Nhiều ĐBQH đề nghị hoãn thông qua dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều ĐBQH cho rằng dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cần thời gian để bổ sung đầy đủ, để trở thành một bộ luật có tính dài hơi, định hướng trong quá trình phát triển các bệnh viện.
ĐB Trần Thị Nhị Hà cho rằng đây là dự án luật khó, tác động đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
ĐB Trần Thị Nhị Hà cho rằng đây là dự án luật khó, tác động đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào sáng nay (24/10), ĐB Hoàng Văn Cường - TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Hải Dũng - Nam Định, ĐB Nguyễn Công Long - Đồng Nai, ĐB Trần Thị Nhị Hà - TP Hà Nội, ĐB Trịnh Xuân An - Đồng Nai,… đã chỉ ra một số vấn đề căn cốt của ngành y tế liên quan đến công tác khám, chữa bệnh nhưng chưa được xử lý thấu đáo trong dự thảo Luật.

Các ĐBQH cho rằng đây là một dự án luật khó và hết sức quan trọng, tác động tới tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vì thế, cần cân nhắc xem xét dự thảo luật theo quy trình 3 kỳ họp để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn và tính khả thi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2023, có hiệu lực từ ngày mùng 1/1/2024, như vậy vẫn đảm bảo tiến độ ban hành Luật.

Quốc hội đã dành phiên làm việc buổi sáng nay (24/10) để bàn thảo về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi.

Quốc hội đã dành phiên làm việc buổi sáng nay (24/10) để bàn thảo về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi.

Về tổng thể dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Nhị Hà bày tỏ: Dự thảo Luật kỳ vọng có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn của ngành y tế. Tuy nhiên, nhiều nội dung lộ trình bắt đầu thực hiện từ 2027, 2029, thậm chí 2032, trong khi đó, Luật có hiệu lực từ ngày mùng 1/1/2024, thì lộ trình thực hiện là quá xa. Điều đó cũng đặt ra câu hỏi về tính cấp thiết phải ban hành ngay dự thảo luật này.

“Ngoài ra, dự thảo cũng đã giao quá nhiều vấn đề lớn cho Chính phủ quy định chi tiết, tổng số 121 điều có tới 37 điều giao Chính phủ quy định, trong đó, có những vấn đề lớn chưa rõ ràng, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về hệ thống cơ sở y tế, về xã hội hóa, về chi phí giá khám bệnh, chữa bệnh, về cơ chế tài chính y tế, về Hội đồng y khoa Quốc gia, về công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, về thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu quan điểm.

ĐB Trần Thị Nhị Hà cũng chỉ ra dự thảo quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục kỹ thuật y tế tối thiểu với mỗi cấp khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp, nhưng muốn nâng cao năng lực chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để phê duyệt danh mục kỹ thuật tối đa và khuyến khích việc thực hiện danh mục kỹ thuật vượt cấp.

Trong trường hợp cơ sở cung cấp được danh mục kỹ thuật của nhiều cấp, thì dự thảo luật chưa nêu được nguyên tắc để phân cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính vì vậy, nội dung này cần được quy định cụ thể và phải dựa trên đánh giá tính khả thi trong thực tiễn.

Về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, theo quy định hiện nay, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Vì vậy, rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bày tỏ sự nhất trí với việc quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tại dự thảo luật, nhưng ĐB Trần Thị Nhị Hà cho rằng nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải.

Ví như hình thức vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được quy định tại dự thảo quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế vốn đã có từ lâu nhưng thực tế rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng.

“Tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét quy định cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc vay bằng hình thức tín chấp. Tôi kiến nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách, thủ tục thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế với từng hình thức cụ thể” – bà Hà nêu quan điểm.

Bệnh viện xin thôi tự chủ là thất bại của chính sách

Nhắc tới việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị cấp có thẩm quyền cho thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện từ 2 năm nay, ĐB Nguyễn Hải Dũng cho rằng đây là vấn đề xã hội hết sức quan tâm. Điều này thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước. Bên cạnh đó, khi Đoàn ĐB Quốc hội lấy ý kiến các ngành ở địa phương, cũng có thông tin về việc dư luận có nhiều ý kiến về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện nhà nước.

Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để nhân dân, người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám chữa bệnh, vừa để cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở, yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh và chữa bệnh.

Vì thế, ĐB Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đã đặt ra.

Vì vậy, để có thời gian cho việc này, ĐB Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5.

Cũng đề cập tới câu chuyện tự chủ bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K - nơi có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ nhưng lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ, quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

ĐB Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

ĐB Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

ĐB Hoàng Văn Cường phân tích thực tế cơ chế tự chủ đã thực hiện khá thành công ở các trường đại học hiện nay. Rất nhiều người đã có chung nhận định việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công; việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Nói về kinh tế ở các bệnh viện, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, phần lớn các y, bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Trong điều kiện làm việc như thế, nếu họ được hưởng mức thù lao thỏa đáng, xứng đáng với công sức và đóng góp của họ thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý, dành hết năng lực của bản thân cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải chân trong, chân ngoài, tất bật với phòng khám tư.

Đông đảo các bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập, nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài, hoặc phải khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì bệnh viện ngoài công lập có thiết bị hiện đại hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của các bệnh viện.

“Tôi hy vọng rằng, những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tôi thấy những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này” - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân thẳng thắn nêu quan điểm.