Tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 14/7, ông Chu Yin – Giáo sư đến từ ĐH Quan hệ Quốc tế, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc (CCG) – đã cảnh báo về việc rơi vào thế khó khi “áp dụng công tác tuyên truyền nội bộ với bên ngoài”. Điều này được cho là đòn tấn công nhằm vào kiểu ngoại giao “Chiến lang” mà các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng trong mấy năm gần đây.
“Trong những ngày đầu, chúng tôi tin rằng nói tiếng Anh tốt sẽ giúp kể về câu chuyện của Trung Quốc” – Chu Yin nói – “Giờ đây, chúng ta đã có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và trôi chảy khi kể những câu chuyện về Trung Quốc, nhưng các đối tác ngoại giao của chúng ta lại chả hiểu gì hết”.
Bình luận của ông Chu lần đầu được đăgn tải vào ngày 15/7 trên tờ Lianhe Zaobao, nhật báo tiếng Trung phát hành ở Singapore, và sau đó được dẫn lại bởi nhiều hãng tin ở Hong Kong và Đài Loan.
Tuy nhiên, ngay vào ngày hôm sau, tờ báo trên đã xóa bài viết đó trên website của họ, sau khi ông Chu Yin nhận được nhiều cảnh báo từ cấp trên rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hài lòng trước phát ngôn của ông; theo một nhà báo làm việc tại tờ báo này. Cả tờ báo lẫn ông Chu đều không đưa ra bình luận về sự việc.
Các hãng truyền thông Trung Quốc cũng gỡ bỏ tất cả các bài viết có liên quan tới bình luận của ông Chu Yin.
“Ông Chu đơn giản là thể hiện những lo lắng của ông ấy, mà không nhận thức được rằng bình luận như vậy có thể làm dấy lên quan ngại và khiến ông gặp rắc rối” – một người bạn của Chu nói với SCMP.
Chu Yin đã đưa ra bình luận trên tại một cuộc hội thảo ra mắt một cuốn sách của CCG, có nội dung về kiến tạo các phương pháp mới cho quảng bá hình ảnh Trung Quốc ra bên ngoài.
Và đánh giá của ông đã phản ánh một cuộc xung đột nội bộ lớn hơn giữa “Gấu trúc” và “Chiến lang” trong cộng đồng chính sách ngoại giao Trung Quốc; theo các nhà phân tích chính trị.
Tầm ảnh hưởng của Ngoại giao Chiến lang
Các nhà ngoại giao "Chiến lang" như ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thường áp dụng kiểu ngoại giao chiến đấu (Ảnh: Kyodo News) |
Là một học giả tự do và hay phát ngôn thẳng thắn ở Trung Quốc, Chu Yin từng đăng tải nhiều bài viết về mối quan ngại của ông về làn sóng dân tộc chủ nghĩa trên mạng xã hội, trong đó ông từng chỉ trích những bài đăng trên mạng xã hội có nội dụng giễu cợt khủng hoảng do đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ.
Trong bình luận tại hội thảo nọ, Chu Yin nói rằng Bắc Kinh đang đầu tư mạnh tay vào việc xây dựng hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt bạn bè quốc tế, nhưng có 3 vấn đề chính về cách đưa thông điệp.
Ông nói hướng tiếp cận hiện nay đã khiến cho thế đối đầu căng thẳng hơn và sự hiểu sai về văn hóa giữa Trung Quốc và các đối tác nước ngoài; trong khi cách truyền đạt lại thiếu sự chuyên nghiệp, khiến cho việc truyền đạt ý định của giới lãnh đạo ra thế giới bên ngoài trở nên khó khăn. Đó là còn chưa kể tới tổn thất về danh tiếng gây ra bởi những luồng ý kiến mang tư tưởng diều hâu trên mạng xã hội.
Thực trạng đó làm dấy lên quan ngại về việc những thành tựu “Ngoại giao Gấu trúc ưa chuộng hòa bình” đã đem lại cho Trung Quốc suốt nhiều năm qua sẽ bị xóa sổ bởi “Ngoại giao Chiến lang” – cụm từ bắt nguồn từ bộ phim hành động yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc, “Chiến lang 2”, nay được dùng để mô tả kiểu tiếp cận mạnh bạo mà các nhà ngoại giao nước này áp dụng với các nước khác.
