Mỹ ra mắt dự luật “tước bỏ hiện trạng thương mại bình thường vĩnh viễn” của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa Mỹ vừa đưa ra một dự luật nhằm tước bỏ hiện trạng thương mại bình thường vĩnh viễn mà Washington có với Bắc Kinh suốt 2 thập kỷ qua.
Tom Cotton cho rằng Trung Quốc làm tăng mạnh sự thất thoát công ăn việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ (Ảnh: Bloomberg)
Tom Cotton cho rằng Trung Quốc làm tăng mạnh sự thất thoát công ăn việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ ra Trung Quốc như nguyên nhân khiến Mỹ mất nhiều công ăn việc làm trong ngành sản xuất và cáo buộc nước này có tình trạng lao động ép buộc, thượng nghị sĩ Tom Cotton (Arkansas), Jim Inhofe (Oklahoma) và Rock Scott (Florida) đã đề xuất lại “Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc”, trong đó sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ mỗi năm phê duyệt lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Dự luật còn cho Quốc hội Mỹ quyền lực bỏ qua quyết định của Tổng thống.

Hiện trạng thương mại của Trung Quốc “đã làm tăng mạnh sự thất thoát công ăn việc làm trong ngành sản xuất Mỹ”, ông Cotton nói. “Giờ đã đến lúc bảo vệ công ăn việc làm của Mỹ và bắt chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm vì các trại lao động ép buộc và vi phạm nhân quyền của họ”.

Quy chế Quan hệ Bình thương Vĩnh viễn (PNTR) được Quốc hội Mỹ thông qua và sau đó được ký thành luật bởi Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000, cho phép Trung Quốc và Mỹ hưởng quan hệ thương mại song phương theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Cotton cùng nhiều nhà lập pháp khác – những người nỗ lực không ngừng để trừng phạt Trung Quốc vì các chính sách của nước này – đã liên tục gây sức ép để chính quyền Tổng thống Joe Biden duy trì quan điểm cứng rắn trước Bắc Kinh.

Dưới thời Tổng thống Clinton, Ngoại trưởng Madeleine Albright – trong lúc thúc đẩy việc thông qua PNTR tại Thượng viện vào năm 2000 – nói rằng đây là “quyết định đúng đắn của nước Mỹ” và rằng “việc Trung Quốc gia nhập WTO cùng việc mở rộng PNTR cho Trung Quốc sẽ giúp đặt nền tảng xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp trong những năm tới đây”.

5 năm sau đó, Ngoại trưởng Robert Zoellick dưới thời Tổng thống George W. Bush, đưa ra tranh luận rằng tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc và kéo nước này tới gần hơn với hệ thống quốc tế sẽ biến Bắc Kinh trở thành một bên tham gia “có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, những năm sau đó, Washington ngày càng bất bình trước những chính sách của Bắc Kinh về nhân quyền và thương mại, khiến cho nhiều nhà lập pháp bất đồng với quan điểm cho rằng: quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ giúp biến nước này thành một đồng minh gần gũi của Mỹ.

“Cách đây 20 năm tôi đã từng nói điều này, và giờ sẽ nói lại một lần nữa: Chúng ta không thể cho phép việc theo đuổi thương mại làm mờ mắt chúng ta, trước những thực tế rõ ràng về chính quyền Trung Quốc”, ông Inhhofe nói. “Chấm dứt quan hệ thương mại ưu tiên vĩnh viễn với Trung Quốc sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới chính quyền Trung Quốc và giúp hỗ trợ công nhân Mỹ”.

Dự luật này được đưa ra ngay trong lúc chính quyền Tổng thống Biden chuẩn bị có cuộc họp cấp cao đầu tiên với Bắc Kinh kể từ khi ông Mike Pompeo gặp ông Dương Khiết Trì ở Hawaii hồi tháng 6 năm ngoái.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì trong hôm 19/3 đã bắt đầu 2 ngày họp ở Anchorage, Alaska, cuộc họp đầu tiên giữa hai quan chức cấp cao của hai nước kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tham gia hội nghị.

Bộ ba nhà lập pháp Cotton, Inhofe và Scott đã ủng hộ hàng loạt dự luật nhằm vào Trung Quốc trong những năm gần đây, trong lúc quan hệ song phương suy giảm nhanh chóng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Những nỗ lực trước đây của ông Cotton bao gồm một dự luật cho phép người dân Mỹ kiện Trung Quốc lên tòa án liên bang vì tổn thất của họ do COVID-19. Dự luật không được Thượng viện thông qua.

Một số động thái khác còn đáng chú ý hơn, như “Đạo luật Yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm”, được đưa ra bởi ông Cotton và Scott, sau đó được Tổng thống Trump thông qua hồi năm ngoái, trong đó quy định các công ty nước ngoài phải được liệt vào danh sách kiểm toán tài chính của Mỹ.

Tháng trước, Hạ viện Mỹ cũng đưa ra một dự luật nhằm cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa có nguồn gốc từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, do quan ngại về các trại lao động ở đây.