Việc bầu lại sẽ vào một thời điểm khác trong năm 2015. Diễn biến này tương tự như tại đại hội Eximbank đang diễn ra cùng lúc.
Ông Cao Sỹ Kiêm xin thôi tham gia HĐQT
Chủ tịch HĐQT ngân hàng, ông Cao Sỹ Kiêm khi trình bày trước Đại hội đồng cổ đông cho biết, “Chúng tôi đã lập hồ sơ trình NHNN để NHNN cho ý kiến về danh sách 8 ứng cử viên là thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát nhưng đến thời điểm hiện nay ngân hàng chưa nhận được ý kiến từ NHNN.
Ngoài ra, do kế hoạch tăng vốn nên nhân sự chủ chốt có thể thay đổi theo cơ cấu mới của cổ đông. Vừa qua EAB và KIDO đã có ký thỏa thuận ghi nhớ về việc KIDO tham gia mua cổ phần của EAB. KIDO sẽ cử nhân sự tham gia HĐQT và Ban kiểm soát EAB nên HĐQT trình cổ đông xem xét chấp thuận hoãn việc bầu cử đến thời điểm thích hợp năm 2015. Chúng ta sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu HĐQT và Ban kiểm soát trong nhiệm kỳ tới”.
Ông Kiêm cũng cho biết, "cá nhân tôi sẽ xin rút tham gia HĐQT trong đại hội này sau hai năm tham gia cùng ngân hàng".
Đại hội đồng cổ đông cũng nghe tờ trình của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng trong năm nay theo như sự chấp thuận của NHNN. Theo tờ trình, sau thời gian đàm phán để tìm hiểu đối tác, EAB nhận thấy Công ty cổ phần Kinh Đô (KIDO) là nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng và công ty này cam kết sẽ mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt EAB tăng vốn điều lệ. 100 triệu cổ phiếu tăng thêm trong đợt phát hành này sẽ cháo bán riêng lẻ cho KIDO với giá 10.000 đồng/cổ phần. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành 1.000 tỉ đồng được dùng cho việc đảm bảo và tăng cường khả năng thanh toán và cho vay tại sở giao dịch, chi nhánh.
Liên quan đến kế hoạch tăng vốn, trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, KIDO cho biết cho đến nay công ty chưa quyết định chính thức sẽ chi ra 1.000 tỉ đồng để mua 100 triệu cổ phiếu EAB và việc này vẫn đang trong quá trình thẩm định và đánh giá. "Hội đồng Quản trị của công ty sẽ quyết định sau khi xem xét kết quả đánh giá của kiểm toán và kết quả thẩm định đầu tư", nguồn tin này cho biết.
Có xin chia cổ tức, NHNN cũng không chấp thuận!
Tổng giám đốc ông Trần Phương Bình cũng cho biết, tính đến hết 6 tháng đầu năm nay ngân hàng Đông Á đạt 102 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Song hiện nay, việc chia lãi phải xin ý kiến NHNN. Vì thế, trước đề nghị được chia cổ tức của cổ đông (đã hai năm nay cổ đông ngân hàng không có cổ tức), ông Bình nói rằng “hiện DongA Bank đang xử lý nợ xấu nên có xin NHNN cũng không chấp thuận, xin thông báo để cổ đông biết”.
Theo Tờ trình phân phối lợi nhuận 2014 trình các cổ đông, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng năm 2014 chỉ đạt 26,9 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế được phép phân phối chỉ còn 21,4 tỉ đồng.
Nợ xấu tính đến 31-12-2014 là 1.947 tỉ đồng, giảm 170 tỉ đồng so với năm 2013 nhưng vẫn còn ở mức 3,76% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu đến cuối năm 2014 là 49%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 0,03% và lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) là 0,61%. Thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng năm 2014 là 2,05%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) tính đến 31-12-2015 là 10,17%. Tổng tài sản đến hết năm 2014 đạt 87.108 tỉ đồng, tăng 16% so với cuối 2013 và đạt 87% kế hoạch.
Trưởng ban kiểm soát bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, trong năm 2014, Công ty quản lý quỹ của ngân hàng Đông Á đã tạm ngừng hoạt động từ 1-2015. Nhân sự toàn hệ thống đã giảm gần 700 người trong năm 2014.
Năm 2015, EAB đặt kế hoạch tổng dư nợ tín dụng tăng 7%, bao gồm dư nợ cho vay khách hàng, dư nợ cam kết ngoại bảng và số dư trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 200 tỉ đồng.
Trả lời về việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP An Bình có xảy ra hay không, ông Trần Phương Bình cho biết hiện tại Đông Á sẽ chưa sáp nhập với ngân hàng nào, nếu có thay đổi sẽ trình cổ đông sau.
Theo TBKTSG