Ngày nay, các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng áp dụng nhiều hơn kiểu ngoại giao chiến đấu, điều khiến họ bị gán mác “Chiến lang”. Một trong số họ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, thường xuyên tận dụng mạng xã hội để công kích đối tác nước ngoài, trong đó ông từng đưa ra thuyết âm mưu cho rằng Mỹ có thể đã mang virus SARS-CoV-2 tới Vũ Hán.
“Tầm ảnh hưởng của ngoại giao Chiến lang đã trở nên sâu rộng, sau khi giới lãnh đạo ủng hộ áp dụng “chiến lược tranh đấu” trong đó liên tục kêu gọi tinh thần “dám chiến đấu” để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc” – Chen Daoyin, nhà phê bình chính trị và cựu Giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị và Luật tại ĐH Thượng Hải, nói.
Ẩn ý chiến lược của Trung Quốc đằng sau mẫu tàu ngầm "tàng hình” mới là gì?
Trong khi các nhà quan sát tranh luận xem hướng tiếp cận này là tốt hay xấu cho hình ảnh của Trung Quốc, họ cho rằng kiểu ngoại giao Chiến lang đang dần thống trị là do những sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác, đặc biệt là với Mỹ.
“Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quóc ngày nay về cơ bản là đã thay đổi, khi Tổng thống Joe Biden tiếp tục chèn ép Trung Quốc, thậm chí còn mạnh tay hơn kể từ khi ông nhậm chức, ép Bắc Kinh phải căng mình ra đáp trả” – Zhu Feng, Giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế đến từ ĐH Nanjing, nhận định.
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, Bắc Kinh và Washington liên tục áp đòn trừng phạt lẫn nhau, nhằm vào các cá nhân và ngành công nghiệp nhạy cảm…trong khi bất đồng giữa họ về các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và cả nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đều lâm vào thế bế tắc.
Các nhà hoạch định chính sách và giới quan sát ở Trung Quốc từng hy vọng rằng chính quyền Biden sẽ giúp đảo ngược một số chính sách liên quan tới Trung Quốc dưới thời Donald Trump, như gỡ bỏ hạn chế thị thực cho công dân Trung Quốc…Nhưng trong những tháng qua, căng thẳng giữa hai nước càng tăng do các đòn trừng phạt lẫn nhau, lần gần đây nhất là do vụ máy bay quân sự Mỹ đáp xuống Đài Loan và Washington quy tụ đồng minh cử chiến hạm tới Biển Đông.
“Trung Quốc và Mỹ đã bước vào giai đoạn cạnh tranh giữa các cường quốc, có nghĩa rằng cuộc đấu tranh chiến lược của họ sẽ trở thành những hiện tượng kéo dài” – Zhu nói – “Sự thù địch ngày càng tăng đa rút cạn sự tôn trọng lẫn nhau, sự khiêm tốn và lòng tin giữa các nhà ngoại giao cấp cao của cả hai nước”.
Trung Quốc dùng thể thao như "sức mạnh mềm" để tăng tầm ảnh hưởng như thế nào?
Hình ảnh Trung Quốc bị tổn hại do “Chiến lang”?
Trong suốt nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã áp dụng 2 kiểu thông điệp khác nhau cho cộng đồng trong và ngoài nước để tăng cường hình ảnh của đất nước, với chỉ đạo rằng các cơ quan phát hành và truyền thông nên sử dụng giọng điệu hòa bình, khiêm nhường – được gọi tên là “Ngoại giao Gấu trúc”.
Vào năm 2009, nhân kỷ niệm quốc khánh lần thứ 60, Bắc Kinh đổ nguồn ngân sách lớn cho hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước ra cộng đồng quốc tế. Họ chi tới 45 tỉ NDT (7 tỉ USD) chỉ riêng trong năm đó để mở rộng các tổ chức truyền thông của họ ở nước ngoài.
Trong những năm sau đó, Bắc Kinh chi thêm khoảng 10 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ mạng lưới truyền thông toàn cầu của họ; theo báo cáo của The Economist năm 2017, được dẫn lại bởi nhà khoa học chính trị David Shambaugh đến từ ĐH George Washington.
