Những ngày qua, xã hội “sốt” xình xịch bởi “bom thông tin” từ các buổi livestream do bà Nguyễn Phương Hằng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Đại Nam thực hiện. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng bà Hằng là “khuôn vàng thước ngọc”, là người tiên phong chấn hưng đạo đức và là điển hình để lớp trẻ trong xã hội chúng ta học tập?
Thành thật mà nói, “bom thông tin” độc, lạ, mới mà bà Hằng tung ra trên nền tảng facebook, YouTube đã tác động vào thị hiếu “tò mò ham vui”, giống như muốn thưởng thức món ăn mới của nhiều người. Bằng chứng là, trong các buổi livestream kéo dài gần 3 giờ, bà Hằng đã thu hút tới nửa triệu người xem, thiết lập kỷ lục truyền thông chưa từng có ở Việt Nam. Hơn nữa, việc đầu tư kinh phí nuôi đội ngũ phục vụ, ê-kíp làm việc chuyên nghiệp cùng phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại của bà Hằng cũng "vô tiền khoáng hậu", khiến nhiều người nể phục.
Với chủ đề “mặt trái của giới nghệ sĩ”, những “góc khuất” đời tư, các mối quan hệ, cách làm ăn của không ít người nổi tiếng vốn được xã hội thần tượng bị bà Hằng bóc mẽ. Nhiều “ngôi sao” đình đám trong giới Showbiz Việt bị bà Hằng “băm bổ”, trưng ra bằng chứng ngỡ ngàng. Nó như “gáo nước lạnh” nhấn chìm cơn “cuồng sao” trong xã hội. Nhiều người ca ngợi bà Hằng xinh đẹp, giàu có, thông minh, tài năng, hoạt ngôn, nhiều kiến thức và dũng cảm. Họ cho rằng, việc “bóc phốt” những kẻ lợi dụng lòng tin, sự yêu mến của khán giả, của xã hội chẳng khác nào cuộc “cách mạng”, giúp nhiều người Việt thôi ảo tưởng về giới nghệ sĩ.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ văn hóa truyền thông, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, hiện tượng xem livestream của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng đã cho thấy xã hội chúng ta đang tồn tại một bộ phận coi nhẹ những vấn đề cốt lõi, thích hưởng thụ văn hóa tầm thường nên dễ bị chia rẽ bởi những vấn đề vụn vặt. Bởi thực chất, ngoài những thông tin bà Hằng đưa ra chính xác thì còn những thông tin không hoặc chưa chính xác về một ai đó, gây ra hiện tượng “cãi nhau” tùm lum trên mạng xã hội mà bà Hằng là một “diễn viên” chính.
Bà Nguyễn Phương Hằng, vợ ông Dũng "lò vôi", bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật về việc tỉnh Bình Thuận bao che cho ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh. |
Mặc dù bà Hằng rất hoạt ngôn, rất thông minh nhưng những câu từ xã hội lòng vòng, lan man, thậm chí có cả lời nói tục, chửi thề rất phản cảm, khó nghe đã khiến nhiều người và không ít chuyên gia lắc đầu ngao ngán bởi nó hoàn toàn xa lạ với sự chuyên nghiệp trong truyền thông thời hiện đại. Thậm chí, một số chuyên gia còn khẳng định, nó là một dạng truyền hình thực tế ở mức thấp, xa lạ với nhu cầu thưởng thức văn hóa, thông tin ở xã hội văn minh, trình độ dân trí cao. Số người theo dõi khủng trong đó có không ít người trẻ tuổi đưa ra bình luận, chia sẻ đã chứng tỏ, mặt bằng nhận thức, nhu cầu thưởng thức những giá trị chân, thiện, mỹ trong xã hội chúng ta đang ở mức khá thấp.
Lâu nay, sự nở rộ của truyền thông và các chương trình truyền hình thực tế, chương trình hài kịch mà không được các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương chú trọng quản lý chặt chẽ nên xuất hiện nhiều “sạn”.
Những hạt “sạn” ấy được tích tụ lâu dần vô tình trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống và được xã hội chấp nhận. Chính sự dễ dãi trong hưởng thụ văn hóa, sự tung hô quá mức của khán giả và lợi ích thu được từ quảng cáo, từ tài trợ đã sinh ra những “người của công chúng” có giá trị thấp. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy các chiêu trò không lành mạnh trong giới Showbiz Việt, làm giảm đi giá trị cống hiến vốn có của nghệ sĩ.
Những điều nguy hại nhất là những giá trị văn hóa tầm thường, vô bổ được truyền thông công khai ấy đang hằng ngày, hằng giờ tác động, khiến việc hình thành nhân cách sống, niềm tin, lý tưởng của giới trẻ bị ảnh hưởng. Nguy hại hơn cả là những kiến thức ấy bị phổ quát đã khiến cho giới trẻ không phân biệt ranh giới giữa đạo đức và phi đạo đức trong từng việc cụ thể ở ngoài đời. Thế nên, việc những người lớn tuổi trong xã hội lo ngại, phàn nàn, thiếu niềm tin vào ứng xử, ý chí, đạo đức... của giới trẻ hiện nay cũng là điều dễ hiểu.
Chúng ta cần sống thật, cần phải loại bỏ sự dối trá và các âm mưu, thủ đoạn trục lợi ra khỏi đời sống xã hội để xây dựng đạo đức, văn minh. Chúng ta cũng cần phải có những người dũng cảm đi đầu trong đấu tranh với những thói xấu. Tuy nhiên, việc đấu tranh đó cần có phương pháp tiến hành khoa học, bền vững, mang tính chủ động, quyết liệt và có văn hóa chứ không phải bằng “choảng” nhau gay gắt hoặc “gắp lửa bỏ tay người” như cách bà Phương Hằng đã làm. Cách ấy, phương pháp ấy rất xa lạ với truyền thống văn hóa của người Việt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách của giới trẻ, nhất là những người ưa bắt chước và không chịu khó đọc, đúc rút, tự rèn luyện.
Sống dựa, muốn nổi tiếng hơn người; muốn kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mưu mô thủ đoạn; muốn tạo ra giá trị để định hướng xã hội không bao giờ là xu thế bởi nó thiếu bền vững.
Nhân cách của con người chỉ hoàn thiện khi được giáo dục công phu, được tiếp nhận các giá trị văn hóa chân, thiện, mỹ và được trải nghiệm trong thực tế.
Đó là chân lý bao đời nay được đúc rút không chỉ ở xã hội chúng ta. Thế nên, để không bị ngộ nhận thì hãy học, hãy đọc và biết chắt lọc thông tin, không sa vào những giá trị văn hóa tầm thường. Điều ấy sẽ giúp giới trẻ thông minh, tránh xa được những thị phi và thói xấu ở đời, biết phân biệt đúng sai và không lạc bước vào vùng u tối, có cơ sở nền tảng vững chắc để xây dựng tương lai lâu bền.
Thanh, thiếu niên, những mầm non của đất nước phải được chăm sóc kỹ càng và tử tế thì mới có những quả ngọt trong tương lai. Đừng ngộ nhận về những livestream “bom thông tin” xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền thông xã hội. Bởi nó chỉ là một sản phẩm khuyết tật từ sự phát triển thiếu lành mạnh của thời 4.0 mà thôi.