Sputnik Nga dẫn các nguồn tin từ Thái Lan cho hay Trung Quốc bán 28 xe tăng VT-4 cho Thái Lan, tổng trị giá 148,5 triệu USD. Giao dịch này gây chú ý cho dư luận, bởi vì xe tăng Trung Quốc sẽ xuất hiện trong quân đội Thái Lan.
Trước đó, Thái Lan mua xe tăng của Ukraine. Thông tin Thái Lan mua xe tăng Trung Quốc lập tức xuất hiện sau khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thăm Mỹ vào cuối tuần trước. Chuyên gia Elena Fomicheva từ Trung tâm nghiên cứu Đông phương học, Viện Khoa học Nga cho rằng sự trùng hợp này không phải ngẫu nhiên.
Kế hoạch mua xe tăng Ukraine của Thái Lan đã bị “đẻ non”, do vấn đề kinh tế của Ukraine. Trong 3 năm qua, Ukraine chỉ cung cấp được 10 xe tăng cho Thái Lan.
Trung Quốc có thể lấp khoảng trống này, nhưng có thể gặp thách thức từ Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phê phán chính quyền quân sự Thái Lan, nên quan hệ quân sự hai nước bị đóng băng.
Chuyên gia Elena Fomicheva cho rằng thái độ của ông Barack Obama đã dọn đường cho Trung Quốc mở rộng bán vũ khí cho Thái Lan. Kết quả, Thái Lan đã quyết định dùng hơn 1 tỷ USD để mua 3 tàu ngầm S-20 Trung Quốc, nay lại quyết định mua 28 xe tăng Trung Quốc.
Theo bà Elena Fomicheva, việc Thái Lan tuyên bố mua vũ khí hạng nặng của Trung Quốc vừa qua không phải là ngẫu nhiên. Những giao dịch này đã tăng cường quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc. Đồng thời, Thái Lan cũng muốn “dọa” Mỹ phải nhớ Thái Lan là đồng minh.
Tại Washington, ông Prayuth Chan-ocha khẳng định người Mỹ là đồng minh tốt nhất của Thái Lan. Nhưng, theo tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc, Bangkok đã nhắc nhở người Mỹ là Mỹ không thể “dắt mũi” họ. Thái Lan vẫn có thể tìm được đối tác hợp tác quân sự khác, chẳng hạn Trung Quốc.
Do chính sách của Mỹ, Trung Quốc đã trở thành nhà cung ứng vũ khí cho Thái Lan, nhưng hiện không thể hoàn toàn thay thế Mỹ. Bởi vì hợp tác quân sự giữa Thái Lan và Mỹ đã có từ lâu.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã có bước đi đột phá trên thị trường vũ khí Thái Lan. Trong khi đó, Mỹ không có gì đột phá về quan hệ kinh tế với Thái Lan. Mỹ kêu gọi hợp tác phản đối Trung Quốc nhưng Thái Lan không tích cực hưởng ứng, lại lấy Trung Quốc làm “quân bài” để ứng xử với Mỹ. Chính sách này đã đem lại lợi ích thực tế cho Thái Lan và cũng tăng cường vị thế của Trung Quốc.
Chủ nhiệm Thẩm Thế Thuận, Trung tâm nghiên cứu Nam Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan tốt đẹp. Cho dù phe phái nào lên nắm quyền thì cũng sẽ duy trì quan hệ ổn định, hữu nghị với Trung Quốc.
Hơn nữa, quan hệ giữa Thái Lan và các nước láng giềng cũng tương đối hòa hợp. Trong các nước Đông Nam Á, ngoài xảy ra xung đột biên giới với Campuchia, Thái Lan hoàn toàn không tạo ra mối đe dọa đối với các nước khác.
Trong khi đó, ngoài quan hệ hữu nghị với Thái Lan, Trung Quốc còn có quan hệ hợp tác với Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Myanmar.
Theo Thẩm Thế Thuận, việc mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Thái Lan là một giao dịch bình thường. Mỹ và Thái Lan vẫn có nhiều liên hệ quân sự hơn. Thái Lan tăng cường quan hệ với Trung Quốc cũng chỉ là để đạt được “cân bằng”.
Vì vậy, Thẩm Thế Thuận cho rằng Trung Quốc và Thái Lan tăng cường quan hệ hợp tác quân sự sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Thái Lan với các nước xung quanh.
Dựa trên thực lực kinh tế hiện có, Trung Quốc còn đang tích cực phát triển quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á khác. Gần đây, ngày 5/10/2017, Trung Quốc đã cung cấp 3.000 khẩu súng trường tấn công cho Philippines, trị giá 330.000 USD. Đây là lô súng trường thứ hai Trung Quốc cung cấp cho Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines.
Trung Quốc còn cung cấp máy bay chiến đấu, xe bọc thép, pháo lớn và tàu chiến cho Myanmar. Năm 2016, Hải quân Indonesia đã ký kết hợp đồng mua hệ thống chỉ huy của Trung Quốc. Tàu chiến Indonesia đã lắp hệ thống radar của Trung Quốc để đối phó với tên lửa săn ngầm và vũ khí tấn công chính xác.