Mỹ chính thức bán 1,8 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan và quản chế thêm 6 cơ quan báo chí Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt bán 3 loại vũ khí tiên tiến cho Đài Loan  trị giá hơn 1,8 tỉ USD. Phía Đài Loan sáng 22/10 cho biết đã được Mỹ thông báo. Cùng ngày, thêm 6 cơ quan báo chí Trung Quốc ở Mỹ bị quản chế.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS được Mỹ bán cho Đài Loan (Ảnh: Dwnews).
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS được Mỹ bán cho Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 22/10, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/10 đã phê duyệt bán 3 loại vũ khí thiết bị tối tân cho Đài Loan và đã chính thức thông báo cho Quốc hội, dự kiến ​​sẽ có hiệu lực sau một tháng. Bộ Quốc phòng Đài Loan sáng 22 tuyên bố trong một thông cáo báo chí, căn cứ “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và “Sáu điều đảm bảo”, Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, đây là cơ sở để duy trì ổn định khu vực.

Các vũ khí và thiết bị được bán lần này sẽ giúp Đài Loan xây dựng khả năng tác chiến đáng tin cậy để tự vệ và tăng cường phát triển sức mạnh tác chiến phi đối xứng; đồng thời cũng cho thấy Mỹ rất coi trọng vị trí chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và eo biển Đài Loan, tiếp tục củng cố quan hệ đối tác an ninh để cùng duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng đã bày tỏ lòng biết ơn.

135 tên lửa tấn công mặt đất tầm xa SLAM-ER được Mỹ bán cho Đài Loan lần này (Ảnh: Dwnews).

135 tên lửa tấn công mặt đất tầm xa SLAM-ER được Mỹ bán cho Đài Loan lần này (Ảnh: Dwnews).

Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh rằng tất cả các giao dịch mua vũ khí thiết bị quân sự của nước ngoài đều cần được Viện lập pháp (nghị viện) phê duyệt và phân bổ ngân sách trước khi ký đề nghị và thực hiện các giao dịch mua tiếp theo.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng chỉ ra rằng họ đã chính thức nhận được thông báo từ chính phủ Mỹ về việc bán một lô vũ khí phòng thủ cho Đài Loan. Đây là lần thứ tám Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan để tăng cường và duy trì khả năng phòng thủ của Đài Loan trong nhiệm kỳ của ông. Việc này vô cùng hữu ích đối với việc Đài Loan nâng cao năng lực giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực, Bộ Ngoại giao Đài Loan hoan nghênh và bày tỏ cám ơn.

Thông cáo báo chí của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Bộ Quốc phòng Mỹ (DSCA) chỉ ra rằng 3 loại vũ khí trang bị tiên tiến được Mỹ bán cho Đài Loan lần này bao gồm 135 tên lửa tấn công mặt đất tầm xa mở rộng cự ly phản ứng AGM-84H/K SLAM-ER, 11 hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và 6 thùng hệ thống trinh sát đa phổ MS110 dùng cho máy bay chiến đấu F-16.

Các thùng trinh sát đa phổ trang bị cho F-16 cũng được Mỹ bán cho Đài Loan lần này (Ảnh: Dongfang).

Các thùng trinh sát đa phổ trang bị cho F-16 cũng được Mỹ bán cho Đài Loan lần này (Ảnh: Dongfang).

Thông cáo báo chí chỉ ra rằng vụ mua bán vũ khí này là để hỗ trợ Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe, giúp cải thiện an ninh của Đài Loan, duy trì sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế ở eo biển Đài Loan; đồng thời nhấn mạnh rằng vụ bán vũ khí này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan, phù hợp lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của nước Mỹ.

Cũng theo Dongfang, cùng ngày 21/10 (theo giờ Washington), Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định tuyên bố coi 6 chi nhánh tại Mỹ của các cơ quan truyền thông Trung Quốc là “sứ đoàn ngoại giao” (cơ quan đại diện ngoại giao). 6 cơ quan báo chí này bao gồm các tờ “Nhất tài toàn cầu”, “Giải phóng Nhật báo”, “Tân Dân vãn báo”, “Bắc Kinh Chu báo”, “Kinh tế Nhật báo”Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Cuộc đấu về truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt (Ảnh: Dwnews).

Cuộc đấu về truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt (Ảnh: Dwnews).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã giải thích, “những cơ quan truyền thông này bị Bắc Kinh khống chế và có thể tự do đăng tải các nội dung, điều này đã khiến người Mỹ cảnh giác với những tuyên truyền từ ĐCSTQ”.

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách “sứ đoàn ngoại giao” hồi tháng 6 năm nay, ngay lập tức đăng trên Twitter vào đầu giờ ngày thứ Năm (22/10) bản tweet, tuyên bố Trung Quốc sẽ tiến hành trả đũa Mỹ.

Ông Hồ Tích Tiến cho rằng những hạn chế mới nhất của chính phủ Mỹ sẽ càng làm đầu độc môi trường làm việc của giới truyền thông hai nước tại các quốc gia. Chỉ cần các cơ quan truyền thông Trung Quốc bị tổn hại về mặt thực chất, Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa và hoạt động kinh doanh của các cơ quan truyền thông Mỹ tại Hồng Kông có thể nằm trong danh sách bị Trung Quốc trả đũa.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố tin tức trên vào thứ Tư (21/10) và nói rằng Mỹ sẽ bắt đầu đối thoại với EU về Trung Quốc vào thứ Sáu (23/10). Truyền thông quốc tế chỉ ra rằng, đây là biện pháp mới nhất của Mỹ nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc tại Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Trong tháng 2 và tháng 6, Mỹ đã liên tiếp coi 9 cơ quan báo chí Trung Quốc bao gồm Tân Hoa xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), Công ty phát hành Trung Quốc Nhật báo (China Daily), Tổng công ty Phát triển Hải Thiên, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Hãng Tin tức Trung Quốc (CNS), Nhân dân Nhật báoThời báo Hoàn cầu là các cơ quan đại diện ngoại giao. Hồi tháng 3, Mỹ cũng yêu cầu giảm số lượng nhà báo Trung Quốc được phép làm việc trong các phương tiện truyền thông ở Mỹ từ 160 xuống còn 100 người.

Bản tweet của ông Hồ Tích Tiến đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa thích đáng việc Mỹ hạn chế các cơ quan báo chí của Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Bản tweet của ông Hồ Tích Tiến đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa thích đáng việc Mỹ hạn chế các cơ quan báo chí của Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Các cơ quan truyền thông này được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và không phải là các cơ quan báo chí độc lập. Sau khi bị coi là “sứ đoàn ngoại giao”, họ phải tuân thủ các yêu cầu tương tự các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài tại Mỹ; bao gồm phải báo cáo danh sách nhân viên và việc bổ nhiệm hay bãi miễn nhân sự, đăng ký tài sản hiện có ở Mỹ và cũng phải được phê duyệt trước khi mua hoặc cho thuê tài sản.

Mỹ cũng tiến hành hạn chế các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc trên đất Mỹ. Từ tháng trước, khi các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tổ chức các hoạt động với hơn 50 người trong khuôn viên các trường đại học Mỹ hoặc ở những nơi bên ngoài đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, đều phải nhận được sự đồng ý trước của Mỹ.