Tờ Đa Chiều ngày 16/9 cho rằng từ khi Trung Quốc tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng đến nay, lý do tham nhũng rất đa dạng. Gần đây, sau khi ngã ngựa, một quan tham ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nói lý rằng không nhận tiền thì không hợp tình người, là kẻ đứng ngoài xã hội.
Ông ta một mực cho rằng: "Cướp của người giàu, không cướp của người nghèo, không thu tiền người nghèo, bản chất của mình là không xấu".
Trong khi đó, tờ "Nhật báo Quảng Châu" cho hay năm 2015, thành phố Triều Châu của tỉnh Quảng Đông đã xét xử vụ án vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của ông Trần Bằng, nguyên phó bí thư khu ủy, chủ tịch khu Tương Kiều, thành phố Triều Châu.
Trong thời gian xem xét kỷ luật, ông này đã viết 10 bức thư hối lỗi, nhiều lần thể hiện các tư tưởng như "không thu tiền của người nghèo, thu tiền của các ông chủ chẳng có vấn đề gì", "không thu tiền thì không hợp tình hợp lý", "cướp của người giàu, không cướp của người nghèo", đồng thời luôn cho rằng "bản chất của mình không xấu".
Hiện nay, tờ xây dựng Đảng của Quảng Đông kỳ mới nhất đã tiết lộ chi tiết vụ án vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Trần Bằng.
Được biết, Trần Bằng từ một trưởng phòng Tương Kiều, phát triển lên thành phó cục trưởng, cục trưởng cục quản lý nhà ở thành phố, phó bí thư, chủ tịch khu Tương Kiều chỉ trong thời gian 9 năm, bình quân 3 năm thăng chức 1 lần.
Hơn nữa, ông này bắt đầu thu tiền của người khác từ đầu năm 2003, đến khi bị bắt đã trải qua 13 năm. Đặc biệt, trong thời gian ông này nắm quyền lực quan trọng liên quan đến các nguồn lực quốc kế dân sinh ở Cục quản lý nhà ở thành phố, đã trở thành đối tượng "săn tìm" trọng điểm của các ông chủ doanh nghiệp địa phương.
Đối với con đường tham nhũng của bản thân, Trần Bằng luôn cho rằng "bản chất của mình không xấu". Trần Bằng xuất thân từ nông thôn, năm 1987 sau khi được điều từ nhà máy điện cơ Triều Châu đến Phòng quản lý nhà ở Tương Kiều, Cục quản lý nhà ở thành phố công tác, ông từng tự nhận là kẻ ở dưới đáy xã hội, trình độ thấp, vì vậy đã nỗ lực nghiên cứu học tập tri thức nghiệp vụ.
Năm 1999, trong nhiệm vụ di dời 180.000 m2 hàng lang Tân Giang, Triều Châu, ông này đã giành được tín nhiệm và ủng hộ của cả nghìn hộ với tiếng tăm là chính trực, trong sạch, hoàn thành thuận lợi nhiệm vụ.
Trong thời gian từ năm 2003 - 2005, Trần Bằng lợi dụng sự thuận lợi của chức vụ, đặc biệt là trong thời gian nhậm chức ở Cục đất đai thành phố, lợi dụng quyền lực xét duyệt đất đai, ép người sở hữu đất đai đến nhà nộp tiền để được xử lý nhanh chóng, thu tiền của 41 đơn vị, tổng cộng 1.860.000 nhân dân tệ (một nhân dân tệ tương đương khoảng 0,154 USD), 2.170.000 đô la Hồng Kông (1 đô la Hồng Kông tương đương khoảng 0,129 USD), 63.000 USD, ngoài ra còn có các lễ vật như vàng, rượu tây, tranh chữ.
Đối với vấn đề này, trong thư hối hận, Trần Bằng cho biết khi bắt đầu nhận hối lộ thì bản thân ông chịu áp lực và đấu tranh tư tưởng, nhưng khi tiếp xúc với các ông chủ doanh nghiệp là "bạn bè", "anh em" ngày càng nhiều, ông bắt đầu từng bước tiếp nhận quan điểm "không thu lễ, không thu tiền là không hợp tình người, không ra loại gì trong xã hội" của các ông chủ, cho rằng "quà cáp ngày lễ tết", "thăm hỏi ngày lễ tết" là trao đổi xã hội bình thường, không chủ động vòi vĩnh là được.
Trong thư từ sám hối còn có một chi tiết là một lần khi Trần Bằng thay đồ dùng trong nhà, mẹ ông hỏi rằng tiền lấy từ đâu? Ông cười hỏi lại mẹ: "Lẽ nào con không có bạn tốt?". Với tư tưởng này, Trần Bằng dần dần thoải mái nhận tài sản lớn, cuối cùng đi con đường xấu - không thu tiền thì cản trở xử lý công việc.