Ngày 8/3 của những người phụ nữ trên tuyến đầu bảo vệ thành phố trước dịch bệnh COVID-19

VietTimes – Khác hẳn với những ngày 8/3 năm trước, năm nay, các chị em ở Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế TP.HCM (TTKDYTQT) ai cũng tất bật với công việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày 8/3 của những người phụ nữ trên tuyến đầu bảo vệ thành phố. Ảnh: TTKDYTQT
Ngày 8/3 của những người phụ nữ trên tuyến đầu bảo vệ thành phố. Ảnh: TTKDYTQT

Những người đầu tuyến bảo vệ thành phố

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các nhân viên của TTKDYTQT càng bận rộn hơn bao giờ hết. Họ là những người góp phần bảo vệ thành phố ngay ở tuyến đầu.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thủy Trang - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính - cho biết bình thường mỗi nhân viên sẽ trực 5 ca/tuần. Từ trước Tết đến nay, mỗi người tăng cường làm 6-7ca/tuần, tùy vào từng thời điểm dịch bệnh có căng thẳng hay không. Thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM cũng điều thêm nhiều y bác sĩ trên địa bàn thành phố đến hỗ trợ công việc với nhân viên TTKDYTQT.

“Mỗi ca làm việc 8 tiếng nhưng ở đây ai cũng làm nhiều hơn. Sau khi làm xong việc của mình, ai phải phụ các anh em khác hoàn thành nhiệm vụ.. Đến khi nào cảm thấy mọi thứ đã ổn, anh em mới về nghỉ ngơi, lấy lại sức lao động” - Chị Trang chia sẻ thêm.

Nhân viên TTKDYTQT tiến hành kiểm dịch cho hành khách. Ảnh: H.U
Nhân viên TTKDYTQT tiến hành kiểm dịch cho hành khách. Ảnh: H.U

Những ngày qua, dù làm việc ở tuyến đầu kiểm soát dịch bệnh, công việc tất bật phải tiếp xúc với nhiều hành khách nhưng các nhân viên ở TTKDYTQT luôn lạc quan, vui vẻ.

Để có được sự lạc quan và tinh thần làm việc ấy, toàn bộ nhân viên phải luôn đảm bảo tự biết bảo vệ mình. Đồng thời, ý thức được mình là người ở tuyến đầu trong kiểm soát dịch bệnh nên họ rất chú ý giữ gìn sức khỏe.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hà Út - Kiểm dịch viên cho biết: "Công việc cực và căng thẳng hơn mọi ngày. Ngày thường, khi giám sát máy đo thân nhiệt, mình chỉ ngồi giám sát. Còn bây giờ nhân viên phải đứng, cố gắng nhìn trong nhiều hành khách, xem có ai có biểu hiện sốt đi ngang qua không. Máy móc chỉ là một phần, còn kinh nghiệm của người kiểm dịch cũng là một phần quan trọng.

Khi có càng nhiều hành khách đáp xuống sân bay thì mình càng phải quan sát thật kỹ. Thật sự rất căng thẳng. Nhân viên chúng tôi luôn tập trung cao độ, vì sợ lỡ mình để sơ xuất để lọt bất kỳ người nào bị nhiễm bệnh thì hậu quả mình không lường trước được.

Ở đây, khi làm việc chúng tôi phải liên tục mang khẩu trang. Khi tiếp xúc với hành khách có thân nhiệt cao khi qua máy đo thân nhiệt, chúng tôi phải mang thêm bao tay.

Sau đó sẽ có bác sĩ thăm khám và lấy lời khai y tế. Nếu khách hàng thuộc diện phải cách ly, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ. Mọi người từ nhân viên đến lãnh đạo cơ quan luôn nhắc nhở, động viên anh em cố gắng, hết sức cẩn thận".

Nhân viên mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hành khách thuộc diện cách ly. Ảnh: H.U
Nhân viên mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hành khách thuộc diện cách ly. Ảnh: H.U

Công việc căng thẳng, phải tiếp xúc với nhiều hành khách là thế, nhưng mọi nhân viên ở đây đều phải nén lại cơn mệt và luôn vui vẻ, bình tĩnh với khách hàng.

Chị Huỳnh Mỹ Ngọc – Kiểm dịch viên - cho biết: “Làm việc liên tục rất mệt, nhưng khi tiếp xúc với hành khách thì chúng tôi phải luôn niềm nở, đặc biệt là những người thuộc diện cách ly.

