Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho hay 2 tàu khu trục của họ - JS Kaga và JS Murasame – cùng một tàu ngầm lớp Oyashio đã tham gia cùng với tàu khu trục lớp Aegis, USS Milius, của Mỹ để tham gia cuộc tập luyện diễn ra từ ngày 16/11. Cuộc tập huấn chung cũng bao gồm nhiều máy bay trực thăng SH-60J của Nhật, cùng máy bay tuần tra của hai nước.
3 khu trục hạm nói trên đã từng tham gia vào một cuộc tập trận khác trên Biển Đông vào tuần trước, và các tàu của phía Nhật Bản cũng tới thăm cảng ở Philippines trong khoảng thời gian cuối tuần trước, sau đó cùng với tàu BRP Jose Rizal của Philippines tham gia tập trận chung ở vịnh Subic.
Cuộc tập huấn diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tăng cường sức ép với Bắc Kinh, do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn khu vực Biển Đông. Đầu năm nay, Nhật Bản đã gửi công hàm lên LHQ, nói rằng việc Trung Quốc “vẽ đường cơ sở phân chia lãnh hải trên Biển Đông” không tuân thủ những điều kiện trong Công ước của LHQ về Luật biển 1982.
Trung Quốc đã liên tục cảnh báo Tokyo về những hành động có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước, và chỉ trích Nhật là đang chịu ảnh hưởng của Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tăng cường hợp tác quân sự với Nga để chống lại sức ép của Mỹ và các đồng minh. Tháng trước, Hải quân Trung Quốc và Nga đã thực hiện cuộc tuần tra chung trên biển đầu tiên, tàu hai nước gần như đi một vòng xung quanh Nhật Bản.
Collin Koh – chuyên gia nghiên cứu đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore – nói rằng cuộc tập trận chống ngầm chung giữa Mỹ và Nhật Bản không có gì bất ngờ với Bắc Kinh, thêm rằng tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản đã từng tham gia các cuộc tập trận ở các vùng biển tranh chấp.
“Bởi vậy, cuộc tập trận chống ngầm ở Biển Đông có sự tham gia của một tàu ngầm của Nhật đại diện cho một bước tăng cường” – ông Koh nói – “Điều này có thể gây khó khăn hơn cho các hoạt động chống ngầm của Trung Quốc trong khu vực, bởi họ cũng đang tăng cường khả năng chống ngầm. Nhưng tôi không nghĩ rằng cuộc tập trận này gây báo động.”
Vị chuyên gia nói rằng quân đội Trung Quốc “có lợi thế sân nhà” khi xây dựng sức mạnh quân sự ở các vùng biển tranh chấp xung quanh, và hiện vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có thường xuyên triển khai tàu ngầm tới khu vực này trong tương lai hay không.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu