Không thể cách ly xã hội
Những ngọn đồi ma mị quanh Cox's Bazarm (Bangladesh) là nơi sinh sống của người tị nạn Hồi giáo bị đàn áp, Rogingya (Myanmar) có mật độ dân cư thuộc vào loại “siêu đông đúc” hơn bất kỳ thành phố đông đúc nhất nào khác trên thế giới, với 60.000-90.000 người/km2 (mật độ của TP.HCM là 4.363 người/km2). Khoảng chục người sống chung trong một nơi trú ẩn nhỏ. Nhiều người cùng sử dụng một giếng nước và nhà vệ sinh. Nhiều trại tị nạn người Rohingya tại Bangladesh có mật đồ gần gấp 04 lần TP.New York.
Zaatari (Jordan) trại tị nạn người Syria lớn nhất trên thế giới cũng trong tình trạng tương tự với các lều vải chật chội dựng lên san sát, cách nhau chỉ tầm 5 feet (1.52m). Các gia đình sống quá gần nhau và đụng nhau thường xuyên.
Một trại tị nạn khác trên đảo Lesbos (Hy Lạp) được xây dựng cho 3.000 người, nhưng hiện có 20.000 người và hầu như không có vệ sinh.
“Việc cách ly là rất khó khăn”, ông Mohamed Tennari, một bác sĩ đồng thời là điều phối viên y tế tại Idlib, thành phố phía tây bắc Syria nơi có người tị nạn cư trú cho biết. “Một số người dân vẫn đang sống trong trường học hoặc các nhà thờ Hồi giáo. Chính vì vậy, nếu có bệnh nhân Corona đây sẽ là nguyên nhân khiến virus phát tán mạnh mẽ”.
Người tị nạn Hồi giáo Rohingya (Myanmar) đang cầu nguyện tại khu trại Kutupalong, Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh: Rafiquar Rahman/Reuters. |
Không có xà phòng và nước sạch để rửa tay
Không có hệ thống cung cấp nước, các trại tị nạn thường xuyên trong tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt tại những vùng đất khô hạn như châu Phi. Xà phòng khan hiếm và phải dùng tiết kiệm, dung dịch sát khuẩn không có, ngay đến biện pháp phòng dịch căn bản nhất là rửa tay thường xuyên cũng không thể thực hiện. Người tị nạn chỉ còn trông chờ vào hàng viện trợ.
“Chúng tôi không rửa tay nhiều vì thiếu nước”, Nayef al-Ahmad, một người tị nạn sống 05 năm cùng vợ và bảy người con trong khu trại lầy lội dành cho những người tị nạn gần thành phố Azaz, Đông Bắc Syria cho biết. “Găng tay và khẩu trang không có sẵn và nếu có chúng rất đắt”, nhiều người tị nạn tại Trung Đông cho biết, họ nhận thức ngày càng rõ vấn đề qua tin tức trên truyền hình nhưng họ không có nước.
2.6 triệu người tị nạn bị ảnh hưởng bởi bạo lực và thiên tai đang sống tạm bợ rải rác quanh thủ đô Mogadishu (Somalia, châu Phi) đang phải dùng cát và tro để rửa tay. Mặc dù các công ty viễn thông tại Slomania đã gửi tin nhắn văn bản về tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách, song người dân không có xà phòng và rất ít nước. Nhiều gia đình không có thùng chứa, trong khi một số dùng chung một thùng 20 lít.
Tại thung lũng Bekaa (Lebanon), thay vì rửa tay thường xuyên theo như khuyến cáo trên toàn cầu, một số gia đình tị nạn người Syria đang lau tay bằng cồn và làm sạch bằng clo.
Theo Manenji Mangundu, người đứng đầu điều hành Hội đồng Tị nạn Na Uy (Norwegian Refugee Counci - NRC) tại Burkina Faso, một quốc gia ở Tây Phi: “Các gia đình với hơn 10 người hiện chia sẻ với nhau khoảng 20l nước mỗi ngày, tương đương với khoảng 05 gallon, thấp hơn 35l nước/người, lượng vừa đủ để đối phó với dịch Covid-19”.
Thiếu điều kiện y tế, yếu thế trước các nguồn hỗ trợ
Những xung đột và giao chiến đã tàn phá các cơ sở y tế mà chưa kịp nâng cấp và sửa chữa, hoặc buộc người dân phải sống tại những nơi không có điều kiện y tế. Tại Syria và Bangladesh, các bác sĩ điều trị cho người tị nạn đã thấy các bệnh nhân tử vong với những triệu chứng giống Covid-19, nhưng không thể điều trị khỏi vì thiếu giường bệnh, đồ bảo hộ và các trang thiết bị y tế. Các phòng khám trong một trại tị nạn ở Kenya cũng phải vật lộn với tám bác sĩ cho gần 200.000 người ở thời điểm bình thường.
