Giá nhà đắt đỏ, giới trẻ không đầu tư sẽ khó mua được
Trên trang facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng viết "Tờ New York Times đưa tin về trạng thái của giới trẻ Trung Quốc điên cuồng lao vào thị trường chứng khoán. Có sinh viên dành toàn bộ tiền học bổng để mua cổ phiếu, ai cũng sợ lỡ cơ hội kiếm lời".
Chủ tịch SSI thừa nhận: "Cũng phải thôi, với giá nhà đất đắt đỏ như hiện tại, giới trẻ nếu không tìm đến các kênh đầu tư để mong muốn có thu nhập thụ động thì với lương đi làm khả năng có thể mua được nhà là rất nhỏ. Đây là một hiện trạng đáng để suy nghĩ".
8 năm trước, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phát biểu rằng: “Nếu ở các nước, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam con số lên tới 20 - 25 lần. Đó là nghịch lý và cũng là bi kịch”.
Ông cũng cảnh báo 5 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số người dân không có nhà tăng lên chóng mặt, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn….
Kể từ sau phát biểu của TS Lê Đăng Doanh cho đến nay, con số 20 - 25 lần vẫn không được cải thiện. Điệp khúc “giá nhà tăng nhanh”, “thu nhập không theo kịp giá nhà” trở thành quen thuộc ở mọi thời điểm của thị trường.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cho biết giá nhà để bán tại Hà Nội vẫn trên đà tiếp tục tăng. Giá bán chung cư mới hiện đang ở mức 69 triệu đồng/m2, tăng 6% so với quý II và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với chung cư cũ, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, dẫn số liệu giá trung bình của căn hộ trong quý III là 51 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý trước và 41% so với năm ngoái. Giá chung cư cũ trung bình tăng 17% mỗi năm kể từ năm 2020, với căn hộ bình dân tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là cao cấp tăng 16%/năm và căn hộ trung cấp tăng 15%/năm.
Người dân Hà Nội, TP.HCM khó mua nhà ngang ngửa Seoul
Trước bối cảnh giá nhà Hà Nội, chuyên gia Savills đánh giá, dù thị trường tăng trưởng, sự chênh lệch giữa thu nhập hộ gia đình và giá nhà đang ngày càng rõ rệt.
“Với mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại Hà Nội là khoảng 250 triệu đồng/năm, giá một căn hộ trung bình khoảng 4 tỷ đồng, người dân cần tới 18 năm tiết kiệm không tiêu xài để có thể mua được nhà.
Thu nhập trung bình chỉ tăng trưởng 6% mỗi năm, giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng trung bình 17-20%, gây ra nhiều khó khăn trong việc mua nhà”, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội phân tích.
So sánh tương quan giữa giá nhà và thu nhập với các thành phố lớn khác tại các nước châu Á, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội cho biết, giá căn hộ tại Hà Nội ở mức 2.600 USD/m2 (khoảng 66 triệu đồng/m2 đã gồm VAT, phí bảo trì). Còn GDP bình quân đầu người của Hà Nội là khoảng 6.300 USD.
Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của TP. HCM cao hơn Hà Nội, đạt khoảng 7.500 USD. Giá căn hộ tại TP. HCM cũng nhỉnh hơn, ở mức 2.800 USD (khoảng 71 triệu đồng/m2). Như vậy, tỷ lệ giữa thu nhập bình quân đầu người và đơn giá căn hộ theo m2 tại Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 2,4 và 2,7.
Theo Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, mức chênh này càng thấp cho thấy người dân thành phố đó càng khó mua nhà.
Dữ liệu của CBRE cũng cho thấy, người dân sống tại Hong Kong khó mua nhà nhất với tỷ lệ khoảng 1,7 lần. Xếp sau Hong Kong là Manila (Philippines) và Seoul (Hàn Quốc) vào khoảng 2,3 lần. Hà Nội và TP. HCM chỉ xếp sau những thành phố này.
Bà An lấy ví dụ, Kuala Lumpur có giá căn hộ trung bình ngang với Hà Nội (khoảng 66 triệu đồng mỗi m2 đã gồm thuế, phí bảo trì), nhưng thu nhập bình quân đầu người tại thành phố này đạt 28.000 USD, gấp hơn 4 lần Thủ đô. “Điều này cho thấy khả năng mua căn hộ của người dân Kuala Lumpur cao hơn Hà Nội”, bà An nói.
Năm 2023, kênh Batdongsan.com.vn ước tính thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội 2023 là 135 triệu đồng một năm. Trong khi giá rao bán trung bình nhà riêng trên trang này là 6,3 tỷ đồng một căn, chung cư là 3,1 tỷ đồng. Như vậy, nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà, người mua phải “cày cuốc” 169 năm để sở hữu một căn nhà mặt phố và 23 năm để mua được một căn hộ chung cư.
Theo kênh này, Hà Nội đứng hàng đầu Đông Nam Á về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Từ năm 2018 đến 2021, tỷ lệ này không ngừng tăng, vượt cả Singapore.
Giá căn hộ sơ cấp Singapore năm 2020 tương đương 15,4 năm thu nhập bình quân hộ gia đình, theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista. Còn tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, chỉ số này có dấu hiệu giảm.
Một nghiên cứu của NetCredit, nền tảng thuộc công ty công nghệ Enova International tại Mỹ, cũng cho thấy giá một căn nhà tại Hà Nội tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Con số này đưa Hà Nội vào nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới.
Hay theo “Tỷ số giá nhà trên thu nhập” (House Price to Income Ratio - HPR) mới cập nhật năm 2024 của nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo, trụ sở tại Serbia, giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu