Mức thuế tối thiểu toàn cầu là gì và tại sao lại quan trọng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhóm G7 vừa đạt được thỏa thuận lịch sử về việc các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế doanh nghiệp ít nhất 15%. Vậy mức thuế tối thiểu toàn cầu này là gì?
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tại London, Anh, ngày 4/6/2021.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tại London, Anh, ngày 4/6/2021.

Kết thúc hai ngày thảo luận trực tiếp tại London, hôm 5/6, bộ trưởng tài chính các nước thuộc nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đi đến thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Theo thỏa thuận này, các công ty đa quốc gia phải nộp thuế doanh nghiệp ít nhất là 15% trên lợi nhuận họ thu được tại quốc gia có hoạt động kinh doanh. Mức thuế tối thiểu này được cho là "đủ công bằng để các doanh nghiệp nộp đúng, nộp đủ thuế ở nơi cần nộp", theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak đăng tải trên Twitter.

Tại sao phải đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu?

Thuế doanh nghiệp luôn là vấn đề khiến chính phủ các quốc gia phải đối đầu với các tập đoàn lớn cùng đội ngũ tư vấn thuế dày dặn kinh nghiệm. Một bên luôn muốn thu nhiều hơn, bên kia luôn dùng nhiều chiến thuật để đóng thuế ít nhất có thể.

Các công ty đa quốc gia có thể đăng ký kinh doanh ở những “thiên đường thuế” (tax havens) – những nước có mức thuế thấp và chính sách bảo mật thông tin doanh nghiệp cao, khai báo thuế hợp pháp tại đây và trốn được đáng kể tiền thuế ngay cả khi lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc bán hàng ở các quốc gia khác.

OECD, câu lạc bộ bao gồm 139 thành viên, hầu hết là các nước giàu, năm 2015 đưa ra ước tính rằng việc trốn thuế như vậy mỗi năm cướp đi của ngân sách chính phủ toàn cầu từ 100-240 tỉ USD – tức 4-10% nguồn thu từ thuế doanh nghiệp. Hiện tại, chính sách tài khóa “tất tay” của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 khiến việc thu đủ thuế càng trở thành vấn đề nhức nhối hơn bao giờ hết.

Có thể thấy, khi G7 đạt thỏa thuận về mức thuế toàn cầu tối thiểu, chiến thuật trốn thuế doanh nghiệp bằng cách chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế” không còn thực hiện được nữa.

Bên cạnh đó, thu nhập doanh nghiệp đến từ bằng sáng chế dược phẩm, phần mềm và tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, trước đây đăng ký tại “thiên đường thuế” cũng sẽ trở về đúng quê nhà của doanh nghiệp đang trốn thuế.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được tính trên lợi nhuận các công ty thu được ở nước ngoài. Các chính phủ vẫn có thể đặt ra bất kỳ mức thuế doanh nghiệp nào họ muốn, nhưng nếu các công ty trả mức thuế thấp hơn ở một nước nào đó, chính quyền ở bản quốc (home government) có thể tăng thuế của họ lên mức tối thiểu, loại bỏ lợi thế của việc dịch chuyển dòng lợi nhuận.

Mức thuế chung 15% như G7 thỏa thuận dự kiến sẽ bổ sung thêm một khoản thuế từ 50-80 tỉ USD cho các chính phủ, theo ước tính của OECD.

Thỏa thuận mức thuế chung toàn cầu cũng nhằm mục đích kết thúc “30 năm cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp” khi các nước cạnh tranh nhau giảm thuế để thu hút công ty nước ngoài, theo bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Nhiều năm liền, OECD đã điều phối các cuộc đàm phán về thuế giữa các quốc gia thành viên về các quy định đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới và hạn chế trốn thuế, trong đó cũng đề cập đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Việc G7 đạt được đồng thuận về mức thuế 15% giúp mở ra cơ hội áp dụng mức thuế chung giữa nhiều quốc gia hơn. Nếu đạt được sự đồng thuận rộng rãi, sẽ rất khó để bất kỳ quốc gia có mức thuế thấp nào có thể ngăn chặn thỏa thuận chung này. Dự kiến OECD và nhóm các nền kinh tế lớn G20 rất có khả năng đạt được mục tiêu đồng thuận trên mức thuế tối thiểu toàn cầu vào giữa năm nay.

Tháng trước, OECD cho biết hầu hết các thành viên đã đồng ý thiết kế cơ bản của mức thuế tối thiểu nhưng chưa đưa ra mức thuế chung. Các chuyên gia thuế cho rằng đó là vấn đề hóc búa nhất, mặc dù thỏa thuận G7 đạt được đã tạo ra động lực mạnh mẽ xung quanh mức 15%.

Ai đang chống lại mức thuế chung toàn cầu?

Cuộc họp G20 dự kiến ​​diễn ra ở Venice vào tháng tới sẽ quyết định thỏa thuận của G7 có nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nước đang phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới hay không.

Vẫn còn nhiều điều cần phải được thương thảo - bao gồm cách thức và mức độ áp dụng thuế doanh nghiệp lên các công ty toàn cầu.

Thỏa thuận của G7 còn để ngỏ vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn trong các khu vực pháp lý khác nhau. Về vấn đề này, Mỹ muốn loại bỏ ngay khi áp dụng mức thuế suất chung tối thiểu toàn cầu.

Dù kết quả thế nào, bất kể thỏa thuận chung nào đạt được cũng có tác động lớn với các quốc gia đánh thuế thấp và các thiên đường thuế, đặc biệt là Ireland, quốc gia có nền kinh tế bùng nổ nhờ dòng vốn đầu tư hàng tỉ USD từ các công ty đa quốc gia. Nước này trước nay vẫn luôn chống lại nỗ lực của EU nhằm hài hòa các quy tắc thuế giữa các thành viên, do đó khó có thể dễ dàng chấp thuận mức thuế tối thiểu cao hơn.

Tuy vậy, các nước đang có mức thuế thấp ít có khả năng đàm phám nhằm loại bỏ hoàn toàn mức thuế chung, mà chủ yếu kéo mức này về càng gần 12,5% càng tốt hoặc theo đuổi một số miễn trừ thuế cho mình.

Nguồn tham khảo:

https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/2019/09/tackling-global-tax-havens-shaxon.htm

https://www.reuters.com/business/finance/what-is-global-minimum-tax-what-will-it-mean-2021-06-05/

https://www.economist.com/finance-and-economics/2021/05/13/what-could-a-new-system-for-taxing-multinationals-look-like