Nhiều quy định về chuyên môn lạc hậu
Ra đời hơn 10 năm trước, Luật khám, chữa bệnh (KCB) năm 2009 quy định các hình thức tổ chức cơ sở KCB nhưng chưa bao phủ hết các loại hình tổ chức cơ sở KCB đã tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ KCB cũng còn bất cập khi chưa có giải pháp quản lý hoạt động của các cơ sở KCB, dẫn đến thiếu sự liên thông trong theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của người dẫn giữa các cơ sở KCB.
Nhiều nội dung liên quan đến chuyên môn trong KCB, như KCB từ xa; điều trị nội trú ban ngày; phục hồi chức năng; khám sức khỏe; khám giám định; chăm sóc người bệnh; dinh dưỡng lâm sàng; sử sản phẩm dinh dưỡng để điều trị như sản phẩm chuyên biệt để điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ 0-72 tháng tuổi; phòng ngừa sự cố y khoa ... chưa được quy định trong Luật, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn từ xa tại Cục Quản lý KCB Bộ Y tế để hội chẩn điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng |
Những vụ việc tấn công nhân viên y tế thời gian gần đây đã chỉ ra lỗ hổng trong điều kiện bảo đảm cho công tác KCB: Đó là vấn đề an ninh cơ sở KCB chưa được quy định trong Luật KCB năm 2009, nên chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh cơ sở KCB, trong đó có sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh cho cơ sở KCB, hay kinh phí cho hoạt động này.
Ngoài ra, có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, như quy định về giá dịch vụ KCB, nguồn tài chính,.. hoặc chưa có quy định như phân cấp hệ thống cơ sở KCB theo quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 20-NQ/TW…
Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng khắc phục những hạn chế, bất cập trên.
Phải có hạ tầng công nghệ thông tin kết nối với Bộ Y tế
Trong quy định nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở KCB, Dự án Luật KCB (sửa đổi) đã bổ sung quy định giao Bộ Y tế ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về KCB, đồng thời thúc đẩy các cơ sở KCB của Nhà nước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Nhưng dự thảo Luật giữ nguyên quy định khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế, đánh giá chất lượng theo chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật.
Nhân viên y tế sẽ được bảo vệ bằng việc luật hóa vấn đề đảm bảo an ninh các cơ sở y tế |
Dự án Luật KCB (sửa đổi) đã bổ sung quy định cơ sở KCB phải có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức và quản lý.
Đây là biện pháp vừa nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh thông qua việc liên thông hồ sơ bệnh án giữa các cơ sở KCB, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các cá nhân.
Thêm nhiều tổ chức được cung cấp dịch vụ KCB
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, để khắc phục các vướng mắc bất cập về cấp giấy phép hoạt động đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ KCB, dự thảo Luật đã cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở KCB có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ KCB nếu đáp ứng điều kiện theo quy định.
Đặc biệt, dự án Luật KCB (sửa đổi) cũng cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh, nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Việc phân cấp chuyên môn được đổi mới, theo đó hệ thống cơ sở KCB được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; xác định mức độ cung cấp dịch vụ của từng cấp đồng thời cho phép thực hiện KCB từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ KCB, bảo hiểm y tế, để từng bước tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ KCB ngay tại cơ sở, hạn chế việc người bệnh phải về tuyến trung ương như hiện nay.
Cải cách thủ tục hành chính
Theo Dự án Luật KCB (sửa đổi), việc quản lý hoạt động của người hành nghề giao cho Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KCB và cấp giấy phép hành nghề.
Các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội KCB từ xa để hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến dưới điều trị các ca bệnh khó |
Việc cấp giấy phép hoạt động được phân cấp mạnh theo hướng Bộ Y tế cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng chỉ cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Công an cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ Công an; Sở Y tế cấp cho các cơ sở còn lại trên địa bàn, gồm bệnh viện tư nhân và các cơ sở thuộc các bộ, ngành khác, trừ các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Dự thảo luật KCB phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo thẩm quyền tương ứng với thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Đổi mới cách tính giá dịch vụ KCB
Cùng với tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở KCB của cả nhà nước và tư nhân, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chia hệ thống KCB thành 3 cấp:
Cấp KCB ban đầu thực hiện nhiệm vụ KCB ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Cấp KCB cơ bản thực hiện nhiệm vụ KCB ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát.
Cấp KCB chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ KCB ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu.
Đặc biệt, vấn đề giá dịch vụ KCB có sự thay đổi mạnh mẽ: Trước đây, giá dịch vụ KCB được tính bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, nay giá dịch vụ KCB được tính bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình KCB, gồm: Hàng hóa phục vụ việc KCB như thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác; Dịch vụ KCB do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp; Các chi phí khác có liên quan đến quá trình KCB.
Quy định trên là nhằm khuyến khích các cơ sở KCB đầu tư, nâng cao khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ KCB. Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ KCB theo pháp luật quy định.
Luật hóa việc đảm bảo an ninh
Dự thảo Luật KCB đã bổ sung quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho người bệnh, người nhà người bệnh, cơ sở KCB và an toàn cho nhân viên y tế, gồm:
Thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ gây mất an ninh cho cơ sở KCB và an toàn cho nhân viên y tế tại các địa điểm khác dễ xảy ra xung đột giữa nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân của người bệnh;
Ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để quản lý người bệnh, thân nhân của người bệnh, người hành nghề;
Quy định người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật và buộc phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc tại nơi người đó cư trú hoặc tại nơi người đó làm việc, hoặc tại cơ sở KCB nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, nhân viên y tế.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu