Thông tấn Nga Tass ngày 10/6 dẫn lời bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng: "Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào các tranh chấp này".
"Chúng tôi (Nga) không đứng về phía nào. Nga tin chắc chắn rằng sự can dự của bên thứ ba vào những tranh chấp này sẽ chỉ khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng. Tham vấn và đàm phán về tranh chấp lãnh thổ nên được tổ chức trực tiếp giữa các bên liên quan theo phương thức mà họ cảm thấy phù hợp."
"Chúng tôi cho rằng chìa khoá để giải quyết bất đồng trong khu vực có thể xây dựng một kiến trúc an ninh mới ở Châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên các phương pháp tiếp cận tập thể và chuẩn mực của luật pháp quốc tế".
"Nga kêu gọi tất cả các bên tích cực tham gia vào việc thực hiện sáng kiến của Nga về phát triển các nguyên tắc khuôn khổ tăng cường an ninh và hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN để phát triển Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông". - bà Maria Zakharova nói.
Hồi cuối tháng 4 vừa, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đưa ra một tuyên bố sau đó gây nhiều tranh cãi rằng "tranh chấp trên Biển Đông không nên bị quốc tế hóa" và "các nước ngoài khu vực không nên can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp ở khu vực".
Như vậy, Nga một lần nữa lặp lại quan điểm được đưa ra trước đó của mình đó là "không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông", ủng hộ "đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước tranh chấp" (theo đúng ý đồ mà Trung Quốc mong muốn).
Chắc chắn không có chuyện Ngoại trưởng Nga đã nỡ lời trong lần tuyên bố khi gặp quan chức đồng cấp của phía Trung Quốc như một số người đã nghĩ.
Cần nhấn mạnh rằng, cơ quan ngoại giao của Nga cũng thừa hiểu rằng cơ chế "đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước tranh chấp" hiện nay ở khu vực Biển Đông đã bị Trung Quốc tận dụng triệt để nhằm ỷ sức người, sức của của mình để lấn át, ức hiếp và chèn ép các nước nhỏ hơn.
Vì sao? Trung Quốc không có chủ quyền ở khu vực Biển Đông ngoại trừ quần đảo Hải Nam nhưng Bắc Kinh luôn tìm cơ, tìm cơ hội để nhảy vào tranh, chiếm lãnh thổ, chủ quyền của nước khác sau đó đòi đàm phán (hành động này được nhiêu chuyên gia, học giả ví như "bát cơm đang ăn của người khác bỗng nhiên bị Trung Quốc nhảy vào giật và đòi chia").
Với cơ chế "đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước tranh chấp", Trung Quốc luôn ép buộc, cưỡng bức các nước khác phải thừa nhận vùng tranh chấp, thực thể đang tranh chấp "thuộc chủ quyền Trung Quốc" rồi mới đàm phán tay đôi.
Điều này, trong một số truờng hợp nhất định, hoàn toàn không thể chấp nhận được với nhiều quốc gia trong khu vực bởi những gì Trung Quốc đòi "chủ quyền", đòi "đàm phán song phương" đều thuộc chủ quyền của nước khác. Thử hỏi ai có thể chấp nhận được điều này, nếu đặt cương vị vào Nga, liệu Moscow có chấp nhận hay không?
>> Đọc thêm: Tổng thống Putin: Quyết không đánh đổi chủ quyền Nga
Bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trong khu vực cũng đều không bao giờ chấp nhận kiểu đàm phán song phương theo lối áp đặt, cửa quyền, ỷ sức mạnh như Trung Quốc đã và đang ngấm ngầm tính toán như hiện nay.
Hôm 11/6, báo Tin Tức của TTXVN cũng đã trích dẫn báo cáo của trang The Diplomat của Nhật Bản cho biết, tính cho đến nay, chỉ có rất ít các quốc gia trên thế giới công khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ gây tranh cãi ở Biển Đông trong số này gồm: Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Sudan, Belarus và Afghanistan.
Báo của Nhật Bản đã đưa thông tin nhằm phản bác tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn của cơ quan ngoại giao Trung Quốc đưa ra hồi tháng 5 vừa qua trong đó nói rằng "hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông".
Tuyên bố này được Bắc Kinh được đưa ra trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc ở Biển Đông với những dự báo gần như chắc chắn là Trung Quốc sẽ thua cuộc.
Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Nga về tình hình Biển Đông hôm 10/6 vừa qua cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Đáng chú ý, có nhiều dự báo nói rằng tình hình Biển Đông trong những ngày tới có thể sẽ căng thẳng hơn, đặc biệt là ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Nói đi nói lại, trong tuyên bố mới nhất của Nga về tình hình Biển Đông, cũng cần ghi nhận cam kết của Moscow khi nói rằng nước này "sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN để phát triển Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" dù đây được xem là một sứ mệnh vô cùng khó khăn nếu nhìn vào những hành vi, tuyên bố và hoạt động phi pháp trên thực địa mà Trung Quốc vẫn đang ngày đêm tiến hành ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. |