Nga sau hai tháng chiến tranh Syria: Thời khắc đen tối và bản lĩnh Putin

Nga đã hứng chịu những tổn thất đầu tiên trong hai tháng tiến hành chiến dịch không kích ở Syria: Tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-24M tại vùng ven biên giới, sau đó là một trực thăng Mi-8 bị tiêu diệt trong giao chiến. Hai quân nhân Nga đã hy sinh.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã bước sang tháng thứ ba
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã bước sang tháng thứ ba

Sự cố này đã không chỉ làm quan hệ Nga-Thổ căng thẳng đến tột độ mà còn là cái cớ để tăng cường đạo quân Nga ở Syria bằng các hệ thống phòng không tối tân. Trong tình huống đó, việc thành lập liên minh rộng rãi chống các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ cực kỳ khó, nhưng Kremlin không từ bỏ ý tưởng này.

Tin về chiếc Su-24 bị rơi trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ được loan đi ngày 24/11 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở dinh thự Bocharov Ruchei của ông để chuẩn bị đón tiếp Vua Jorrdanie Abdullah II. Ngay sau báo cáo đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu Nga, người ta hiểu rằng tình thế rất khác thường: giới quân sự Nga báo cáo rằng, không hề có sự vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ (máy bay Nga bay cách biên giới Thổ 1 km), chiếc Su-24 bị bắn rơi bên trên lãnh thổ Syria ở độ cao gần 6.000 m bằng tên lửa không đối không.

Xét tầm quan trọng của sự cố, vấn đề triệu tập cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Nga đã được xem xét, nhưng để tiến hành thì phải triệu tập tất cả các thành viên của Hội động. Làm việc này khá khó vì có mặt ở Sochi chỉ có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, còn tất cả các quan chức còn lại thì hoặc là đang đi công tác (Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đang thăm Ai Cập), hoặc là ở Moscow - họ chỉ có thể đến nhanh nhất là sau mấy giờ đồng hồ. Do không thể hủy chuyến thăm của Vua Jordanie vốn đang trên đường đến Bocharov Ruchei, Tổng thống Nga đã quyết định đưa ra tất cả các tuyên bố then chốt ngay vào đầu cuộc hội đàm.

Ngôn từ của ông Putin hôm đó là cứng rắn chưa từng có: cam kết vụ Su-24 bị bắn rơi “sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ Nga-Thổ”, ông cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với bọn khủng bố đang hoành hành trên lãnh thổ Syria và Iraq. “Tổn thất hôm nay là do cú đâm do những kẻ đồng lõa khủng bố đâm vào lưng chúng tôi. Tôi không thể đánh giá khác đi điều đã xảy ra hôm nay”, ông Putin nói.

Ban đầu không ai muốn tin vào giả thiết các tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ cố tình tấn công, một quan chức cao cấp trong chính quyền Nga thừa nhận, nhưng các sự kiện đã xác nhận chính là giả thiết này. Các đại diện Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga muốn liên hệ với các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ qua kênh ngoại giao quân sự, nhưng họ không muốn nói chuyện: rõ ràng là họ đang chờ chỉ thị từ ban lãnh đạo chính trị quốc gia.

Các đại diện của ban lãnh đạo thì nói công khai, có tính khoa trương rằng, chiếc máy bay bị rơi đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và các phi công Thổ có toàn quyền nổ súng tiêu diệt, hơn nữa tổ bay Su-24M của Nga đã được cảnh báo đến 10 lần.

Bộ Quốc phòng Nga không có thông tin đó, nhưng các phương tiện kiểm soát khách quan đã cho thấy rõ rằng: chiếc Su-24M bị bắn rơi trong không phận Syria. Không thể bắt liên lạc với người Thổ - không lần nào trong nhiều nỗ lực mang lại kết quả, còn Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó lại liên lạc với các nước NATO. Chính việc này đã trở thành giọt nước tràn ly khiến Tổng thống Vladimir Putin cho phép mình lên tiếng gần như không kiềm chế.

Su-24 Nga bất ngờ bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Một trong hai phi công nhảy dù đã bị phiến quân người Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết
Su-24 Nga bất ngờ bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Một trong hai phi công nhảy dù đã bị phiến quân người Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết

Tình thế nghiêm trọng thêm bởi cái chết của cơ trưởng Su-24, Trung tá Oleg Peshkov - anh bị bọn khủng bố bắn chết khi còn đang lơ lửng trên không, chỉ vài giây sau khi nhảy dù từ chiếc máy bay bị bắn. Hoa tiêu Konstantin Murakhtin đã thoát nạn một cách kỳ diệu: giới quân sự Nga cho biết, viên đại úy đã không chỉ nhanh chóng bắt liên lạc với căn cứ không quân Hmeimim, nơi triển khai không đoàn của Nga, mà còn trốn thoát cuộc truy đuổi dài mấy giờ của phiến quân. Ngay khi các máy bay không người lái xác định được vị trí của phi công, 2 trực thăng chở lực lượng đặc nhiệm đã được phái đến vùng núi Kyzyldag, Syria.

