Mỹ, Nhật Bản chỉ đích danh Trung Quốc và những hành động “đe dọa, hung hăng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Mỹ và Nhật Bản đã cảnh báo Trung Quốc về “hành động đe dọa và hung hăng” sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước gặp gỡ ở Tokyo hôm 16/3.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AFP)

“Trung Quóc đã sử dụng sự đe dọa và hung hăng để làm xói mòn sự tự trị ở Hong Kong, công kích nền dân chủ ở Đài Loan, lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng một cách có hệ thống, và áp đặt các tuyên bố hàng hải ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

Phát ngôn trên được đưa ra sau khi ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi.

Trong một tuyên bố chung, các vị Ngoại trưởng nói rằng “Mỹ và Nhật Bản nhận thức rõ rằng hành vi của Trung Quốc – không tuân thủ trật tự quốc tế hiện tại – đã làm nảy sinh nhiều thách thức về mặt chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ”. Họ thêm rằng sẽ tiếp tục “cam kết trong việc phản đối những hành vi đe dọa và gây bất ổn đối với các bên khác trong khu vực”.

Cuộc họp giữa 4 vị Bộ trưởng tiếp nối sau một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tuần trước, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - gọi là nhóm “Bộ tứ Kim cương”, được hình thành nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Những sự kiện này đều được giới phân tích xem như một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm củng cố các khối đồng minh trong khu vực, và dường như “làm nóng” cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc sắp tổ chức ở Alaska trong hôm 18/3.

Trong cuộc họp báo chung ở Tokyo, ông Blinken nói rằng các vị Bộ trưởng “nhất trí về tầm nhìn một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do, nơi mà các nước tuân thủ quy định, hợp tác ở bất cứ đâu họ có thể, và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình; và đặc biệt là chúng tôi sẽ phản ứng nếu Trung Quốc sử dụng hành vi đe dọa và hung hăng”.

Ông Motegi nói: “Chúng tôi nhất trí rằng, những hành động của Trung Quốc đi ngược lại trật tự quốc tế hiện hành và làm nảy sinh vô số thách thức với khối liên minh Nhật-Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế”.

Các vị Bộ trưởng đặc biệt nhắc tới một bộ luật mà Trung Quốc mới thông qua, cho phép lực lượng Hải cảnh nước này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài và phá hủy các cơ sở ở vùng biển tranh chấp (Luật Hải cảnh mới) và nói rằng họ đã thảo luận về “cam kết vững chắc” của Washington trong việc bảo vệ Nhật Bản ở biển Hoa Đông – khu vực mà Tokyo đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật đang quản lý.

Trước khi tuyên bố chung được công bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng sự trao đổi giữa Mỹ và Nhật BẢn nên giúp tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực, và không nhằm gây tổn hại lợi ích của bên thứ ba.

Tuy nhiên, tuyên bố chung của các vị Bộ trưởng Mỹ, Nhật Bản dường như sẽ khiến cho cuộc họp Mỹ-Trung sắp tổ chức ở Alaska – trong đó có sự tham dự của Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì – trở nên “khó khăn”, theo các nhà phân tích.

Các nhà phân tích nói rằng quyết định nêu đích danh Trung Quốc trong tuyên bố chung là dideuefraats bất thường, bởi vậy rất có khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.

“Mỹ sẽ bước vào cuộc họp đó trong khi vừa nêu rất rõ ràng rằng họ sát cánh với các đồng minh của mình trong khu vực, cả về mặt kinh tế, ngoại giao lẫn quân sự; và rằng hành vi của Trung Quốc là không thể chấp nhận được đối với Mỹ, các đồng minh và bạn bè của họ” – Stephen Nagy, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH International Christian ở Tokyo, nhận định.

“Đó sẽ là một cuộc thảo luận cực kỳ khó khăn. Tuyên bố chung đã nhấn rất mạnh vào hành vi của Trung Quốc - đó là điều bất thường bởi một quốc gia thường không được nêu đích danh trong một tuyên bố chung chính thức như vậy”; ông Nagy nói thêm.

Nhật Bản và Mỹ cũng tận dụng tuyên bố chung của họ để thể hiện “quan ngại sâu sắc” trước tình trạng bất ổn ở Myanmar và tìm cách hoàn thành việc giải giáp hạt nhân ở Triều Tiên.

Theo SCMP