Lại thêm "nguồn tin tình báo"
Quân đội Mỹ trong tuần này công bố một đoạn video đen trắng để chứng minh điều mà giới chức quân sự nước họ cáo buộc rằng Iran sử dụng tàu tuần tiễu cỡ nhỏ để gỡ bỏ một trái mìn chưa nổ khỏi thân 1 trong 2 tàu bị tấn công nhằm hủy bằng chứng. Việc nhanh chóng công khai hình ảnh mật như vậy trước công chúng là động thái cực kỳ hiếm thấy của Mỹ, dù chưa thể chứng minh rằng Tehran đứng đằng sau vụ tấn công.
Đáng chú ý trong loạt sự kiện này là chính thế tiến thoái lưỡng nan của ông Trump. Nếu không đưa ra phản ứng về vụ tấn công, các hành động tương tự có thể tiếp diễn trong những ngày tới. Còn nếu lựa chọn hành động quân sự như đánh chìm một vài tàu nhỏ của quân đội Iran - vốn thường xuyên quấy rối tàu Mỹ trong khu vực - Tehran có thể tung ra những đòn tấn công còn ghê gớm hơn.
Nhưng đáp trả bằng hành động quân sự lại có thể gây mất an toàn cho tuyến hàng hải quan trọng, đẩy giá dầu thế giới lên cao, gây ra tổn thất về sinh mạng và gây bất ổn cho một khu vực vốn đã bất ổn. Vịnh Oman, nơi mà vụ tấn công mới đây xảy ra, nằm rất gần eo biển Hormuz trên Vịnh Ba Tư, nơi mà phần lớn lượng dầu của toàn thế giới được vận chuyển qua.
Phía Iran cực lực bác bỏ cáo buộc rằng họ đứng đằng sau vụ tấn công, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại chỉ ra "nguồn tin tình báo" để khăng khăng đổ lỗi cho Iran. Nhưng xét cho cùng thì ông không thể đưa ra bằng chứng cụ thể mà chỉ đưa ra "đánh giá" của chính quyền về vụ việc.
"Đánh giá của chúng tôi dựa trên thông tin tình báo, các loại vũ khí được sử dụng, khả năng chuyên môn cần thiết, các vụ tấn công tương tự của Iran, và thực tế là không có một nhóm ủy thác nào trong khu vực có đủ nguồn lực và kỹ năng để hành động tinh vi đến vậy" - nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói trước báo giới.
Đây chỉ là một trong số những vụ tấn công xảy ra ở Trung Đông mà ông Pompeo chỉ tay về phía Iran. Loạt vụ tấn công này, ông nói, bao gồm vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu hồi đầu tháng cũng trên Vịnh Oman, các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu khí của Arab Saudi, một vụ đánh bom đẫm máu ở Afghanistan và một đòn tấn công bằng rocket nhằm vào Vùng Xanh (Green Zone) ở thủ đô Baghdad của Iraq - nơi có Đại sứ quán Mỹ.
"Xét tổng thể, các vụ tấn công khiêu khích này cho thấy mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, một đòn công kích hiển nhiên nhằm vào tự do hàng hải và là chiến dịch gia tăng căng thẳng không thể chấp nhận mà Iran thực hiện" - ông Pompeo nói.
7 giờ đồng hồ sau cuộc họp báo nọ, Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ - bên quản lý tất cả các lực lượng Mỹ ở Trung Đông - công bố một đoạn video cùng khung thời gian cụ thể mà một máy bay do thám Mỹ ghi lại được sau khi nhận tín hiệu cầu cứu của tàu Nhật Bản Kokuka Courageous. 21 thủy thủ trên con tàu này buộc phải nhảy xuống biển và chèo lên tàu USS Bainbridge của Mỹ. Các thủy thủ Mỹ cho hay họ phát hiện một trái mìn bám gắn trên tàu Kokuka Courageous.
Cùng thời điểm, quân đội Mỹ nói rằng một tàu tuần tiễu thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) - nhánh vũ trang tinh nhuệ của quân đội Iran - áp sát thân con tàu bị tấn công. Đoạn video cho thấy nhiều người trên con tàu nhỏ này tiến đến thân tàu Nhật, một người sau đó đứng lên để gỡ bỏ một vật thể từ thân tàu.
"Vào lúc 4h10 chiều (giờ địa phương), một tàu lớp Gashti của IRGC đã tiếp cận tàu M/T Kokuka Courageous và được trông thấy đang gỡ bỏ một trái mìn bám chưa nổ từ thân tàu này" - Đại tá Bill Urban, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh trung ương, cho hay.
Đoạn video đen trắng này có nội dung trùng khớp một bức ảnh màu cũng được quân đội Mỹ công bố, trong đó cho thấy một trái mìn chưa nổ trước khi nó được gỡ bỏ.
Sau khi tung ra bằng chứng, quân đội Mỹ ra sức lên án hành động của Iran, nhưng đồng thời cũng chỉ ra cách để thoát khỏi tình trạng căng thẳng này. "Mỹ không có lợi ích khi lao vào cuộc xung đột mới ở Trung Đông" - ông Urban nói - "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bảo vệ các lợi ích của mình".
Bức ảnh quân đội Mỹ cung cấp ngày 13/6 cho thấy vết lõm trên thân tàu Kokuka Courageous gây ra do cái mà họ tin là mìn bám (Ảnh: Time)
|
Mỹ đau đầu chọn cách đáp trả
Trên thực tế thì chính quyền Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về cách xử lý vấn đề. Không có gì nghi ngờ khi Mỹ luôn coi là Iran là một "kẻ xấu" nhăm nhe mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông, dù là bằng cách trực tiếp như các lực lượng quân sự của họ và các nhóm chính trị mà Iran hậu thuẫn đã làm ở Iraq, hay bằng cách rót vốn cho các nhóm ủy thác như Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine. Vấn đề là: Mỹ phải đáp trả thế nào?
Một số quan chức quân sự, tình báo, ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng, đáp trả bằng cách thực hiện một đòn tấn công nhằm vào Iran - trong khi đòn tấn công của Iran chưa làm đắm một con tàu nào hay gây tổn thất sinh mạng - có thể khiến tình hình vượt tầm kiểm soát. Dù Iran không thể sánh bằng Mỹ về sức mạnh quân sự, nhưng nếu Mỹ quyết đáp trả cứng rắn, Iran chắc chắn sẽ trả đòn - có thể bằng cách thực hiện các vụ tấn công mạng hay điều các nhóm vũ trang họ hẫu thuẫn tấn công nhiều vị trí.
Sẽ phải mất nhiều thời gian để chứng minh rằng Iran thực sự đứng đằng sau các vụ tấn công kể trên - hoặc không. Và dù cho Mỹ có tìm thấy bằng chứng thật, thì các đòn đáp trả của Mỹ vẫn sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và nhiều nền kinh tế khác - một vị quan chức chính quyền Mỹ giấu tên nói với tạp chí Time.
Một bức ảnh khác cho thấy một trái mìn bám chưa phát nổ (phải) được công bố cùng ngày (Ảnh: Time)
|
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục tăng dần kể từ khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) cách đây 1 năm. Đòn gây sức ép của chính quyền Trump cũng bắt đầu bằng một cuộc khẩu chiến, mà sau đó tăng dần thành một cuộc đối đầu căng thẳng.
Đứng giữa làn sóng này chính là Tổng thống Trump. Trong lúc mà Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ra sức kêu gọi đáp trả cứng rắn với Iran, ông Trump vẫn muốn tránh sử dụng vũ lực. Và một lần nữa, nhiều quan chức trong cộng đồng tình báo, quân đội và Bộ Ngoại giao cảnh báo rằng đáp trả bằng vũ lực sẽ khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.
"Tôi thực sự sốc khi ông Pompeo không tạo điều kiện về thời gian và không gian để thực hiện một cuộc điều tra toàn diện trước khi cáo buộc Iran" - Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nói - "Nếu Iran thực sự có liên quan, thì rõ ràng chiến lược gây sức ép cực đại của ông Trump chỉ khiến cho Tehran hung hăng hơn. Nếu Iran được thanh minh, thì rõ ràng có một bên nào đó đang cố gắng tạo ra một dạng sự kiện Vịnh Bắc Bộ để kích động một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran".
Và dù kịch bản có như thế nào đi chăng nữa thì các đòn đáp trả qua lại giữa Mỹ và Iran cũng sẽ tạo nên một cuộc xung đột không thể vãn hồi.
Nên nhớ IRGC khác với chính quyền dân sự Iran
Tháng trước, ông Trump tuyên bố kế hoạch điều động thêm binh sỹ và hỏa lực tới Trung Đông để đối phó với cái mà chính quyền của ông gọi là "hành vi thâm hiểm" của Iran - nhằm gây tổn hại cho nước Mỹ và các đồng minh của họ. Một nhóm gồm 12 chiến đấu cơ phản lực, các máy bay do thám, hệ thống tên lửa Patriot, 1 máy bay ném bom B-52, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln cùng nhiều trang thiết bị quân sự khác đã được triển khai tới khu vực này từ trước.