Đến lúc đó, binh sĩ quân đội chính phủ Syria đã tìm thấy Murakhtin, lính đặc nhiệm Nga chỉ còn việc bốc phi công này về căn cứ Hmeimim. Tuy nhiên, trong chiến dịch tìm cứu, 1 trong 2 trực thăng đã bị bắn và phải hạ cánh bắt buộc gần vùng núi Turkmen, Syria. Đấu súng nổ ra, trong đó lính thủy đánh bộ Nga Aleksandr Pozynich đã bị tử thương vào cổ. Kết quả là một trực thăng đã bay thoát, chiếc thứ hai thì theo thông tin của Bộ Tổng tham mưu Nga, đã bị phá hủy do đạn cối. Cả ba quân nhân Nga đều đã được đề nghị tặng thưởng nhà nước. Hai người đã được truy tặng.

Nếu không tính những tổn thất này, tháng thứ hai của chiến dịch không kích ở Syria là khá thành công đối với Nga: Bộ Tổng tham mưu Nga báo cáo, chỉ trong 48 ngày đêm, Không quân Nga đã thực hiện 2.289 phi vụ chiến đấu và 4.111 cuộc tấn công bằng bom/tên lửa vào các mục tiêu hạ tầng chủ yếu, các vị trí tập kết vũ khí trang bị và sinh lực phiến quân. Ngày 20/11/2015, báo cáo với Tổng thống Putin, ông Shoigu nói rằng, các nỗ lực chính tập trung vào “phá hủy nền tảng kinh-tài” của tổ chức khủng bố IS. “Điều đó bảo đảm cho quân chính phủ Syia tác chiến thắng lợi ở các khu vực Aleppo, Idlib và vùng núi Latakia, cũng như Palmyra”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga báo cáo và cho biết thêm rằng, số lượng khủng bố đến Syria đang giảm đi.

Không đoàn viễn chinh của Nga, trái lại, đã gia tăng: bổ sung cho các máy bay ném bom Su-24M và Su-34, cường kích Su-25SM, tiêm kích Su-30SM đang triển khai ở Hmeimim là 4 tiêm kích Su-27SM3 và 8 Su-34. Các cuộc không kích còn được thực hiện song song bằng không quân chiến lược (các máy bay ném bom Tu-95MS, Tu-160 và Tu-22М3) trang bị tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-555.

Binh đoàn tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải và biển Caspie gồm 10 chiếc. Ngày 20/11/2015, tàu tên lửa Daghestan và các tàu tên lửa nhỏ Uglich, grad Svyiazhsk và Veliky Ustyug đã phóng 18 tên lửa hành trình Kalibr-NK vào 7 mục tiêu ở các tỉnh Raqqa, Idlib và Aleppo. Theo lời ông Shoigu, từ ngày 17-20/11/2015, Nga đã phóng tổng cộng 101 tên lửa hành trình phóng từ máy bay và hạm tàu, kết quả là cùng với các cuộc oanh kích, đã tiêu diệt 826 mục tiêu địch.

Theo một nguồn tin trong cơ quan chỉ huy tác chiến, việc tăng cường lực lượng và phương tiện tác chiến chống khủng bố ở Syria đã diễn ra từng bước và phụ thuộc vào các nhiệm vụ cụ thể: ví dụ, việc bắn tên lửa Kalibr từ biển Caspie được tiến hành khi có thông tin tình báo về sự hiện diện của các mục tiêu lớn của các nhóm phiến quân tại những khu vực đó. “Cần phải tiêu diệt chúng một cách cấp tốc”, nguồn tin nói và cho biết thêm rằng, không quân chiến lược cũng đã được huy động vì cùng vì lý do đó. Việc gia tăng không đoàn viễn chinh ở Hmeimim được thực hiện để yểm trợ quân đội Assad tại thời điểm tấn công vào các vị trí của khủng bố.

Sự cố với chiếc Su-24 đã kéo theo những thay đổi lớn trong quá trình tiến hành chiến dịch không kích: ngay hôm sau, tàu tuần dương tên lửa cận vệ Moskva đang trực chiến trong biên chế binh đoàn Địa Trung Hải của Hải quân Nga đã vào chiếm lĩnh vị trí trực chiến ở khu vực ven bờ biển Latakia. Hơn nữa, tuần dương hạm trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-300F Fort này còn được lệnh tiêu diệt bất kỳ mục tiêu bay nào tiềm tàng nguy hiểm đối với máy bay Nga.

