Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán vừa được CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) công bố cho thấy, trong năm 2017, tập đoàn này đã hạch toán một tiểu khoản khá mới trong tài khoản Phái trả khác (ngắn hạn).
BCC là gì?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 thì hợp đồng hợp tác kinh doanh (Business Cooperation Contract) là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh để phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Đó là Phải trả Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Thông tin trong báo cáo cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2017, giá trị của tiểu khoản này là 1.282,5 tỷ đồng.
“Thể hiện các hợp đồng BCC được ký kết ngày 1 tháng 9 năm 2017 với các cá nhân (bên liên quan) về việc hợp tác đầu tư vào các dự án trồng cây ăn trái của Tập đoàn. Các BCC không yêu cầu thành lập pháp nhân mới và lợi nhuận sẽ được chia dựa vào kết quả kinh doanh của dự án với thời hạn hợp tác là 1 năm kể từ ngày hợp đồng”, bộ phận kế toán của HAG thuyết minh về khoản phải trả 1.282,5 tỷ đồng.
Vậy các cá nhân đã ký hợp đồng BCC với HAG cụ thể là ai?
Nổi bật nhất trong số đó là Chủ tịch HĐQT HAG Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức đã chuyển cho HAG 240 tỷ đồng để hợp tác đầu tư. Đây cũng là cá nhân đã BCC với HAG, với quy mô lớn nhất.
Trong khi, Hồ Thị Kim Chi – cái tên gợi nhắc đến Phó Tổng Giám đốc HAG – đã chuyển cho HAG 55,5 tỷ đồng.
Bảy cái tên khác – tất cả đều thuộc diện bên liên quan – đã chuyển cho HAG thêm 837 tỷ đồng khác, là: Nguyễn Thượng Trung (137 tỷ đồng); Thủy Ngọc Dũng (135 tỷ đồng); Nguyễn Ngọc Mai (140 tỷ đồng); Nguyễn Thị Hồng Luyến (115 tỷ đồng); Trần Quang Dũng (110 tỷ đồng); Dương Thanh Bích (150 tỷ đồng); Lê Thùy Dương (50 tỷ đồng).
Pháp nhân duy nhất - CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên, cũng là một công ty liên quan đến HAG – đã chuyển 150 tỷ đồng. Ngoài ra, pháp nhân này còn cho HAG mượn tạm 4,1 tỷ đồng khác.
Hiện chưa rõ 9 cá nhân và 1 pháp nhân trên đã ký hợp đồng BCC với HAG cụ thể trong dự án trồng cây ăn trái nào, với những điều khoản cụ thể ra sao. Cũng chưa rõ, các cá nhân này đã thu xếp nguồn lực tài chính từ đâu và như thế nào để chyển cho HAG, cũng như họ đã phải là bên đầu tư thực sự hay chưa (?!).
Bên cạnh việc huy động hàng nghìn tỷ đồng từ các cá nhân – là bên “liên quan” – theo các hợp đồng BCC như đã nêu, đáng chú ý, trong năm 2017, HAG cũng lại giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho các cá nhân liên quan khác, thông qua hình thức cho vay ngắn hạn.
Chẳng hạn như việc cho ông Nguyễn Quyền vay ngắn hạn 935,1 tỷ đồng; cho ông Từ Minh Đăng vay ngắn hạn 676,2 tỷ đồng; cho ông Hoàng Trọng Hưng vay ngắn hạn 516,7 tỷ đồng.
Trong bài viết “HAG: Hé lộ 1.625 ha vườn cây ăn trái trong thương vụ nghìn tỷ Hưng Thắng Lợi”, VietTimes đã đề cập đến việc HAG nhận chuyển nhượng 76,93 triệu cổ phiếu của CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai (Hưng Thắng Lợi) để bù trừ cho khoản nợ phải thu 2.477.146.000.000 đồng.
Mức giá 32.200 đồng/cổ phần trong thương vụ đã khiến nhiều người băn khoăn về giá trị mà Hưng Thắng Lợi nắm giữ.
Theo công bố của HAG, vào ngày mua (17/03/2018), Hưng Thắng Lợi đang nắm giữ 100% tỷ lệ sở hữu trong Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Đại Thắng (Đại Thắng), một công ty hoạt động ở Lào, là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thành lập theo Luật Doanh nghiệp của Lào theo Giấy chứng nhận vĩnh viễn số 026-16/TT.CPS cấp ngày 19 tháng 12 năm 2016. Hoạt động kinh doanh chính của Đại Thắng trong năm hiện tại là trồng và chăm sóc 1.625 ha vườn cây ăn trái tại tỉnh ChămpaSak, Lào.
Nói cách khác, HAG đã dùng 2.477 tỷ đồng đổi lấy 1.625 ha vườn cây ăn trái tại Chăm-pa-sắc, bằng cách thông qua Hưng Thắng Lợi.
Nhưng vấn đề đặt ra là không phải cứ nhờ có Hưng Thắng Lợi, HAG mới có thể quan hệ với Đại Thắng.
Ngay từ BCTC hợp nhất năm 2016, HAG đã ghi nhận Đại Thắng là một “công ty liên quan” và có nhiều giao dịch với pháp nhân này. Chẳng hạn như giao dịch cung cấp hàng hóa dịch vụ (59 tỷ đồng); chuyển nhượng tài sản (173 tỷ đồng); mua hàng hóa (38 tỷ đồng). Chốt tại ngày 31/12/2016, HAG vẫn hạch toán phải thu ngắn hạn từ Đại Thắng 90 tỷ đồng từ giao dịch bán tài sản; 28 tỷ đồng từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; 120 tỷ đồng từ cho mượn;….
Tương tự, đến BCTC hợp nhất năm 2017, HAG vẫn ghi nhận Đại Thắng là “công ty liên quan” và ghi nhận thêm hàng loạt các giao dịch với pháp nhân này./.