Một dự luật độc đáo

Trong lịch sử lập pháp ở Việt Nam có lẽ hiếm khi xuất hiện một dự thảo luật độc đáo đến thế về quy trình và nội dung. Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư, mà trên thực tế chỉ là một danh sách các điều kiện kinh doanh.
Nếu quy định dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, hạn chế các doanh nghiệp nhỏ phát triển, và không đảm bảo mục tiêu cải thiện môi trường k
Nếu quy định dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, hạn chế các doanh nghiệp nhỏ phát triển, và không đảm bảo mục tiêu cải thiện môi trường k

Thứ Bảy, ngày 29-10-2016, là một ngày làm việc rất dài (suốt từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Đến gần năm giờ chiều, bỏ qua các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban soạn thảo mới gửi các bản photocopy dự luật còn nóng hổi tới các đại biểu Quốc hội đã thấm mệt sau cả ngày căng thẳng. Đó là dự luật có tên dài dòng: dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Dự luật này trên thực tế từng là một phần của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh (dự án). Dự án này được khởi nguồn vào thời điểm Chính phủ mới thành lập với tham vọng sửa 12 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, sau tăng lên 15 luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, khi trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-10-2016, dự án đã được rút gọn - chỉ còn sửa ba luật là Đầu tư, Doanh nghiệp và Xây dựng. Ngay hôm đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: “Tôi thấy thực sự không yên tâm khi trình ra Quốc hội với nội dung như hiện nay”.

Song, một “phiên bản” của dự luật lại được đưa ra lấy ý kiến ở Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào ngày 29-10-2016 như nói trên, với hy vọng sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội vào ngày 9-11-2016. Theo đó, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề; bổ sung 15 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nếu như vậy, tổng số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh có ý trách: “Ban đầu đưa ra sửa 12 luật, nay rút gọn xuống còn cái danh mục này. Lẽ ra, danh mục cần đưa sớm để (chúng tôi) có thời gian nghiên cứu thấu đáo... chứ không nên để Ủy ban Kinh tế lâm cảnh “bắc nước, chờ gạo”.

Hầu hết ý kiến của các bên đều tập trung vào ngành nghề số 81 vừa được bổ sung liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô. Đây thực chất là tinh thần của Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Theo tài liệu tại phiên họp, việc bổ sung xuất phát từ đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề; bổ sung 15 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nếu như vậy, tổng số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành.

Thay mặt ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT Trần Hào Hùng cho biết, ngày 8-10-2016, thường trực Chính phủ đã họp với các bộ ngành liên quan, và đã thống nhất bổ sung ngành nghề số 81 này vào danh mục kinh doanh có điều kiện. “Đây là đề xuất của Chính phủ”, ông nói.

Tuy nhiên, một thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không đồng tình: “Nói tất cả đồng ý chưa, thì tôi khẳng định là chưa. Chúng tôi năm lần bảy lượt khẳng định không đồng tình đưa bảo hành bảo dưỡng xe ô tô là kinh doanh có điều kiện”. Ông giải thích, điều này sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, hạn chế các doanh nghiệp nhỏ phát triển, và không đảm bảo mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Ông nói, khi Bộ GTVT ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo hành bảo, bảo dưỡng xe ô tô (Thông tư 19), bộ đã nhận được sự phản ứng rất dữ dội của các doanh nghiệp. “Một lần nữa, đề nghị xem xét không đưa dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông nói tha thiết.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thành viên Ủy ban Kinh tế, nói dù ông thiết tha đưa dự luật vào chương trình kỳ họp, nhưng bác bỏ ngành nghề số 81. “Tôi đề nghị không đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, và bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào danh mục vì đã có đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát. Đừng bắt doanh nghiệp phải một cổ hai tròng nữa”.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, chỉ riêng ô tô Trường Hải đã đóng góp cho ngân sách địa phương 16.000 tỉ đồng, chưa kể thuế giá trị gia tăng. Cũng như Bộ KH&ĐT, ông đề nghị đưa điều kiện này vào luật để bảo hộ sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho địa phương và thu ngân sách cho tỉnh.

Nghe ý kiến này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ: “Quảng Nam và Vĩnh Phúc thì ủng hộ đưa (ngành nghề số 81) vào, nhưng còn 61 tỉnh, thành nữa, có ủng hộ không?”. Ông Thanh nhận xét cơ quan soạn thảo đã “rất kiên định và cố gắng” tiếp thu để đưa ra hết dự thảo này đến dự thảo khác và bảo vệ phương án mình đưa ra. “Tuy nhiên, vì chưa có báo cáo tác động (của Bộ Tư pháp), nên chưa đủ cơ sở để đánh giá”, ông nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhận xét, rất khó thẩm tra vì sát giờ họp dự án luật mới được trình. “Dự án liên quan đến hàng ngàn doanh nghiệp, hàng vạn lao động, (tôi) không thể biểu quyết cả gói rồi bảo tất cả doanh nghiệp nghe theo được”.

Tổng kết phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, ông Trần Hào Hùng báo cáo là có đồng thuận cao, nhưng thực tế là “chưa có đồng thuận cao” về dự luật. Tuy vậy, ông đề nghị các bên phải “làm ngày, làm đêm” để có thể trình dự luật ra Quốc hội đúng ngày 9-11 tới.

VCCI hiện đang rà soát một số điều kiện kinh doanh và sẽ gửi ý kiến chính thức tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, và tới phiên thảo luận về dự án luật này. Về sơ bộ, VCCI đề nghị bỏ các ngành nghề sau ra khỏi dự án luật:

- Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô

- Kinh doanh mũ bảo hiểm

- Kinh doanh khí

- Kinh doanh dịch vụ xoa bóp

- Kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề

- Kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh

- Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước

- Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại và hoạt động dịch vụ hòa giải thương mại.

Theo TBKTSG