưng của miền Nam, dù biết rõ mùa hè thì có bói cũng chẳng ra một bông mai nào.
Theo quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, cả gia đình Chính gồm 4 thành viên sẽ cách ly tập trung tại huyện Kỳ Anh sau khi xuống sân bay Vinh trong vòng 14 ngày, tự trả phí ăn uống. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ miễn phí đi lại và test Covid-19 miễn phí.
Các cán bộ trong đoàn công tác đặc biệt của tỉnh Hà Tĩnh đang trao đổi nhanh các tình huống phát sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất khi tổ chức 5 chuyến bay hồi hương cho 1.837 công dân. Ảnh: GVT. |
Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, Trưởng đoàn công tác đặc biệt) cho biết, đến ngày 8/8/2021, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hoàn tất hồi hương cho 824 người về bằng tàu hoả từ ngày 24/7, 1.013 người về bằng máy bay sau 5 chuyến, trong 3 ngày 6 – 7 – 8/8/2021.
Đã có 32 trường hợp xét nghiệm dương tính trên chuyến tàu lịch sử chở 824 công dân Hà Tĩnh hồi hương ngày 24/7/2021. Sau 14 ngày, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức 5 chuyến bay, thuê tàu của hãng Bamboo Airways, đưa tiếp 1.013 công dân về quê.
Tiêu chuẩn xét duyệt: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, con em Hà Tĩnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đi công tác bị mắc kẹt lại… từ các tỉnh, thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
“Hơn 20.000 bà con đã đăng ký, nhưng thực sự năng lực đáp ứng cách ly, thu dung, điều trị y tế của tỉnh cũng có hạn. Rất mong các bà con ở lại miền Nam thông cảm, chờ đợi những chuyến về quê tiếp theo.
Rất nhiều người tàn tật, khó khăn được ưu tiên lên 5 chuyến bay từ các ngày 6, 7, 8/8/2021. Ảnh: GVT. |
Tỉnh nhà không từ chối bất cứ bà con nào có nguyện vọng về nhà cả, nhưng hiện nay khả năng chỉ mới được như vậy”, ông Nguyễn Lương Tâm cho biết.
Những người tự nguyện cách ly
16h ngày 9/8/2021, người viết bài đọc được dòng tin nhắn tới trên điện thoại: “Đoàn công tác đã về tới nơi. Cách ly 7 ngày tại Cẩm Xuyên. Chúc TP.HCM khoẻ”, tin từ TS. Nguyễn Lương Tâm (Trưởng đoàn công tác đặc biệt).
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu gửi thư cám ơn tới UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai… trong việc phối hợp đưa các công dân đang làm việc, sinh sống, học tập tại các tỉnh, thành phố phía Nam có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được trở về Hà Tĩnh.
1.837 công dân đã trở về miền Trung bằng các phương tiện tàu hoả, máy bay. Còn 1.370km đường bộ, là chặng đường thiên lý mà đoàn công tác của tỉnh này đã vượt qua từ khi xuất phát ngày 20/7/2021, và trở về cũng trên cung đường đó.
Ba mẹ con trở về quê, còn ba ở lại tiếp tục bám trụ cùng TP.HCM đang chống chọi với dịch Covid-19. Ảnh: GVT. |
Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng (Phó phòng CSGT công an tỉnh Hà Tĩnh) kể rằng, đây là chuyến công tác đặc biệt nhất trong suốt 35 năm công tác trong ngành.
“Như đi cách ly tại nơi sầm uất nhất cả nước, rồi về lại cách ly tiếp. Anh em chúng tôi là những người tự nguyện đi cách ly mà”, thượng tá Thắng dí dỏm đùa vui tại sân bay Tân Sơn Nhất, trước khi chào tạm biệt.
Vào TP.HCM vì nhiệm vụ giữa đại dịch, không có hàng quán nào mở bán, cả đoàn công tác 5 người của tỉnh này bám trụ lại để tiếp tục sắp xếp đưa 1.013 bà con về, sau chuyến tàu đầu tiên, chỉ có một quy luật sinh hoạt là đi liên tục từ TP.HCM qua Bình Dương, Đồng Nai rồi quay về khách sạn.
“Không có chỗ nào để mua đồ ăn ngoài nơi ở. Nếu đi dọc đường lỡ bữa là nhịn đói luôn. Mấy hôm trước, có người bạn nấu cho một nồi giả cầy mang tới tặng, mấy anh em trong đoàn mới có món tươi đổi khẩu vị thay cho trứng chiên hằng ngày. Không thể tưởng tượng ra một thành phố sầm uất nhất cả nước nay vắng lặng đến thế”, anh Thắng kể.
Trong 5 chuyến bay do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, ưu tiên trẻ em, người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai và những người đi công tác bị kẹt lại ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Ảnh: GVT. |
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục tấn công TP.HCM với số ca phát hiện dương tính vẫn duy trì ở mức 4 con số mỗi ngày.
Khi hỏi Nguyễn Công Chính dự định thời gian tới còn quay lại TP.HCM để tiếp tục nghề giặt ủi nữa không, Chính ngậm ngùi: “Cũng phải đợi qua dịch bệnh rồi mới tính tiếp được anh à. Có thể nếu quay vào, em cũng chỉ dám vào một mình, còn vợ con thì không thể bắt cùng chịu khổ với mình được”.
Gia đình Chính chào tạm biệt Sài Gòn với xe đồ nặng trĩu, địu bé Châu Anh trước bụng, bước chân nặng nề đẩy xe đồ dùng của cả gia đình chầm chậm hướng về phía cửa kiểm soát an ninh.
Bé Trúc Nhi lũn cũn chạy theo chân mẹ, người trùm kín trong bộ đồ phòng hộ màu lam dài lượt thượt.
Một công dân nhí háo hức chờ giờ lên tàu. Cậu bé này sẽ có một chuyến bay kỳ lạ trong đời khi toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều trùm kín trong bộ đồ phòng hộ màu xanh y tế. Ảnh: GVT. |
Phía trước những thành viên trong gia đình nhỏ bé của Nguyễn Công Chính là một tương lai đang bỏ ngỏ./.