Cho đến nay, số lượng các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận tại các khu vực tị nạn là rất thấp, tuy nhiên đó là kết quả của việc thiếu xét nghiệm và người tị nạn hiếm khi được ưu tiên. Dasher, một người tị nạn ở thung lũng Bekaa (Labenon) cho biết, anh chưa từng thấy bất kỳ một xét nghiệm nào tại nơi anh sống. Một nhân viên cứu trợ của Liên Hợp quốc đã từng đến thăm người tị nạn ở Bekaa mới đây đã dương tính với virus Corona, dấy lên lo ngại về dịch bệnh có thể đã xảy ra.
Không có hệ thống y tế, không được xét nghiệm, người tị nạn có thể bị nhiễm bệnh mà không biết và sẽ truyền nhiễm cho cả khu vực rộng lớn. Nếu bị nhiễm bệnh, người tị nạn cũng không được cách ly và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong và lây chéo rất cao. Các quan chức y tế cảnh báo sẽ có tới 100.000 người tị nạn tại Idlib có thể chết bởi Covid-19 trừ khi có các nguồn cung cấp y tế khẩn cấp.
Người tị nạn tại châu Phi xếp hàng hàng giờ để lấy nước. Ảnh: National Geographic.
|
Suy dinh dưỡng, bệnh tật đầy rẫy
Trại tị nạn trên khắp châu Phi, Trung Đông và Nam Á là nơi có rất nhiều người bị bệnh, stress và thiếu dinh dưỡng với khả năng tiếp cận chăm sóc y tế và vệ sinh cơ bản vô cùng hạn chế. Bệnh tật, từ ho khan đến những nan y đều không được điều trị.
Thiếu ăn và điều kiện vệ sinh tồi tệ là nguyên nhân kiến cư dân tại các trại tị nạn có sức khỏe kém và sức đề kháng yếu. Thảm họa về số người tử vong tăng cao có thể xảy ra nếu dịch bệnh bùng phát. Nhiều phòng khám tại các trại tị nạn đang phải vật lộn để chống lại dịch sốt xuất huyết và dịch tả, khiến các y sỹ không có tài nguyên để điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, vốn là những bệnh nền gây nguy cơ tử vong cao nếu dính thêm virus Corona.
Espinola Caribe, người đứng đầu một chi nhánh của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Beira (Mozambique), nơi hàng chục ngàn nạn nhân của siêu bão Idai đang tạm trú trong những điều kiện tồi tệ nhất cho biết, bất kỳ sự bùng phát virus nào cũng sẽ là thảm họa đối với những người dân tại đây, vốn có hệ thống miễn dịch suy yếu do ảnh hưởng cực đoan từ nghèo nàn và lạc hậu.
Tin tức không chính thống
Các khu vực tị nạn, có thể do lạc hậu hoặc từ Chính phủ, bị giới hạn mạng Internet và viễn thông. Điều này khiến việc tuyên truyền và giáo dục người dân về dự lây lan của virus và dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu thông tin cũng khiến cư dân tị nạn bị hoảng loạn.
Arafat, một người tị nạn Myanmar sống tại Bangladesh đã tạo ra các video ngắn kêu gọi mọi người rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, song anh không thể chia sẻ chúng bởi Chính phủ Bangladesh hạn chế truy cập Internet di động đối với nhiều người Rohingya, do lo ngại vấn đề an ninh. Thời gian gần dây, các tình nguyện viên đã đẩy mạnh các thông điệp y tế công cộng từ radio đến loa phóng thanh nhưng Arafat cho biết, các tin đồn và thông tin sai lệch vẫn phát triển khiến người dân sợ hãi và thực hiện phòng dịch sai cách như cầu nguyện, ăn tỏi và lá pennywort, tiếp xúc với nhiệt để tránh virus, những người kiểm tra dương tính nên bị giết để ngăn chặn sự lây lan,…
Các nhân viên nhân đạo cho biết, họ đã bị coi là mầm mống của dịch bệnh, và ít nhất 02 người đã bị tấn công. “Chúng tôi đang cố gắng sửa chữa những lời giải thích sai, nhưng việc thiếu mạng di động khiến cho việc đưa ra những thông điệp đúng đắn về sức khỏe và vệ sinh gặp khó khăn”, bà Marie Sophie Pettersson, chuyên gia chương trình Phụ nữ Liên Hợp Quốc, một cơ quan bình đẳng giới tại các trại tị nạn người Rohingya cho biết.