Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm cho nhiều ngân hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có tới 9 Ngân hàng tại Việt Nam được nâng hạng triển vọng “tích cực” và tổng cộng có tới 15 ngân hàng Việt được tăng triển vọng tín nhiệm của Moody’s.
Ngân hàng Việt Nam được Moody’s nâng hạng triển vọng tín nhiệm
Ngân hàng Việt Nam được Moody’s nâng hạng triển vọng tín nhiệm

Đơn vị chuyên xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã xác nhận việc nâng triển vọng xếp hạng đối với lĩnh vực tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn, áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo được ưu tiên trả nợ của 15 ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể thì Moody’s đã quyết định điều chỉnh mức triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ mức “Tiêu cực” lên “Tích cực”, 4 ngân hàng được điều chỉnh từ mức “Ổn định” lên “Tích cực” và 6 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”.

Công bố trên của Moody’s được đưa ra sau khi đơn vị này xác nhận giữu nguyên mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, thêm vào đó nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”.

Danh sách các ngân hàng được điều chỉnh mức triển vọng tín nhiệm bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Những xếp hạng như xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong lần điều chỉnh này.

Ngoại trừ có ABBANK đã bị Moody’s hạ xếp hạng BCA từ b1 xuống b2 vì vốn tự có của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao hơn do tài sản có vấn đề ngày càng tăng. CRA và CRR dài hạn của ABBANK đều bị hạ từ Ba3(cr) xuống B1(cr) và từ Ba3 xuống B1.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, khả năng cao là Moody’s sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng tại Việt Nam có xếp hạng triển vọng “tích cực” nếu Chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới.

Trước đó, Việt Nam được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức Ba3, thay đổi triển vọng đầu tư thành 'tích cực' theo báo cáo mới công bố. Tổ chức này cũng đánh giá triển vọng đầu tư Việt Nam cũng tăng mạnh nhờ khả năng hội nhập quốc tế vào chuỗi cung ứng châu Á, cũng như nhu cầu về đồ điện tử, điện thoại thông minh, đồ nội thất và các mặt hàng sản xuất khác tăng nhanh và còn tiếp diễn sau đại dịch. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.