Ngành gia công phần mềm Việt Nam được đánh giá cao

Ngành gia công phần mềm Việt Nam có năng lực cạnh tranh cũng như vị trí đáng kể trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trong bối cảnh đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới kết thúc.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ bài học kinh nghiệm của ngành gia công phần mềm tại VNITO 2015 - Ảnh: FPT
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ bài học kinh nghiệm của ngành gia công phần mềm tại VNITO 2015 - Ảnh: FPT

Hội nghị phát triển gia công ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam 2015 (Vietnam IT Outsourcing Conference–VNITO 2015) vừa khai mạc sáng 15-10-2015 tại TPHCM đã thu hút gần 400 lãnh đạo đại diện tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó có 100 đại diện đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore...

Tại sự kiện này, các bài học kinh nghiệm, nghiên cứu thị trường, giải pháp chiến lược… cho ngành gia công phần mềm đã được chia sẻ. 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đồng thời là Trưởng ban tổ chức VNITO 2015, nhận xét rằng VNITO 2015 diễn ra vào đúng thời điểm các nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được sự thống nhất.

 Việc tham gia TPP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mở rộng thị trường và đặc biệt khi Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia mà chúng ta đang cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực gia công phần mềm đã không tham gia TPP.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, khi bắt đầu vào “sân chơi TPP” các doanh nghiệp phần mềm trong nước phải tuân thủ luật chơi chung trên toàn cầu như tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, và đây sẽ là một thách thức không nhỏ.

Bà Yuko Adachi, đại diện cho công ty nghiên cứu thị trường Gartner, cho biết Việt Nam được Gartner ghi nhận như một thị trường mới nổi (emerging market) cấp 1 về ngành gia công phần mềm ở khu vực Châu Á. Ngành gia công phần mềm Việt Nam được đánh giá cao cùng với các quốc gia khác trong Top 5 thị trường ở Châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.

Theo đánh giá của Gartner, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Bangladesh, Thái Lan… cũng đang có sự tăng trưởng nhanh trong ngành gia công phần mềm. 

Tuy nhiên, ngành gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh trong khu vực; chứng tỏ sự hấp dẫn với các khách hàng đang có nhu cầu gia công phần mềm.

Theo báo cáo năm 2014 của Gartner thì Việt Nam nằm trong Top 10 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 trên toàn cầu về lĩnh vực gia công phần mềm.

Còn ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH KPMG, đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành CNTT Việt Nam.

Vừa qua, công ty KPMG đã thực hiện khảo sát 150 tổng giám đốc cùng với đại diện một số công ty lớn về gia công phần mềm ở Việt Nam. Trong số 80 bản khảo sát phản hồi từ phía doanh nghiệp CNTT, có khoảng 70% công ty cho biết họ mong muốn sẽ đạt mức tăng trưởng 20% vào năm 2016, ông Ái cho biết.

Trong khi đó, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty FPT Software, cho rằng lợi thế của Việt Nam khi làm các dự án gia công phần mềm trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing/outsourcing) là doanh nghiệp Việt Nam có sự thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới; có nguồn lực nhân lực CNTT dồi dào; có khả năng học hỏi, nắm bắt xu hướng công nghệ mới rất nhanh…

 Điều này đã giúp FPT Software triển khai thành công một số dự án cung cấp dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ đám mây ở nước ngoài, ông Tiến nói.

VNITO 2015 do QTSC cùng với Hội Tin học TPHCM (HCA) tổ chức, được bảo trợ bởi Bộ Thông tin-Truyền thông (TT&TT), UBND TPHCM, và Sở TT&TT TPHCM; có sự hỗ trợ đặc biệt từ ban cố vấn bao gồm 20 thành viên đến từ nhiều quốc gia và 15 doanh nghiệp CNTT hàng đầu tại Việt Nam.

Theo TBKTSG