Mỹ, Trung Quốc khẩu chiến nảy lửa về “mối đe dọa lớn nhất” trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc “không phải đối diện với hậu quả gi” khi phớt lờ luật lệ trên Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố tại hội nghị an ninh hàng hải của LHQ.
Chiến hạm của Mỹ, Anh và Hà Lan cùng tham gia chiến dịch trên Biển Đông ngày 29/7 (Ảnh: US Navy)
Chiến hạm của Mỹ, Anh và Hà Lan cùng tham gia chiến dịch trên Biển Đông ngày 29/7 (Ảnh: US Navy)

Tham dự cuộc họp trực tuyến về an ninh hàng hải của Hội đồng Bảo an LHQ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã thẳng thừng nêu ra cái mà ông gọi là “các vụ đối đầu nguy hiểm giữa tàu thuyền trên biển và những hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi pháp” trên Biển Đông.

“Mỹ đã nêu rất rõ về quan ngại của mình trước những hành động đe dọa và bắt nạt các nước khác, không cho họ tiếp cận các nguồn tài nguyên biển của họ. Chúng tôi và các nước khác, trong đó có các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đã phản đối hành vi như vậy cùng các tuyen bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông” – ông Blinken nói tại hội nghị trực tuyens được chủ trì bởi Thủ tướng Ấn Độ Narendrea Modi hôm đầu tuần này.

“Một số người có thể cho rằng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông không phải là việc của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác không phải là bên tuyên bố chủ quyền. Nhưng ngược lại, đó là trách nhiệm của mọi nước thành viên để bảo vệ những luật lệ mà tất cả chúng ta đều tuân thủ và giải quyết các tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình” – ông Blinken nhấn mạnh, ám chỉ phía Trung Quốc.

“Xung đột trên Biển Đông hay bất cứ vùng biển nào cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu, xét về an ninh và thương mại. Hơn nữa, khi một nhà nước không phải chịu bất cứ hậu quả gì khi phớt lờ những luật lệ này, họ sẽ tiếp tục reo rắc sự bất ổn ở khắp mọi nơi” – Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Bài phát biểu của ông Blinken ngay lập tức vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc, trong đó Phó Đại diện Trung Quốc tại LHQ, Dai Bing, gọi Mỹ là “mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của Biển Đông”.

Là cường quốc duy nhất thất bại trong việc phê chuẩn Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS) – một hiệp định quốc tế đặt ra cơ chế toàn diện cho trật tự và luật pháp trên các vùng biển và đại dương khắp thế giới – Mỹ “không có đủ uy tín để hành đọng như thể một thẩm phán của công ước này và phán xét hay can thiệp vào các nước khác”, ông Dai Bing nói.

“Là một nước bên ngoài, Mỹ gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của Biển Đông bằng cách mang tới các chiến hạm và máy bay tối tân, khiêu khích một cách liều lĩnh và công khai gây ra sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực. Mỹ không đủ tư cách nói bất cứ thứ gì về Biển Đông” – Dai Bing nói.

Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ không chấp nhận hay tuân theo bất kỳ phán quyết tòa án nào, khi mà Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague phán quyết có lợi cho Philippines vào năm 2016, nêu rõ rằng các tueyen bố của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử trong cái mà họ gọi là “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) phi pháp là không có cơ sở về pháp lý theo UNCLOS.

Năm ngoái, Washington đã đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh khi tuyen bố rằng họ ủng hộ phán quyết năm 2016, và cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn khu vực Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”.

Một mặt kêu gọi các nước tăng cường đối thoại và hợp tác “trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng” để đối phó với những thách thức an ninh hàng hải, ông Dai Bing mặt khác phản đối cái mà ông gọi là nỗ lực của “một số ít quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy chiến lược riêng trong khu vực”, điều mà ông cho là sẽ “gây ra và làm tăng các cuộc xung đột hàng hải, ảnh hưởng tới chủ quyền và lợi ích an ninh của các nước liên qan, và làm tổn hại tới hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xuất hiện giữa lúc mà căng thẳng giữa hai bên ở Biển Đông tiếp tục tăng nhiệt.

Tuần trước, Trung Quốc bắt đầu tổ chức tập trận kéo dài 5 ngày (kết thúc vào ngày 10/8) trên khu vực rộng lớn thuộc Biển Đông. Chỉ trướ đó vài ngày, Mỹ cũng tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 26 ngày với Anh, Australia và Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Hồi đầu tháng này, Ấn Độ cũng tueyen bố sẽ cử một nhóm gồm 4 chiến hạm tới Biển Đông và Tây Thái Bình Dương để hoạt động trong vòng 2 tháng. Trong khoảng thời gian đó, nhóm tàu này sẽ cùng các đối tác khác trong Bộ Tứ Kim cương – Mỹ, Australia và Nhật Bản – tham gia vào cuộc tập trận Malabar 2021 tổ chức cuối tháng này.