Ngoại trưởng Nga: Chiến tranh hạt nhân là "không thể chấp nhận", nhưng nguy cơ là có thật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Moscow tin rằng không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng nguy cơ xảy ra là thực tế, Ngoại trưởng Nga cho hay.
Tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat trong vụ thử nghiệm của Nga ngày 21/4 (Ảnh: Sputnik)
Tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat trong vụ thử nghiệm của Nga ngày 21/4 (Ảnh: Sputnik)

Quan điểm ngay từ đầu của Nga là chiến tranh hạt nhân là điều không thể chấp nhận và Moscow đã thuyết phục được Mỹ cùng nhiều cường quốc hạt nhân khác chấp nhận thực tế đó trong tháng Giêng năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn hôm đầu tuần này. Tuy nhiên, ông thêm rằng kể từ đó tình hình đã trở nên xấu đến mức mà một sự kiện như vậy có thể xảy ra.

Nga từng cố gắng thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái cam kết với tuyên bố năm 1987 mà giới lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đưa ra, rằng sẽ không có bên thắng trong một cuộc chiến hạt nhân, và một cuộc chiến như vậy không nên xảy ra; ông Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh truyền hình Nga.

Mặc dù chính quyền Trump từ chối làm vậy, nhưng người kế nhiệm ông, Joe Biden lại “nhanh chóng” nhất trí với Moscow, và tuyên bố được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin tổ chức vào tháng 6/2021 tại Geneva, Thụy Sĩ. Trung Quốc, Pháp và Anh – 3 cường quốc hạt nhân còn lại và là các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ – cũng nhất trí và đưa ra tuyên bố chung vào tháng 1/2021.

“Đây là quan điểm dựa trên nguyên tắc của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu từ đó” – ông Lavrov nói. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân giờ đây “khá lớn. Tôi không muốn bị chúng bị người ta thổi phồng. Có nhiều người muốn làm như vậy. Nguy cơ rất nghiêm trọng và thực tế. Không nên đánh giá thấp nó.”

Ông Lavrov ngợi khen động thái chính sách ngoại giao đầu tiên “thông thái” của chính quyền Biden, trong đó nhất trí với phía Nga rằng Hiệp ước New Start nên được mở rộng một cách vô điều kiện thêm 5 năm nữa. Mặt khác, đây chính là hiệp ước kiểm soát vũ trang cuối cùng còn sót lại, sau khi Washington rút khỏi ABM, INF và hiệp ước Bầu trời Mở.

Các cuộc thảo luận với nhóm làm việc Mỹ đã chấm dứt trong tháng 2 năm nay, sau khi Nga “bị buộc phải bảo vệ người Nga ở Ukraine”, vốn đã bị “ném bom trong suốt 8 năm mà phương Tây không hề có phản ứng nào”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga so sánh tình hình hiện tại với cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962. Theo ông, thời điểm đó còn chưa có nhiều quy định “trên giấy tờ”, nhưng có những quy định bất thành văn để cả Washington và Moscow tuân thủ.

“Trong những năm đó, có một kênh liên lạc mà các nhà lãnh đạo hai bên tin tưởng. Giờ thì không còn kênh nào như vậy. Không ai cố gắng xây dựng nó. Những nỗ lực nhỏ bé riêng rẽ không tạo được kết quả đáng kể” – ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Nga thêm rằng, ngày nay “các quy định chỉ là những thuật ngữ mà Mỹ và các đồng minh đem ra sử dụng mỗi khi họ cần phải thể hiện thái độ đẹp”. Họ không còn tuân thủ luật pháp quốc tế, mà chỉ tôn trọng “trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc”, mà trong đó “những nguyên tắc” này chưa bao giờ được giải thích theo bất cứ cách nào.

Ngay bây giờ, mọi người đang nói rằng Thế chiến III không được phép bùng nổ, ông Lavrov nói thêm, trong khi vẫn đổ thêm dầu vào lửa bằng cách gửi vũ khí cho Ukraine và hy vọng kéo dài cuộc xung đột này để khiến Nga đổ máu.

Theo RT