Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 8/3 - 12/3/2021 của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 53 tỉ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở.
Các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 1/2021 đã bắt đầu được thực hiện, giúp nguồn cung VND trên liên ngân hàng dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng giảm 17-22 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 0,98%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,13% với kỳ hạn 1 tuần.
SSI dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp khi lượng tiền đồng từ bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục về nhiều hơn trong thời gian tới.
Trước đó, SSI cho biết có khoảng 157.000 tỉ đồng sẽ được bơm ra vào tháng 7 và 8/2021 nếu các hợp đồng mua bán ngoại tệ không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của NHNN như phát hành tín phiếu để hút tiền về.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong Quý 3/2021 do NHNN tiến hành, hầu hết các TCTD đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước do tác động khó lường của dịch Covid-19.
Tuy vậy, nhu cầu vay vốn vẫn được dự báo là tăng cao hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Các TCTD kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong năm 2021 lần lượt là 13,1% và 11,9%.
Gần đây, lãi suất tiền gửi dưới 12 tháng có diễn biến trái chiều khi một số ngân hàng tăng (VCB, VIB, SHB), nhưng một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ (VPB, EIB) khoảng 10-20 điểm phần trăm.
Theo SSI, mặc dù mặt bằng lãi suất thấp được hỗ trợ bởi định hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng chênh lệch tiền gửi - tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp, tạo sức ép khiến lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ nửa cuối năm 2021.
Tỷ giá USD/VND đi ngang, có thể giảm nhẹ về cuối năm
Biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy quan điểm tích cực hơn so với các thông tin trước đó, các quan chức FED dường như khá chia rẽ trong vấn đề ứng phó rủi ro lạm phát và họ chưa sẵn sàng đổi chiều chính sách tiền tệ khi nền kinh tế chưa có tiến triển vượt trội.
Dòng tiền đã dịch chuyển từ các tài sản rủi ro sang các tài sản trú ẩn khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục xu hướng giảm về vùng thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng qua, giá vàng cũng nhích tăng 1,18%, chỉ số DXY dao động trong vùng từ 92,2 - 92,6.
Các đồng tiền trú ẩn tăng giá tương đối so với USD như CHF tăng 0,67%, JPY tăng 0,82%, trong khi các đồng tiền chủ chốt còn lại đều mất giá so với USD như EUR giảm 0,1%; GBP giảm 0,56%; CNY giảm 0,09%.
Tại Việt Nam, tỷ giá USDVND niêm yết của các NHTM đi ngang, duy trì ở mức 22.900/23.100. Tỷ giá tự do không thay đổi ở chiều mua vào và giảm 10 đồng/USD chiều bán ra, kết tuần ở mức 23.300/23.340.
Theo SSI, hiện dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI vẫn khá tích cực, đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa và dẫn đến cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN không thực hiện bất cứ giao dịch mua ngoại tệ giao ngay nào dù cán cân vãng lai có khả năng thâm hụt, VND đã lên giá 0,4% so với USD, tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng USD cũng được NHNN điều chỉnh giảm 150 đồng/USD vào 8/6/2021.
Các dẫn chứng này có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán với Chính phủ Mỹ trong việc xem xét áp thuế bổ sung liên quan đến những cáo buộc định giá thấp VND. SSI cho rằng, tỷ giá USDVND sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ về cuối năm./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu