Mỹ ghét cay ghét đắng Putin vì không chịu thần phục (II)

VietTimes -- Theo Unz Review, nhiệm vụ của ông Putin là ngăn chặn đà thắng thế của Mỹ, ngăn chặn các hành vi xâm chiếm và chấm dứt hành vi can thiệp của Mỹ. Ông Putin có lẽ sẽ phải lùi lại một vài bước để tránh một cuộc chiến tranh thế giới mới, nhưng cuối cùng,mục tiêu của ông vẫn rất rõ ràng và hoàn toàn có thể đạt được...
Ông Putin
Ông Putin

(tiếp theo kỳ trước)

Mỹ ghét cay ghét đắng Putin vì không thần phục

Unz Review nhận xét, những phát biểu trên cho thấy những gì mà truyền thông phương Tây dựng lên về Putin hoàn toàn méo mó và vô nghĩa. Một lãnh đạo tin tưởng nền y tế toàn cầu, sự lao động sáng tạo, chấm dứt đói nghèo và đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đối với sự phát triển của con người không thể nào là một kẻ độc tài và sẵn sàng đâm chém những người vô tội. Điều đó thật khó tin và có phần bịa đặt.

Tuy nhiên phần ấn tượng nhất của Putin trong cuộc hội thảo Valdai là khi ông phân tích về sự bất ổn xã hội ở EU và Mỹ, dẫn đến sự phản đối của các lãnh đạo chính trị và các đảng phái. Ông Putin đã nhìn nhận những phát triển này một cách cẩn trọng và phát biểu như sau:

“Với chương trình nghị sự đã được đưa ra như hiện nay, và với cuộc bầu cử Mỹ đã trở thành công cụ để thay đổi, nhưng lại chẳng đưa ra điều gì ngoài những vụ bê bối và đào bới những quá khứ đáng che đậy, hãy nhìn thẳng vào các ứng viên, rõ ràng họ gần như làm từ một khuôn, hầu như không có gì khác biệt.

Hiện nay các nước hiện đại đã có các đặc điểm của nền dân chủ: bầu cử, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, tự do bày tỏ quan điểm. Nhưng thậm chí ngay cả ở những nền dân chủ tiên tiến nhất, phần lớn người dân đều không có ảnh hưởng thực sự đến bộ máy chính trị, và càng không có ảnh hưởng trực tiếp và thật sự đến quyền lực.

Có vẻ như giới tinh hoa không nhận ra sự phân tầng sâu sắc trong xã hội và sự xói mòn của tầng lớp trung lưu đang tạo ra sự bất ổn, có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của công chúng.

Ông Putin đã xây dựng hình ảnh một nước Nga hoàn toàn khác với thời người tiền nhiệm B. Yeltsin
Ông Putin đã xây dựng hình ảnh một nước Nga hoàn toàn khác với thời người tiền nhiệm B. Yeltsin

Các nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng mọi người từ các quốc gia khác nhau và các lục địa khác nhau đều có xu hướng nhìn tương lai ảm đạm và đen tối. Điều này thật đáng buồn. Tương lai không hấp dẫn con người mà lại khiến con người sợ hãi. Đồng thời, người dân cũng không nhìn thấy cơ hội hay phương tiện để thay đổi bất kỳ điều gì, để gây ảnh hưởng đến các sự kiện và định hình các chính sách.”

Ông Putin cho rằng chủ nghĩa dân túy đã đánh bại nền quản lý hiện nay. Vấn đề nằm ở việc người dân đã mất lòng tin vào tầng lớp cầm quyền chứ không phải là ở sự trỗi dậy của chủ nghĩa này.

“Công chúng ngày càng cảm nhận sự cách biệt gia tăng giữa lợi ích của họ và tầm nhìn của lãnh đạo về con đường mà họ chọn. Kết quả là các cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử đã ngày càng khiến chính quyền kinh ngạc. Người dân không bầu cho các lãnh đạo mà truyền thông định hướng cho họ”.

Tóm lại, các phát biểu của ông Putin đã đưa ra những luận điểm quan trọng như sau:

1. Các cuộc bầu cử không còn là công cụ để thay đổi nữa.

2. Nền dân chủ vẫn tồn tại nhưng công chúng không có quyền lực để thay đổi các chính sách hay quá trình hoạch định chính sách.

3. Sự bất lực về chính trị đã dẫn tới sự thất vọng và phẫn nộ trong công chúng. Những phong trào mới và các ứng viên mới xuất hiện và áp dụng các biện pháp cay nghiệt hơn vì các đảng trước đây không còn đại diện cho ý chí của nhân dân nữa.

4. Giới lãnh đạo đã không nhanh nhạy trước sự tức giận sôi sục của xã hội nằm dưới vỏ bọc có vẻ yên ổn.

5. Người dân ngày càng lo sợ tương lai. Một số nơi hầu như không nhìn thấy hy vọng cho chính họ và con cái họ, chưa nói đến đất nước. Sự phân cách giàu- nghèo đã tạo điều kiện cho sự giận dữ của chủ nghĩa dân túy lan rộng.