Khi xác định 1 hành khách thuộc diện cách ly, chúng tôi sẽ nói chuyện, động viên và thuyết phục họ đồng ý. Nhưng đâu phải ai cũng dễ dàng đồng ý cách ly, nên nhân viên chúng tôi phải từ từ nhỏ nhẹ giải thích cho họ hiểu là phải cách ly vì sức khỏe chính mình, người thân và cả xã hội”.

Chị nhớ lại một trường hợp đi từ Singapore đến sân bay Tân Sơn Nhất, trước đó hành khách này có đi Hàn Quốc. Nhưng dù có khuyên đến mấy, hành khách vẫn không chịu đi cách ly. Lúc này, hành khách đòi mua vé máy bay bay ngược về Singapore nhưng hãng hàng không không đồng ý bán nên hành khách mới chịu cách ly.

Nhân viên phòng hành chính (TTKDYTQT) được tăng cường làm nhiệm vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: H.U
Nhân viên phòng hành chính (TTKDYTQT) được tăng cường làm nhiệm vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: H.U

Không chỉ chuyên viên kiểm dịch phải làm việc tăng cường tại sân bay mà mọi nhân viên, kể cả nhân viên phòng kế toán, hành chính,… cũng đều được tăng cường làm nhiệm vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị Trang cho biết, nhân viên phòng kế toán, hành chính,… đều được tăng cường làm nhiệm vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Người không kiểm dịch được thì ngồi nhập liệu thông tin từ tờ khai y tế, cắt tờ khai y tế để kịp phát cho các hãng máy bay,…

Mỗi người đều phải làm vì công việc chung, vì cơ quan và vì cộng đồng. Thậm chí, các ngày nghỉ, những nhân viên không có ca trực cũng phải lên cơ quan để hỗ trợ công việc, cắt tờ khai, in, ấn giấy tờ,…

Chị Hàn Thị Thanh - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính chia sẻ: “Làm việc ở bộ phận kế toán nhưng trong mùa dịch này chúng tôi cũng được điều ra sân bay, người phụ 1 tay 1 chân, để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.

Ra sân bay làm việc, tôi nhận thấy không khí nhộn nhịp, đông vui hơn hẳn. Tôi chỉ hỗ trợ làm nhập liệu vì không có kỹ năng giám sát. Vậy mà mỗi người phụ nhau 1 việc thì cũng hoàn thành tốt công việc. Ai cũng mệt nhưng cứ nghĩ đến cộng đồng được bảo vệ sức khỏe thì chúng tôi vui hơn nhiều”.

Xin cảm ơn hậu phương

Để thực hiện nhiệm vụ, các nhân viên TTKDYTQT đều phải nhờ gia đình trợ giúp. Nhờ hậu phương tích cực hỗ trợ, chăm lo và an ủi mà các anh chị mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ở tuyến đầu bảo vệ thành phố.

Nhân viên TTKDYTQT tranh thủ thời gian vắng hành khách chụp ảnh cùng nhau (ảnh được chụp trước khi dịch bùng phát). Ảnh: H.U
Nhân viên TTKDYTQT tranh thủ thời gian vắng hành khách chụp ảnh cùng nhau (ảnh được chụp trước khi dịch bùng phát). Ảnh: H.U

Vợ chồng chị Huỳnh Mỹ Ngọc cùng làm việc tại TTKDYTQT, có 2 đứa con nhỏ. Ngay từ đầu mùa dịch, vợ chồng chị đã gởi con về nhà ngoại (ở Cần Giờ) để tập trung cho công việc.

Hàng ngày, tranh thủ 1 chút thì giờ vắng hành khách, chị gọi facetime nói chuyện với con. Qua màn hình, con chị liên tục khóc và hỏi: “Mẹ có về với con hong, sao lâu rồi mẹ chưa về với con?”. Chị dỗ dành con qua điện thoại rồi cũng đến lúc mang chiếc khẩu trang y tế vào, đó cũng là lúc đứa con gái nhỏ bé biết mẹ phải làm nhiệm vụ nên lau nước mắt và nín khóc ngay.

Vừa qua, ngày 7/3, tranh thủ 1 ngày nghỉ trọn vẹn sau 2 tuần làm việc liên tục, chị Ngọc chạy xe về Cần Giờ thăm 2 con. Người mẹ tranh thủ nấu cho con bữa cơm ngon và mang sách vở ra ôn bài cùng 2 đứa trẻ. Hạnh phúc chỉ đơn giản như thế, vỏn vẹn 1 ngày. Đến chiều, chị tiếp tục trở lại TTKDYTQT, chuẩn bị cho nhiệm vụ trực sân bay vào ngày 8/3.