Tại Hmeimim đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumph mà chiến dịch Syria chính là thử thách thực chiến đầu tiên, còn tất cả các máy bay ném bom Nga sẽ chỉ xuất kích chiến đấu khi có sự yểm trợ của máy bay tiêm kích. Ở đây có sự mất cân đối: 24 máy bay ném bom chiến thuật (12 Su-24M và 12 Su-34) chỉ có 8 tiêm kích Su-30SM và 8 Su-27SM. Tuy nhiên, điều này sắp tới sẽ được khắc phục bằng cách điều thêm 1 biên đội tiêm kích nữa đến Syria.

Rõ ràng là các biện pháp này không phải là nhằm tác chiến chống IS vì chúng không có máy bay, mà là nhằm kiểm soát không phận, trong đó các máy bay của các nước NATO, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động. Nhiều biện pháp của Bộ Quốc phòng Nga đã khiến Lầu Năm Góc không hài lòng. “Các hệ thống như thế (S-400) sẽ làm phức tạp hơn nữa tình hình vốn đã phức tạp trên bầu trời Syria và sẽ không có tác dụng gì cho việc thúc đẩy cuộc chiến với khủng bố”, nữ trung tá Michelle Baldanza, phát ngôn viên Lầu Năm góc nói.

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga bình luận ngắn gọn tuyên bố này: “Chúng tôi không định đánh nhau với máy bay của liên minh, nhưng chúng tôi sẽ bảo đảm tan toàn cho máy bay và người của mình bằng mọi phương tiện sẵn có”.

Nếu như quan hệ Nga-Thổ sẽ bị tổn hại ở gần như tất cả các lĩnh vực (Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev tuần trước đã nói thẳng về việc áp đặt trừng phạt đối với quốc gia mới đây còn là bạn bè), nhưng vẫn còn cơ hội hình thành liên minh rộng rãi chống IS mặc dù tình hình cực kỳ căng thẳng. Phát biểu ngày 26/11 tại lễ trình quốc thư của các đại sứ nước ngoài, ông Vladimir Putin đã tuyên bố: “Tôi hy vọng rằng, cuối cùng sẽ lập ra được một liên minh quốc tế chống khủng bố thực sự rộng rãi hành động có phối hợp như một lực lượng hùng mạnh, thống nhất, và cụ thể là ủng hộ các hành động của các binh sĩ Nga đang tiến hành các chiến dịch thành công chống các nhóm và tổ chức khủng bố ở Syria”.

Ông bày tỏ hy vọng rằng, sau các vụ khủng bố đối với máy bay Airbus A-321 của Nga ở Ai Cập và ở Paris, Pháp, các vụ tàn sát dã man ở Lebanon, Nigeria, Mali thì “người ta sẽ hiểu được sự cần thiết hợp nhất các nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố ”.

Vụ bắn hạ Su-24 đã khiến Nga ngay lập tức triển khai hệ thống tên lửa S-400 tới Syria
Vụ bắn hạ Su-24 đã khiến Nga ngay lập tức triển khai hệ thống tên lửa S-400 tới Syria

Các quan chức quân sự và ngoại giao khẳng định rằng, ngay cả sau vụ Su-24M bị bắn rơi, cơ hội thành lập liên minh vẫn còn, hơn nữa, các nhà lãnh đạo Italia và Pháp ủng hộ ý tưởng này. Tổng thống Pháp Francois Hollande, sau loạt vụ khủng bố ở Paris, thậm chí đã đề nghị quên đi những bất đồng và “thống nhất sức mạnh” của Pháp, Nga và Mỹ và để khẳng định lời nói của mình, đã phái đến bờ biển Syria tàu sân bay Charles de Gaulle với các máy bay đa năng. Ông Vladimir Putin đã hạ lệnh cho Hải quân Nga liên lạc với các đồng nghiệp Pháp và hành động “như với các đồng minh”.

Mặc dù có sự đồng tình rộng rãi về việc chống IS, nhưng vẫn có không ít trở ngại cho việc hình thành liên minh rộng rãi. Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đến ngày 26/11/2015, “không một nước nào trong liên minh chống IS có lần nào nêu tên một khu vực hay một mục tiêu nào của bọn khủng bố”. Cho đến nay, thông tin của Nga và các nước NATO vẫn khác nhau về việc cụ thể là phe nhóm khủng bố nào đang bị tấn công: Phương Tây cho rằng, nạn nhân các cuộc không kích của máy bay và tên lửa Nga là các địch thủ của ông Bashar al-Assad, chứ không phải là bọn khủng bố cực đoan. Moscow thì bác bỏ cáo buộc đó.

Tuyên bố của lãnh đạo NATO về việc ủng hộ giả thiết bắn rơi Su-24 của Nga càng đổ dầu vào lửa. Và mặc dù sau đó, NATO chối bỏ, nhưng không nên hy vọng nhanh chóng ổn định được tình hình. “Điều mà người Thổ đã làm - đó là sự bội phản, mà sự bội phản chúng tôi sẽ không quên, cũng như những kẻ che chắn những kẻ bội phản này”, nguồn tin cao cấp ở Điện Kremlin tuyên bố.

Theo VND