6.Chiến thắng của ông Trump cho thấy sự phản đối của công chúng đối với tầng lớp chính trị, truyền thông, hệ thống kinh tế và các thể chế cơ bản của nước Mỹ.

Theo một chuyên gia phân tích, những căng thẳng gây ra do sự thay đổi trong phân bổ các ảnh hưởng kinh tế và chính trị đang lớn dần lên. Về cơ bản, quá trình toàn cầu hóa đang rơi vào khủng hoảng, và ở châu Âu nhiều người cho rằng đa văn hóa đã thất bại.

Ông Putin tới thăm một triển lãm quân sự
Ông Putin tới thăm một triển lãm quân sự

“Tình hình hiện nay đa phần là kết quả của những lựa chọn nhầm lẫn, vội vã và quá tự tin mà giới lãnh đạo đưa ra trong hơn một phần tư thế kỷ vừa qua. Quay trở lại thời điểm cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, thời điểm đó không chỉ có cơ hội để thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa mà còn tạo ra sự khác biệt và khiến quá trình này trở nên bền vững và hài hòa hơn.

Nhưng một số nước tự coi mình là người chiến thắng sau Chiến tranh lạnh đã chọn con đường tái định hình trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu để phục vụ cho lợi ích của mình. Theo đó, các nước này từ bỏ các cuộc đối thoại bình đẳng với các nhân tố các trong nền chính trị quốc tế, chọn cách không cải thiện hay sáng tạo các thể chế toàn cầu, thay vào đó cố gắng đưa cả thế giới đi theo các tổ chức, chuẩn mực và quy tắc riêng của họ. Họ chọn con đường toàn cầu hóa và an ninh cho bản thân mình và cho số ít những nước được lựa chọn chứ không phải cho tất cả mọi người”.

Quả thực quá trình toàn cầu hóa đang lâm vào khủng hoảng. Lý do là bởi vì tất cả lợi ích chỉ rơi vào thiểu số những người sáng tạo ra quá trình này. Do đó hiện nay người dân ở Mỹ hay châu Âu đang tức giận và đã viện đến những biện pháp hết sức tuyệt vọng để tái khẳng định sự kiểm soát đối với hệ thống. Đó là lý do dẫn đến sự kiện Brexit hay chiến thắng của ông Trump. Đó cũng là điều Macron và Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang phải đối mặt. Ba ví dụ trên đều là biểu hiện của sự thịnh nộ trong lòng những nhà dân túy. Mục đích của các sự kiện này là nhằm vào giới tinh hoa, những người áp đặt hệ thống của họ lên nhân dân, hạ thấp mức sống và gây ra mất an ninh về kinh tế, làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia.

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ không dễ trở nên êm thuận như kỳ vọng sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ không dễ trở nên êm thuận như kỳ vọng sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Theo ông Putin, sự xáo trộn hiện nay trong lòng xã hội phương Tây bắt nguồn từ sự tan rã của Liên Xô. Lãnh đạo phương Tây coi đó là đèn xanh để theo đuổi các mục tiêu toàn cầu và áp đặt các mô hình kinh tế tân tự do lên thế giới. Quá trình này càng được đẩy mạnh sau sự kiện 11/9. Cuộc khủng bố vào tòa tháp đôi ở New York đã trở thành sự kiện khởi đầu cho việc giảm bớt các quyền tự do dân sự, tăng cường quyền hành pháp và bắt đầu một cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Vì không bị cản trở bởi bất kỳ đối thủ lớn nào, Mỹ đã tự do áp đặt hệ thống lên toàn thế giới, vẽ lại bản đồ Trung Đông, can thiệp vào các nước Trung Á và lật đổ chế độ thế tục ở bất cứ nơi nào.

Unz Review nhận định, hiện nay sau 27 năm, Mỹ đã bị ngáng trở trên con đường thay đổi chế độ ở Syria và Ukraine. Một số trung tâm kinh tế mới đang trỗi dậy, các liên minh chính trị mới đang hình thành, và chính quyền Mỹ đang bị thách thức công khai.

Theo Unz Review, nhiệm vụ của ông Putin là ngăn chặn đà thắng thế của Mỹ, ngăn chặn các hành vi xâm chiếm và chấm dứt hành vi can thiệp của Mỹ. Ông Putin có lẽ sẽ phải lùi lại một vài bước để tránh một cuộc chiến tranh thế giới mới, nhưng cuối cùng,mục tiêu của ông vẫn rất rõ ràng và hoàn toàn có thể đạt được, đó là chiến tranh phải chấm dứt, nền an ninh toàn cầu phải được thiết lập lại và mọi người phải được sống trong tự do và hòa bình.