Dịp Tết Nguyên đán 2020, tất cả nhân viên TTKDYTQT được lệnh không được ra khỏi thành phố để kiểm soát hành khách quốc tế đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thời điểm này, mẹ chị Út lâm bệnh nặng, cả gia đình lo lắng không yên. Người mẹ già nhiều lần nhắc tên con gái nhưng chị Út chỉ biết hỏi thăm mẹ qua màn hình điện thoại rồi lặng lẽ đi làm nhiệm vụ.

“Từ dịp Tết đến giờ, mẹ lâm bệnh nặng nhưng tôi không có nhiều thời gian để về thăm. Tranh thủ 2-3 tuần có 1 ngày nghỉ trọn vẹn, tôi về thăm bà trong chốc lát rồi trở về thành phố. Mẹ biết trong đợt dịch này tôi phải tăng cường làm việc ở sân bay nên luôn thông cảm. Không những vậy, còn dặn dò tôi phải giữ gìn sức khỏe, tự biết bảo vệ mình để còn tiếp tục phục vụ trong những ngày này” – Chị Út tâm sự.

Nhân viên nam ở TTKDYTQT phun sát khuẩn máy bay. Ảnh: H.U
Nhân viên nam ở TTKDYTQT phun sát khuẩn máy bay. Ảnh: H.U

Những ngày qua, để dốc hết toàn tâm toàn lực cho công tác kiểm dịch tại sân bay, các nhân viên ở TTKDYTQT đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của hậu phương.

Nếu trước đây, các chị thường làm việc nhà sau khi đi làm về thì nay đã có chồng và các con thay nhau làm giúp. Có những ông chồng không biết nấu nướng, thích ăn cơm ở nhà nhưng bây giờ cũng học cách nấu hay ăn những bữa cơm qua loa ở ngoài.

“Trong đợt dịch này, tôi rất biết ơn chồng tôi. Từ trước Tết đến nay, tôi hiếm khi nấu được bữa cơm cho gia đình. Trong khi đó, trước đây, chồng tôi chẳng bao giờ chịu ăn ở ngoài, sáng, trưa, chiều, tối đều phải dùng cơm ở nhà. Bây giờ, công việc của tôi quá bận rộn, phải làm liên tục nên anh cũng thông cảm, ở nhà, anh tự đi ăn cơm ở ngoài” – chị Trang chia sẻ.

Các nữ nhân viên làm việc cật lực thì các nhân viên nam còn cực hơn nhiều do họ phải tăng cường làm ca đêm. Nếu không nhờ hậu phương hỗ trợ về tinh thần, thấu hiểu thì các anh cũng khó lòng tập trung cho công việc.

“Trong cơ quan, có đến 4 anh vợ mới sinh con dưới 6 tháng. Do phải đi làm liên tục và công việc tiếp xúc nhiều với hành khách nước ngoài, nguồn dịch nên các anh phải gởi vợ con đến nơi khác. Vợ các anh phải tự chăm sóc con cái. Có anh thì vợ sinh đôi, vợ cũng phải tự chăm lấy con và bản thân chứ chồng làm cả ngày, về nhà cũng đâu dám tiếp xúc gần.

Chúng tôi cảm ơn hậu phương của các gia đình nói chung và hậu phương các anh nhân viên của TTKDYTQT rất nhiều. Nhờ hậu phương thấu hiểu mà chúng tôi mới có thể mạnh dạn giao nhiệm vụ và các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ” – chị Trang chia sẻ.

Chị Út niềm nở chia sẻ về công việc của mình tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: N.T
Chị Út niềm nở chia sẻ về công việc của mình tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: N.T

Mọi năm, vào dịp 8/3, Hà Út sẽ lên kế hoạch cho chị em trong cơ quan đi chơi, hay đơn giản là trao những nhành hoa tươi, gởi 1 lời cảm ơn. Nay, mọi thứ đều tạm gác lại để tập trung cho công việc.

Dẫu làm việc có cực nhọc, hàng ngày phải tiếp xúc nhiều hành khách và tạm quên đi các dịp lễ, nhưng các anh chị ở TTKDYTQT chưa bao giờ có lời phàn nàn, than thở. Tất cả mọi người ngay lúc này đều hướng đến một mục tiêu chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ, kiểm soát tốt hành khách, bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

“Năm nay nhân viên chúng tôi đón lễ Tết, 14/2, 8/3 ngay tại sân bay cùng các hành khách. Dù không được đi chơi hay nghỉ ngơi nhưng chúng tôi chưa từng thấy thiệt thòi. Chúng tôi chỉ mong rằng mình đã, đang và sẽ tiếp tục góp một phần công sức của mình để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng" - chị Út rạng rỡ nói.