Moody's hạ đánh giá triển vọng tín nhiệm của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Moody's Investor Service đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ mức "ổn định" xuống “tiêu cực” trong hôm 10/11, vì những rủi ro đối với sức mạnh tài chính và sự phân cực chính trị của nước này.

Mỹ bị hạ triển vọng tín dụng do rủi ro về sức mạnh tài chính và sự phân cực chính trị (Ảnh: NPR)
Mỹ bị hạ triển vọng tín dụng do rủi ro về sức mạnh tài chính và sự phân cực chính trị (Ảnh: NPR)

Thông tin này được công bố 1 tuần trước khi Quốc hội Mỹ nhóm họp về vấn đề ngân sách. Tuy nhiên, Moody's vẫn giữ hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức Aaa, cấp độ đầu tư cao nhất.

“Trong bối cảnh lãi suất cao hơn, không có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu của chính phủ, Moody's dự đoán rằng thâm hụt tài chính của Mỹ sẽ vẫn rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ”, William Foster, một quan chức tín dụng cấp cao tại Moody's, viết trong một tuyên bố.

Trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất, Moody's là hãng duy nhất còn lại duy trì xếp hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức cao nhất Aaa.

Trước đó, Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Mỹ xuống còn AA+ vì cuộc chiến trần nợ. Còn S&P Global Ratings đã hạ bậc Mỹ xuống mức tương tự trong năm 2011 giữa cuộc khủng hoảng trần nợ năm đó.

Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng phản đối quyết định của Moody's. Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo khẳng định rằng nền kinh tế vẫn đang ổn định và chứng khoán vẫn là một tài sản đầu tư an toàn với độ thanh khoản cao.

Ông nhấn mạnh vào việc Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cam kết của mình về sự bền vững tài chính, bao gồm cả việc giảm thâm hụt hơn 1.000 tỷ USD trong thỏa thuận nâng mức trần nợ công vào tháng 6 và các đề xuất ngân sách nhằm giảm thâm hụt gần 2.500 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm sau thông báo của Moody’s. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng trở lại mức 4,65%.

Mỹ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ chính phủ đóng cửa vào ngày 18/11 nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận thông qua các dự luật chi tiêu ngắn hạn. Sự gián đoạn này sẽ đến vào thời điểm đầy thách thức đối với các nhà đầu tư, những người vốn đã phải đối mặt với sự kết hợp tai hại giữa thâm hụt tài chính lớn và lạm phát dai dẳng ở Mỹ.

“Sự phân cực chính trị tiếp tục trong Quốc hội Mỹ làm tăng nguy cơ chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài chính để làm chậm đà suy giảm khả năng chi trả nợ”, Moody's cho biết./.

Theo Bloomberg/