Tâm sự không biết kể cùng ai
Nhiều người cho rằng việc cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân vốn dĩ là trọng trách của các bác sĩ. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được thực tế họ đã phải đối mặt với những khó khăn, thử thách như thế nào để chiến thắng dịch bệnh.
Trong những ngày chiến đấu với chủng virus lạ, lần đầu tiên được “chỉ mặt, đặt tên”, ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp luôn phải đối mặt với nhiều áp lực.
BS. Nguyễn Trung Cấp chia sẻ về những ngày chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh: Minh Thúy
|
BS. Cấp chia sẻ: Ngay từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã yêu cầu các nhân viên y tế trực, sẵn sàng có mặt để tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Bất kể ngày nghỉ, lễ, tết, các bác sĩ đều trực 24/24 tại Bệnh viện, không một phút lơ là.
Khi tiếp nhận trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV, Bệnh viện đã bố trí khu vực cách ly, giải tỏa những bệnh nhân điều trị sang khu vực khác để cách ly; cung ứng các trang thiết bị, vật tư y tế; tổ chức sàng lọc thường xuyên.
Tuy nhiên, do dịch xảy ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nên việc huy động các nguồn lực đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.
BS. Nguyễn Trung Cấp (áo trắng tay cầm micro ngoài cùng bên trái) cùng 2 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và ra viện ngày 18/2. Ảnh: Minh Thúy
|
Bên cạnh đó, việc chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cũng gặp khó khi thời điểm trước Tết Nguyên đán, các bác sĩ chưa có "mồi" nên bắt buộc phải giải trình đường gen để xác định bệnh nhân mắc bệnh. Thông thường, các bác sĩ mất 3 ngày để giải trình đường gen, nếu mẫu trục trặc, sẽ mất tới 6 ngày để hoàn thành.
Ngoài ra, một số bệnh nhân phải chờ lâu nên họ khá bức xúc về chỗ ăn, ở,…. Không chỉ vậy, thời gian đầu đối tượng cách ly tại bệnh viện khá phức tạp (người Trung Quốc, người đến từ châu Âu,…) nên đã gây không ít khó khăn cho các y, bác sĩ.
Là người trực tiếp ở tuyến đầu chiến đấu với bệnh dịch, BS. Cấp tâm sự: “Tôi đã ở lại bệnh viện từ mồng 6 Tết đến nay, sau 21 ngày tôi mới về nhà. Thực ra việc tôi ở lại bệnh viện 24/24 giờ để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh. Những người thực hiện thao tác đó phải được trang bị phòng hộ tốt nhất, kỹ năng tốt nhất.”
Vượt qua khó khăn để chiến thắng virus lạ
Theo BS. Cấp, COVID-19 là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 các bác sĩ đều tuân thủ theo nguyên tắc điều trị và phác đồ của Bộ Y tế.
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam dựa trên kinh nghiệm điều trị hàng nghìn ca mắc bệnh của Trung Quốc, cùng thông tin đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phác đồ điều trị này luôn được các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cập nhật hàng ngày.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Minh Thúy
|
“Đối với những bệnh nhân mắc COVID-19, các bác sĩ phải thận trọng và hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Vì thế, tôi cùng các đồng nghiệp luôn tuân thủ nguyên tắc điều trị nhưng không quên động viên, thăm hỏi người bệnh để họ an tâm chữa trị.” – BS. Cấp nói.
Bên cạnh những yêu cầu khắt khe trong quá trình điều trị, các bác sĩ còn vấp phải sự kỳ thị đến từ một số người dân chưa có nhận thức đúng về dịch bệnh.
BS. Cấp chia sẻ: Việc xa lánh, kỳ thị bệnh nhân mắc COVID-19 có thể dẫn đến trường hợp bệnh nhân nghi mắc bệnh nhưng không dám đến bệnh viện để khám, vì sợ bị cách ly, kỳ thị, xua đuổi trong cộng đồng, thậm chí có trường hợp giấu bệnh.
Nếu không giải quyết được tình trạng này thì việc khoanh vùng, chữa trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19 chính là xóa bỏ sự kỳ thị.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - những người thầm lặng đứng sau niềm vui của người bệnh. Ảnh: Minh Thúy
|
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực nhưng với lòng say nghề, sự tận tụy, hy sinh không biết mệt mỏi, BS. Cấp cùng những đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị thành công cho 5 bệnh nhân được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó một số bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi và các yếu tố bệnh nền.
Đến thời điểm hiện tại, cả 5 bệnh nhân này đều khỏe mạnh, tiếp tục được theo dõi y tế ở địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
BS. Nguyễn Trung Cấp (áo trắng bên phải) cùng bệnh nhân mắc COVID-19 (áo cam, đã khỏi bệnh) bước ra từ khu vực cách ly đặc biệt. Ảnh: Minh Thúy
|
Với các bác sĩ, đặc biệt là những người chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh, thành công lớn nhất của họ là việc điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân.
BS. Nguyễn Trung Cấp cho rằng: “Tôi và các đồng nghiệp đã trưởng thành và vững vàng hơn khi chiến đấu với dịch bệnh. COVID-19 lây truyền rất dễ dàng và đã khiến nhiều bác sĩ phải ra đi. Thế nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày, từng giờ để điều trị một cách tốt nhất cho người bệnh”.