Trong vụ việc mới nhất, hải quân Mỹ xác nhận rằng họ tiếp nhận được 2 cuộc gọi cầu cứu từ 2 con tàu bị tấn công - một là tàu MT Front Altair của Na Uy, hai là tàu Kokuka Courageous - từ lúc 6h12 sáng (giờ địa phương). Một số bức ảnh chụp lại hiện trường cho thấy cột lửa lớn bốc lên từ thân tàu, trong khi cột khói đen bốc nghi ngút.
Vẫn chưa rõ làm thế nào mà IRGC có thể tiếp cận tàu Kokuka Courageous như vậy, chưa kể việc rời đi nhanh chóng sau đó. Nhưng nếu "mổ xẻ" chi tiết bên trong trái mìn bám chưa nổ, người ta có thể lần ra bên thực sự đứng đằng sau vụ tấn công này.
Hiện nay, các bằng chứng tường tận bất lợi cho phía Iran đang dần xuất hiện. Vụ tấn công 4 tàu chở dầu hồi tháng trước cũng sử dụng loại mìn bám tương tự. Đô đốc Michael Gilday - Giám đốc Bộ Tham mưu Mỹ - khẳng định trước báo giới tại Lầu Năm Góc hồi tháng trước rằng, IRGC chịu trách nhiệm trực tiếp cho vụ phá hủy 4 tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Khi được đề nghị cung cấp bằng chứng, ông Gilday nói rằng thông tin tình báo mà ông nhận được quá nhạy cảm để có thể công bố.
Một quan chức Mỹ giấu tên nhận định rằng, chính quyền Mỹ cho rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công một phần vì họ tin rằng "chỉ có Iran mới đủ khả năng thực hiện". Dù điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng vị quan chức này khẳng định rằng mìn bám được chế tạo khá đơn giản, giá cũng rẻ và có thể được kích nổ từ xa, hay hẹn giờ như loại bom được đặt dọc đường, mà không cần cơ chế kích nổ phức tạp.
Vị quan chức cũng nhận định rằng, dù rất có khả năng Iran thực hiện vụ tấn công, nhưng cũng nên tiếp nhận những thông tin tình báo tích cực thay vì cứ một mực chỉ tay vào Iran và muốn hành động quân sự. Điều này chỉ khiến căng thẳng gia tăng.
Một một vị quan chức giấu tên khác nói sau cuộc họp báo của ông Pompeo rằng, một vấn đề khác là cần phải phân biệt rõ giữa một bên là lực lượng IRGC và lực lượng Qud, bên còn lại là Chính phủ dân sự Iran. "IRGC là một thực thể độc lập. IRGC hoàn toàn có thể thực hiện các vụ tấn công kiểu này mà không cần chỉ thị từ Tổng thống Hassan Rouhani" - vị quan chức nói với Time.
Thủy thủ trên tàu USS Bainbridge hỗ trợ các thủy thủ tàu Kokuka Courageous (Ảnh: Time)
|
IRGC có đủ động cơ?
Tháng 4 năm nay, chính quyền Trump đã liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. Hành động này sẽ hạn chế các giao dịch ngân hàng và khả năng di chuyển của các thành viên của IRGC. Đây là lần đầu tiên Mỹ liệt một tổ chức quân đội thuộc Chính phủ một nước vào danh sách khủng bố.
"Sau khi bị liệt vào danh sách khủng bố và bị cấm vận, IRGC hoàn toàn có đủ động cơ trong bối cảnh các lệnh cấm vận ảnh hưởng tới các lợi ích kinh tế của họ" - vị quan chức giấu tên nói - "Dường như Iran không có quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội, vậy cách đáp trả như thế nào mới đúng?".
Kể từ sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Trump đã biến hệ thống tài chính toàn cầu thành một thứ vũ khí chống lại Tehran. Chính sách này đã gây ra một cơn bấn loạn, trong đó hàng loạt thể chế tài chính, các tập đoàn rút hết khoản đầu tư của họ ở Iran vì sợ bị Bộ Tài chính Mỹ cấm vận.
Nền kinh tế dựa trên xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã suy yếu kỷ lục, nếu so với thời kỳ đỉnh cao xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 4/2018. Như một hậu quả của các đòn cấm vận mà Mỹ áp đặt, thị trường thế giới thiếu hụt 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nền kinh tế của Iran chịu ảnh hưởng ghê gớm.
"Không có đòn trừng phạt kinh tế nào lại cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo này tấn công thường dân vô tội, làm gián đoạn các thị trường dầu mỏ toàn cầu hay đe dọa bằng hạt nhân" - Ngoại trưởng Pompeo nói - "Cộng đồng quốc tế lên án việc Iran gây phương hại tới tự do hàng hải và nhằm vào thường dân vô tội".
Theo Time