Phải thử nhiệt độ phù hợp với cơ thể trẻ
Trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng mỗi gia đình phải lựa chọn điều hòa phù hợp với căn phòng, nơi ở. Nếu chọn công suất điều hòa không đúng thì việc điều chỉnh sẽ khó khăn. Mỗi đối tượng sẽ sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ khác nhau, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
Với trẻ sơ sinh phải sử dụng điều hòa có nhiệt độ cao hơn so với các trẻ lớn. Gia đình cần thử mức nhiệt độ phù hợp với cơ thể và sức khỏe của trẻ. Điều hòa phải có quạt thông gió, khi sử dụng cần có độ hở nhất định tronng phòng để không khí lưu thông, hạn chế vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy
|
“Tôi cho rằng khi ở trong điều hòa nhiệt độ bước ra bên ngoài, thì dù là trẻ em hay người lớn đều cảm thấy khó chịu. Vì thế, trẻ em hoặc người lớn đang ở trong điều hòa không nên ra ngoài đột ngột, nên mở cửa phòng để tiếp xúc gần với không khí bên ngoài” – ông Dũng nói.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: Nhiều gia đình mua và lắp điều hòa nhưng lại quên không vệ sinh thường xuyên ở bộ phận lọc gió. Nếu điều hòa tích bụi lâu ngày có thể khiến trẻ bị dị ứng.
Ngoài ra, việc sử dụng quạt hơi nước không tốt đối với cơ thể trẻ bởi hạt nước bay trong không khí tạo cảm giác mát có thể là tác nhân làm phát tán những vi khuẩn, virus có hại.
Chủ động phòng bệnh mùa nóng
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng thất thường, có ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới 39, 40 độ C đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Nắng nóng không chỉ khiến cơ thể trẻ mệt mỏi mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh như sốt, cảm, bệnh về đường hô hấp, viêm họng, viêm phế quản. Nếu trẻ đi ở ngoài trời nóng về nhà tắm luôn thì rất dễ bị viêm phổi.
Bệnh trẻ thường gặp trong thời tiết nắng nóng chủ yếu là bệnh về đường hô hấp. Trong lớp học chỉ cần 1 cháu bị ho, sốt là có thể lây cho các bé khác. Khi phát trẻ ho, sốt, sức khỏe không tốt, các bậc phụ huynh nên báo với nhà trường để cho trẻ nghỉ học, phòng tránh lây lan bệnh cho các bạn cùng lớp.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng khám bệnh cho trẻ. Ảnh: Thanh Hằng
|
Bên cạnh đó, mùa hè nắng nóng trẻ dễ bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ ông đã từng tiếp nhận điều trị cho một bé gái ở Nghệ An hơn 1 tuổi nhưng chỉ nặng có 7kg vì bị tiêu chảy cấp nặng, gia đình không đưa đi khám mà tự ý điều trị tại nhà.
Chính vì thế, gia đình cũng như trường học cần chú ý khi tổ chức cho trẻ ăn tập trung phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến món ăn. Một số gia đình cho trẻ mang đồ ăn đến trường cần lưu ý bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, phòng tránh nguy cơ thức ăn bị ôi thiu do thời tiết nắng nóng, không nên cho trẻ ăn quà vặt.
Ngoài ra, đa số trẻ hay lười uống nước hoặc quên do mải chơi. Do đó thầy cô giáo, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên, cứ nửa tiếng uống 1 lần, không để đến lúc khát quá rồi mới uống. Nếu có điều kiện nên cho trẻ uống nước hoa quả tươi là tốt nhất.
Để phòng, tránh say nắng, say nóng cho trẻ, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động chống nóng cho trẻ bằng việc đội mũ, nón, đi ô,… Trường học cần có hệ thống chống nóng cho trẻ (điều hòa, quạt); thời điểm nóng nhất là lúc giữa trưa và xế chiều nên nhà trường có thể thay đổi giờ học sớm hơn để tránh nóng cho trẻ, đồng thời, trang bị đủ nước trong lớp học. Gia đình cần lưu ý cho trẻ ăn sáng để cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả, rau, uống sữa, nước hoa quả,…
Hiện, ở Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận nhiều trẻ bị sốt do virus, sốt xuất huyết, tay chân miệng, kiết lỵ, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, mụn nhọt, lở loét,... Trường hợp nặng nhất mà Khoa đang tiếp nhận là một bệnh nhi bị ung thư máu nặng do thời điểm dịch COVID-19 diễn ra bé không thể tới Bệnh viện để thăm khám thường xuyên.