"Mỹ đang cân nhắc hàng loạt lựa chọn. Chúng tôi đã thông báo vắn cho Tổng thống vài lần, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho ông. Chúng tôi tự tin rằng mình có thể đưa ra nhiều hành động giúp phục hồi khả năng đánh chặn" - ông Pompeo nói trong buổi phỏng vấn với kênh CBS.
Khi được hỏi rằng liệu biện pháp đáp trả bằng vũ lực có nằm trong các lựa chọn hay không, ông Pompeo trả lời rằng "đương nhiên!".
"Tổng thống sẽ cân nhắc về mọi thứ mà chúng ta cần phải làm. Nhưng Tổng thống đã nói thế nào? Chúng ta không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân" - ông Pompeo nói thêm - "Tổng thống Trump cũng nói rất rõ ràng rằng ông không muốn lao vào một cuộc chiến".
Bình luận của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tột độ trên vùng biển ở Trung Đông, nơi mà 2 tàu vận tải - 1 chở dầu và 1 chở hóa chất - bị tấn công ở vị trí gần eo biển chiến lược Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới vốn là điểm nóng trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua. Khoảng 30% tổng lượng dầu thô chuyên chở bằng đường biển đi qua eo biển này mỗi ngày, khiến nó trở thành điểm nóng trong các xung đột về chính trị và kinh tế.
Chính quyền Iran liên tiếp bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đứng đằng sau vụ tấn công. Trong khi Mỹ liên tục tung ra bằng chứng buộc tội Iran tấn công các tàu trên Vịnh Oman, công bố một đoạn video cho thấy một tàu tuần tiễu Iran đang gỡ bỏ một trái mìn bám chưa nổ từ thân của 1 trong 2 tàu bị tấn công.
Trong cuộc phỏng vấn khác với kênh Fox New cuối tuần trước, ông Pompeo một lần nữa nhắc lại rằng ông "không thể nhầm lẫn" khi nói rằng Iran thực hiện vụ tấn công "với ý định rõ ràng là để ngăn chặn tuyến hàng hải quan trọng".
Đáng chú ý, cũng trong hôm cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nói - ngay trước khi các cuộc phỏng vấn ông Pompeo được phát sóng - rằng Mỹ có thể đã thực hiện "những hành động phá hoại" nhằm vào 2 tàu chở dầu ở biển Oman để rồi đổ lỗi cho Iran, gây sức ép cho Iran.
Ông Larijani còn châm chọc phát ngôn của ông Pompeo, người đã kêu gọi Iran trở lại bàn đàm phán.
"Hành động khuấy động một cuộc đối đầu với một quốc gia bằng kiểu khủng bố kinh tế mà họ gọi là hà khắc nhất có thể gọi là ngoại giao sao?" - ông Larijani đặt câu hỏi - "Thưa ông Pompeo, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có phải là ngoại giao?".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobia Ellwood cũng lên tiếng thể hiện rằng "căng thẳng" với Iran là "mối quan ngại với tất cả chúng ta" trong cuộc phỏng vấn với hãng Sky News. Ông nói rằng dù hiểu rõ sự bất bình của Iran với thỏa thuận hạt nhân. Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cũng nói rằng họ "gần như chắc chắn" rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đứng đằng sau vụ tấn công.
Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cũng đổ lỗi cho Iran gây ra vụ tấn công tàu, kêu gọi cộng đồng quốc tế "đưa ra quan điểm cứng rắn đối với một chính quyền ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, giết chóc và phá hủy".
Khi được hỏi về quyền hợp pháp được phát động tấn công Iran, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng chính quyền "luôn" có quyền "bảo vệ các lợi ích của Mỹ".
Trong Hiến pháp Mỹ, Điều I quy định Quốc hội có quyền tuyên bố chiến tranh, trong khi Tổng thống có quyền chỉ đạo lực lượng quân đội ghi rõ trong Điều II. Trước đây, trước thời điểm Mỹ bắt đầu cuộc chiến ở Iraq, nỗ lực để thông qua Đạo luật Cho phép sử dụng sức mạnh quân sự (AUMF) ở Quốc hội trở thành vấn đề gây chia rẽ, và nó cũng từng gây chia rẽ một lần nữa trong lúc Mỹ thực hiện chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Và cuối cùng thì Quốc hội Mỹ chưa từng tổ chức bỏ phiếu về AUMF trong cuộc chiến chống IS.
Ông Pompeo cũng nói rằng "Tổng thống Trump đã nỗ lực hết sức có thể để tránh chiến tranh - chúng tôi không muốn chiến tranh", thêm rằng, "Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn điều đó. Người Iran nên hiểu rõ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra hành động để ngăn chặn Iran có hành vi kiểu này".
Trong hôm nay, Iran dự kiến sẽ đưa ra thông tin quan trọng liên quan tới việc rút lui khỏi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân - còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - theo hãng thông tấn Tasnim của nước này.