Theo sử sách, nghề chế biến Mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam được hình thành từ những năm của thế kỷ XV, gắn với lịch sử mở cõi của các Chúa Nguyễn về phương Nam, gắn với bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở.
Mỳ Quảng là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian và sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực.
Đây là món ăn hiếm hoi có thể “chiều” được tất cả các kiểu khách; món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam; đồng thời thể hiện rõ nét, sinh động của đặc tính ẩm thực văn hoá đặc sắc của Quảng Nam từ xưa đến nay.
Tại sự kiện Hội nghị APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Mỳ Quảng được chọn làm món ăn trong yến tiệc phục vụ các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị đã phần nào minh chứng cho những giá trị văn hoá ẩm thực của Mỳ Quảng.
Quảng Nam sở hữu 13 Di sản phi vật thể quốc gia
Với quyết định công nhận của Bộ VH-TT&DL, hiện Quảng Nam có 13 Di sản phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát bả trạo; Nghệ thuật Bài Chòi; Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu; Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Tân’tung Da ’dá của người Cơ Tu; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Nghi lễ dựng Cây nêu và bộ Gu của người Co; Nói lý, hát lý của người Cơ Tu; Nghề mộc Kim Bồng; Nghề khai thác yến sào Thanh Châu; Lễ hội Bà Thu Bồn; Lễ hội Bà Phường Chào; Lễ Tết Nguyên tiêu ở Hội An; Tết Trung thu ở Hội An và Mỳ Quảng.