Máy bay trinh sát Mỹ và đặc nhiệm Anh xuất hiện ở Ukraine, Nga báo động lực lượng hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cục diện giữa Ukraine và Nga tiếp tục nóng lên: máy bay trinh sát của Mỹ lần đầu tiên xuất hiện trên không phận Donbass, lực lượng đột kích của Anh cũng đã tiến vào Ukraine, tình hình khu vực ngày càng căng thẳng
Anh triển khai lực lượng đổ bộ đường không tới Ukraine khiến tình hình căng thẳng thêm (Ảnh: QQ).
Anh triển khai lực lượng đổ bộ đường không tới Ukraine khiến tình hình căng thẳng thêm (Ảnh: QQ).

Theo trang tin Topitinfo ngày 14/12, trước những động thái mới này của Ukraine và phương Tây, Nga cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp đối phó, trong đó, một thông tin về lực lượng hạt nhân của Nga đã thu hút sự chú ý rộng rãi của thế giới bên ngoài.

Theo trang web quân sự Tin tức hàng không của Nga ngày 11/12, một máy bay trinh sát của quân đội Mỹ đã lần đầu tiên xuất hiện trên khu vực Donbass, và Bộ Quốc phòng Anh cũng đã điều ít nhất hai tiểu đoàn đổ bộ đột kích đường không tới Ukraine. Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ trực tuyến nhằm làm dịu tình hình căng thẳng ở vùng Donbass, nhưng máy bay trinh sát RC-135W của quân đội Mỹ vẫn xuất hiện trên vùng trời khu vực Donbass. Đây là lần đầu tiên máy bay trinh sát của Mỹ bị phát hiện ở khu vực Donbass, trước đây chỉ có các máy bay trinh sát không người lái xuất hiện ở khu vực này.

Đồng thời, các đơn vị tấn công đổ bộ đường không của lực lượng vũ trang Hoàng gia Anh cũng được triển khai tới Ukraina. Trước đó, Anh đã tuyên bố sẽ cử một lực lượng gồm 600 người đến khu vực Ukraina. Hai đại đội đột kích lần này rất có khả năng là đội quân tiên phong; sắp tới có thể có thêm hàng trăm lính Anh được đưa đến Ukraine.

Máy bay trinh sát RC-135W của quân đội Mỹ lần đầu tiên xuất hiện trên vùng trời Donbass (Ảnh: QQ).

Máy bay trinh sát RC-135W của quân đội Mỹ lần đầu tiên xuất hiện trên vùng trời Donbass (Ảnh: QQ).

Một số nhà phân tích Nga cho rằng những lính Anh này không chỉ để giúp quân đội Ukraine tiến hành huấn luyện quân sự mà họ có khả năng sẽ tham gia chiến đấu ở khu vực Donbass trong tương lai. Mặc dù London chưa lên tiếng bình luận về thông tin này, nhưng giới quan sát quốc tế cho rằng, nếu những binh lính Anh này thực sự tiến vào Donbass, rất có thể Nga sẽ can thiệp.

Mặc dù Nga chưa đánh giá động thái cùng nhau tiến vào Ukraine của quân đội Anh và Mỹ, nhưng Moscow đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp cứng rắn. Theo trang Tin tức hàng không, lực lượng hạt nhân của Nga đã ở vào trạng thái báo động cao nhất, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov thông báo rằng tất cả vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga đã sẵn sàng tham chiến, với tỷ lệ chuẩn bị 95/100%. Thậm chí, trong tương lai gần, các tên lửa liên lục địa hạng nặng "Salmat" của Nga cũng sẽ xuất hiện trong số những vũ khí được báo động sẵn sàng chiến đấu, đây là loại vũ khí hạt nhân đáng sợ được NATO đặt tên là "Satan 2". Trong tình hình này, chắc chắn Mỹ và NATO phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện bước hành động tiếp theo.

Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov thông báo Nga đã báo động lực lượng hạt nhân chiến lược (Ảnh: QQ).

Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov thông báo Nga đã báo động lực lượng hạt nhân chiến lược (Ảnh: QQ).

Có ý kiến cho rằng, Nga đã không còn kiên nhẫn trước chiến thuật "cắt xúc xích" của NATO, việc lần này họ công bố tình trạng báo động cao nhất các lực lượng hạt nhân là để ngửa bài cho Mỹ và NATO thấy nếu muốn chiến tranh thì sẽ diễn ra sớm nhất có thể để các bên phân định thắng bại. Và điều này đã đánh trúng điểm yếu của NATO.

Cả Châu Âu và Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Trước cách tiếp cận kiểu “cùng nhau chết” của Nga, NATO thực sự không dám mạo hiểm đánh cược liệu Nga có dám sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Động thái này của Nga được cho là có tác dụng rất lớn trong việc làm giảm bớt cục diện nguy hiểm ở Đông Âu hiện nay.

Trong lúc tình hình Ukraine đang nóng lên, ngày 13/12 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm để thảo luận về tình hình Ukraine. Tổng thống Putin nói với ông Johnson rằng việc NATO mở rộng các hoạt động quân sự ở Ukraine đã đe dọa an ninh của Nga.

Đài Al Jazeera đưa tin, Điện Kremlin ngày 13/12 đã chỉ ra rằng ông Putin đã đề cập với người đối tác Johnson rằng cần phải bắt đầu đàm phán ngay lập tức và xây dựng một thỏa thuận pháp lý quốc tế rõ ràng để tránh NATO mở rộng hơn nữa về phía đông và triển khai vũ khí đe dọa Nga ở nước láng giềng Ukraine.

Ông Putin cũng chỉ ra rằng chính phủ Ukraine đã luôn cố tình làm gia tăng căng thẳng ở các khu vực xung đột, trong đó có việc sử dụng vũ khí hạng nặng và máy bay không người lái, vi phạm nghiêm trọng Thỏa thuận Minsk, đồng thời cáo buộc Ukraine kì thị những người dân nói tiếng Nga.

Phủ Thủ tướng Anh ở Phố Downing cho biết, Thủ tướng Johnson đã bày tỏ với Tổng thống Putin rằng ông quan ngại sâu sắc về việc Nga tập kết quân đội ở biên giới Ukraine và nhắc lại việc làm dịu căng thẳng thông qua các kênh ngoại giao và xác định tầm quan trọng của của giải pháp lâu dài.

Ông Johnson cũng nhấn mạnh cam kết của Anh đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào phá hoại sự ổn định của Ukraine đều là một sai lầm chiến lược và sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.

Trong lúc đó, ngày 13/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabukov cảnh báo, nếu các nước NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và triển khai cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực biên giới với Nga, thì Nga sẽ có những hành động đáp trả, chẳng hạn như triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu, v.v.

Trong cuộc điện đàm ngày 13/12, Tổng thống Putin nói với Thủ tướng Anh Johnson, việc NATO mở rộng các hoạt động quân sự ở Ukraine đã đe dọa an ninh của Nga (Ảnh: CNN).

Trong cuộc điện đàm ngày 13/12, Tổng thống Putin nói với Thủ tướng Anh Johnson, việc NATO mở rộng các hoạt động quân sự ở Ukraine đã đe dọa an ninh của Nga (Ảnh: CNN).

Theo Reuters ngày 13/12, ông Ryabkov tuyên bố rằng nếu Nga và các thành viên NATO không thể giải quyết được cục diện căng thẳng giữa Nga và Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao, thì Nga sẽ thông qua các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề. Ông cũng nói, Nga đã "mất hết lòng tin" đối với NATO. "NATO cho rằng họ có thể hành động theo nhu cầu và lợi ích của chính họ, và Nga chỉ có thể chấp nhận các cách làm khác nhau của các nước này, nhưng tình trạng này sẽ không xảy ra nữa".

Trước đó, ông Ryabkov đã đưa ra cảnh báo về việc NATO mở rộng về phía đông: "Các nước NATO không nên tiến hành mở rộng thêm về phía đông. Điều đáng tiếc, các nước này đã phớt lờ cảnh báo của chúng tôi. Cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang không ngừng áp sát khu vực biên giới của Nga. Chúng tôi đã đưa ra những đề nghị liên quan, hy vọng các quốc gia có liên quan không nên bỏ qua điều này."

Ngày 11/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố rằng nếu Nga "xâm lược" Ukraine, họ sẽ phải trả một "giá rất đắt". Đáp lại, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Peskov trả lời rằng "những lời lẽ hung hăng" này không có lợi cho việc làm dịu cục diện căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga và NATO.