Nga-Mỹ và cuộc đua điên rồ tới “ngày tận thế”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Perry cảnh báo rằng thay vì tiếp tục giải giáp vũ khí hạt nhân, Mỹ lại đang bắt đầu một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới, trang Huffington Post cho biết.
Tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa của Nga
Tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa của Nga

Theo Huffington Post, nỗi kinh hoàng và phản ứng trước các vụ tấn công khủng bố tại Paris mới đây đã bị lu mờ bởi một vấn đề rắc rối mới trong quan hệ thù nghịch Nga-Mỹ có thể khiến mọi việc thậm chí còn kinh khủng hơn. Truyền thông Nga đã “vô tình” tiết lộ kế hoạch về một loại ngư lôi hạt nhân dị thường.

Đúng hơn là một phương tiện ngầm không người lái, được thiết kế để phóng 6.000 dặm, đủ để  băng qua các đại dương như các tên lửa tầm xa bay trên không trung. Nó sẽ kích nổ một đầu đạn khổng lồ, một quả bom khinh khí tương đương sức công phá 1 triệu tấn thuốc nổ TNT hoặc lớn hơn, tàn phá khu vực duyên hải và tạo ra một vùng phóng xạ trên một khu vực rộng lớn của Mỹ.

Vụ nổ sẽ gây ra một cơn sóng thần phóng xạ. Mục tiêu theo truyền hình Nga là “phá hủy những thành phần quan trọng của nền kinh tế kẻ địch ở khu vực duyên hải và gây ra tổn thất không thể chấp nhận được với lãnh thổ một quốc gia bằng cách tạo ra các khu vực bị nhiễm xạ rộng lớn, không thể sử dụng cho các mục đích quân sự, kinh tế và các hoạt động khác trong suốt một thời gian dài”.

Huffington Post nhận xét thứ vũ khí điên rồ này được thiết kế để biến một thành phố trở thành vùng đất chết nhiễm phóng xạ trong nhiều thập kỷ, là một thiết kế tồi tệ thời Chiến tranh Lạnh đã bị hủy bỏ từ lâu.

Vào đầu thập niên 1950, tướng Mỹ Douglas MacArthur từng muốn sử dụng “bom bẩn” nhằm tạo ra một khu vực chết chóc để chặn bước tiến của quân Trung Quốc. Trong những năm 1970, các nhà khoa học hạt nhân Mỹ thiết kế một loại bom hạt nhân nổ phát tán phóng xạ khiến làm tăng số người thiệt mạng nhưng giảm thiểu việc phá hủy các tòa nhà. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger hy vọng Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến tại châu Âu…

Các tổng thống Mỹ đã bác bỏ những loại vũ khí này và không loại nào được chế tạo. Huffington cho rằng, vụ “vô tình” tiết lộ bản thiết kế loại ngư lôi hạt nhân tầm bắn khủng trên là cố tình để cho Mỹ biết. Loại bom bẩn mới của Nga là động thái mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang có thể đẩy cả Nga và Mỹ tới bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Nga đang chế tạo các tên lửa hạt nhân thế hệ mới, máy bay ném bom và tàu ngầm để thay thể các loại cũ được chế tạo trong thập niên 1980. Moscow tuyên bố rằng họ buộc phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và tăng cường vai trò vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự nhằm đáp trả hệ thống đánh chặn tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu. Nga cũng cáo buộc hệ thống phòng thủ tên lửa này nhằm “vô hiệu hóa” đòn răn đe hạt nhân, để Mỹ và NATO  thống trị Nga.

Mỹ cũng đang tái vũ trang như Nga. Chính quyền Obama có kế hoạch chi tới hơn 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới để chế tạo toàn bộ một thế hệ mới các loại bom hạt nhân, máy bay ném bom, tên lửa và tàu ngầm nhằm thay thế các loại vũ khí được sản xuất từ thời Reagan.  Đây là một thay đổi với một tổng thống (ông Obama) từng cam kết “chấm dứt tư duy Chiến tranh Lạnh bằng cách giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của chúng ta.

Trước tiên, Mỹ sẽ triển khai khoảng 200 bom hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu. Chúng được cho là chính xác và dễ sử dụng trong chiến đấu hơn các loại bom hiện tại.

Tên lửa hạt nhân liên lục địa trong giếng phóng cố định
Tên lửa hạt nhân liên lục địa trong giếng phóng cố định

Trong khi đó, hải quân Mỹ đang triển khai 12 tàu ngầm mới lảng vảng trên các đại dương khắp thế giới. Các tàu ngầm này có thể mang 1.000 đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa và có thể tấn công bất cứ điểm nào trên trái đất. Không quân Mỹ cũng đang phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược mới và muốn trang bị cho chúng 1.000 tên lửa hành trình mới. Thêm một hạm đội mới với hơn 650 tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.

Riêng rẽ thì không loại vũ khí nào của Mỹ mang đầu đạn lớn như ngư lôi hạt nhân Nga, nhưng nếu về tổng thể thì chúng là đòn đánh chết chóc và phá hủy quy mô lớn. Tất cả các hệ thống vũ khí trên đều phóng bom khinh khí – loại vũ khí có sức công phá mạnh gấp 10, 20, thậm chí 30 lần bom nguyên từ ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Theo Huffington Post, không rõ Nga có thể đủ điều kiện theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang mới này hay không, nhưng vấn đề này khiến Lầu Năm Góc cực kỳ lo lắng. Quan chức Lầu Năm Góc Michael McCord phát biểu trên Inside Defense tuần trước rằng chi phí cho tất cả các loại vũ khí hạt nhân mới là một vấn đề mua sắm tốn kém nhất mà không biết Mỹ sẽ giải quyết ra sao.

Chẳng hạn, khi sản xuất tàu ngầm hạt nhân mới cho hải quân, sẽ ngốn mất một nửa ngân sách đóng tàu hàng năm cho hải quân Mỹ. Các loại vũ khí hạt nhân mới đe dọa sẽ hút cạn kinh phí cần thiết dành cho các loại vũ khí thông thường hiện dùng cho quân đội chiến đấu, như trong cuộc chiến chống IS.

Đây là tình huống nguy hiểm. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry đã cảnh báo rằng “thay vì tiếp tục lộ trình giải giáp vũ khí hạt nhân trong vòng hai thập kỷ qua, chúng ta lại bắt đầu một cuộc chạy đua hạt nhân mới”. Theo nhà phân tích Jeffrey Lewis, mức độ phá hủy của kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ đã vượt xa sự răn đe cần thiết. Trừ phi ông Obama hành động sớm, nếu không di sản chính sách hạt nhân của ông có thể sẽ khởi phát một cuộc chạy đua hạt nhân khủng khiếp, đe dọa tàn phá vượt xa những gì IS gây ra.

Theo QPAN