Tuy nhiên, kiểu “Ngoại giao Gấu trúc” truyền thống đã bị thay thế bởi “Ngoại giao Chiến lang” kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc đã bước vào “một kỷ nguyên mới để xây dựng một đất nước hùng mạnh” vào năm 2017.
“Kiểu ngoại giao hung bạo mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc có từ trước chính quyền Donald Trump – nó luôn tồn tại. Điều khác ở đây chính là những người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ăn nói mạnh miệng hơn, mang tính dân tộc chủ nghĩa và hay mỉa mai hơn trong những năm gần đây” – Shambaugh nói với SCMP.
Kết quả cuộc thăm dò gần đây nhất mà Pew Research Centre công bố ngày 30/6 vừa qua cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong số các nền kinh tế tiên tiến nhất ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương đang ở mức cao kỷ lục, trong khi quan điểm tích cực về nước Mỹ đã tăng dần kể từ khi ông Biden đánh bại Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo bản thăm dò được thực hiện với gần 19.000 người lớn ở 17 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2021, lòng tin đối với Chủ tịch Tập Cận Bình rơi vào khoảng 12 – 36% ở 16 nước được thăm dò – mức thấp gần như kỷ lục, chỉ ngoại trừ ở Singapore – trong khi lòng tin đối với ông Biden đạt mức trung bình là 73%.
“Trung Quốc đang đầu tư cho “tuyên truyền bên ngoài”, trong đó có ngoại giao quần chúng, nhưng phần lớn là phí tiền hao của. Chiến dịch này đã thất bại trong việc tăng cường hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài, thực ra là gây hại” – Shambaugh nói – “Ngoại giao Chiến lang hoàn toàn không phải một hướng tiếp cận tốt đối với Trung Quốc – nó gây tổn hại đối với vị trí của Trung Quốc trên trường quốc té và tạo nên hình ảnh rất tiêu cực. Đó không phải là cách cư xử của một cường quốc có trách nhiệm và ôn hòa”.
Trung Quốc đang thực thi “kế hoạch lớn” nhằm lật đổ vị trí “Số 1” của Mỹ?
“Gấu trúc” đối đầu “Chiến lang”
Trong một phiên họp đảng hồi cuối tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Bộ Chính trị đưa ra cách thức tốt hơn để giao tiếp với cộng đồng quốc tế, và phải “đáng tin cậy hơn, đáng mến hơn và đáng tôn trọng hơn”. Một số nhà quan sát cho rằng đây là tín hiệu Trung Quốc muốn kiềm chế bớt chiến thuật Chiến lang.
Tuy nhiên, Deng Yuwen – cựu chủ biên tờ Study Times, hiện đang là nhà phân tích ở Mỹ - nói rằng việc thúc đẩy ngoại giao Chiến lang lấy động lực từ chính sự đối đầu và cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh trên mọi mặt trận, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc được những người yêu nước ở nước này ngợi khen mỗi khi đối đáp cứng rắn với phía Mỹ.
Zhu cho rằng Trung Quốc nên được tiếp tục duy trì ngoại giao Chiến lang khi đối phó với Mỹ, nhưng đối với các nước khác thì “ngoại giao Gấu trúc nên được áp dụng, bằng không sẽ mất thêm những người bạn”.
Một nguồn tin thân Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói với SCMP rằng sự khác biệt trong kiểu cách đối đáp của hai cơ quan này phản ánh rõ sự chia rẽ giữa họ.
“Bộ Ngoại giao vốn nổi tiếng là hay đưa ra những phát ngôn diều hâu kiểu Chiến lang – họ thậm chí còn chỉ trích Quân đội Trung Quốc (PLA) là quá “mềm mỏng và yếu đuối” khi đối phó với Mỹ” – nguồn tin này cho hay – “PLA đã nêu quan ngại của họ với Chủ tịch Tập về kiểu ngoại giao Chiến lang mà Bộ Ngoại giao áp dụng, nói rằng họ sẽ không “chịu trách nhiệm” cho những phát ngôn vô trách nhiệm của họ”.
Yogesh Gupta – cựu Đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và là chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn – nói rằng hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế đã chịu tổn thất kể từ khi áp dụng ngoại giao Chiến lang.
Theo SCMP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu