Nga tuyên bố đánh chặn thành công một bom lượn JDAM-ER do Mỹ sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trung tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, thông báo đã đánh chặn được một quả bom tấn công trực tiếp hỗn hợp (JDAM-ER) do Mỹ sản xuất ở Ukraine.

Phát ngôn viên chính thức Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong cuộc giao ban báo chí hàng ngày: “Trong thời gian 24 giờ qua, lực lượng phòng không đánh chặn 4 tên lửa HIMARS và một quả bom lượn thông minh JDAM do Mỹ sản xuất.”

Vụ đánh chặn thành công đánh dấu lần đầu tiên lực lượng phòng không Nga bắn hạ một quả bom JDAM-ER do quân đội Ukraine phóng. Trung tướng Konashenkov không nói rõ, hệ thống phòng không nào được sử dụng để đánh chặn bom JDAM-ER.

Khẩu đội tên lửa phòng không S-300 bắn hạ các tên lửa HIMARS trên chiến trường Ukraine. Video TV Zvezda.
Khẩu đội tên lửa phòng không S-400 trên chiến trường Ukraine. Video TV Zvezda.

Mỹ đã tuyên bố gửi "đạn dược tấn công đường không chính xác" cho lực lượng vũ trang Ukraine tháng 12/2022. Cuối tháng 3, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu, tướng James Hecker xác nhận, bom lượn thông minh JDAM-ER GBU-62 đã được chuyển giao cho Ukraine.

Theo Yan Gagin, chuyên gia quân sự-chính trị và là cố vấn của lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng), không quân Ukraine bắt đầu sử dụng loại bom này từ đầu tháng 3.

Bộ JDAM-ER bao gồm bộ cánh đuôi có điều khiển với hệ thống dẫn đường quán tính, hỗ trợ định vị vệ tinh GPS và một cặp cánh có thể gập lại giúp quả bom lướt về phía mục tiêu được chỉ định trên khoảng cách lên tới 80 km.

Biến thể duy nhất được biết đến của GBU-62 là GBU-62(V)1/B Quickstrike-ER, kết hợp bộ khí tài JDAM-ER với thủy lôi hải quân Quickstrike Mk 64 nặng 907 kg. Các quả thủy lôi được phát triển trên nền tảng loại bom serie Mk 80. Ukraine có thể đã nhận được một biến thể đặc biệt với khả năng tấn công tầm xa này.

Không quân Ukraine có thể đã trang bị bom JDAM-ER trên các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27, hoặc máy bay ném bom chiến thuật Su-24 và cường kích chiến trường tầm gần Su-25.

Bom JDAM-ER có hiệu quả cao trong các cuộc chiến tranh trước đây ở Trung Đông và Afghanistan. Nhưng các tài liệu tình báo Mỹ rò rỉ gần đây cho thấy, hệ thống dẫn đường của bom đang bị các phương tiện tác chiến điện tử (EW) Nga gây nhiễu nặng nề. Không quân Nga cũng khiến các máy bay chiến đấu Ukraine không phát huy được hiệu quả cao trong các cuộc không kích tầm xa.

Mỹ quyết định cung cấp JDAM-ER cho quân đội Ukraine nhằm tăng cường khả năng tấn công tầm xa và làm giảm thiểu tổn thất các máy bay chiến đấu, vốn đã còn rất ít trong quân đội Ukraine mặc dù được sự viện trợ bí mật của NATO. Đồng thời, Mỹ và các quốc gia phương Tây đang đặt rất nhiều hy vọng vào một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Ukraine trong những ngày tới.

Theo South Front