Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Trung Quốc bị điều tra phát đi tín hiệu chính trị gì?

VietTimes -- Trong lựa chọn nhân sự thay thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, "sạch sẽ" là giới hạn "đỏ" không thể vượt qua, quyết không để quan tham chui vào Bộ Chính trị, cuộc chiến chống tham nhũng còn tiếp diễn.
Hoàng Hưng Quốc, quyền Bí thư thành ủy, Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vừa bị ngã ngựa. Ảnh: Đa Chiều.
Hoàng Hưng Quốc, quyền Bí thư thành ủy, Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vừa bị ngã ngựa. Ảnh: Đa Chiều.

Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 13/9 cho rằng người đứng đầu thành phố Thiên Tân, Trung Quốc bị ngã ngựa thực sự gây ngạc nhiên cho dư luận, cho dù Hoàng Hưng Quốc chưa phải là "hổ" lớn nhất bị ngã ngựa.

Thiên Tân lại là một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương, Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa làm cho thành phố này thiếu cả bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bất kể việc bố trí đặc biệt "đả hổ" vào đêm khuya của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương hay thời điểm ngã ngựa nhạy cảm của Hoàng Hưng Quốc cũng như việc thận trọng tránh để xảy ra hiệu ứng tiêu cực đều phần nào đã phản ánh được cách làm rất thận trọng của Bắc Kinh. Điều này đương nhiên đã phát đi tín hiệu chính trị quan trọng.

Trước tiên, nhìn vào cách thức làm việc của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bảm đảo sự ổn định của tình hình chính trị là "chính trị lớn nhất" hiện nay của Trung Quốc.

Đại hội 19 sắp đến, Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 sắp tổ chức. Trung Quốc đang tiến hành đợt điều chỉnh nhân sự trên phạm vi rộng.

Trong bối cảnh này, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương lựa chọn "đả hổ" vào đêm khuya cuối tuần, ý đồ bên trong đã rất rõ ràng.

Hoàng Hưng Quốc, quyền Bí thư thành ủy, Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vừa bị ngã ngựa. Ảnh: Đa Chiều.
Hoàng Hưng Quốc, quyền Bí thư thành ủy, Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vừa bị ngã ngựa. Ảnh: Đa Chiều.

Là quan chức đứng đầu cả về đảng và chính quyền ở Thiên Tân, có triển vọng vào Bộ Chính trị, quyết định điều tra đối với Hoàng Hưng Quốc chắc chắn phải được tập thể cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận.

Việc lựa chọn công bố thông tin này vào thứ Bảy và đêm khuya rõ ràng muốn làm giảm ảnh hưởng của sự việc. Điều này có thể được chứng minh bằng các phương diện khác.

Sau khi Hoàng Hưng Quốc bị thông báo chính thức, nhiều tài khoản ứng dụng do tờ Nhân Dân nhật báo, tờ Thanh niên Bắc Kinh quản lý đã bị cắt bỏ.

Thứ hai, Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa bất ngờ cũng cho thấy trong lựa chọn nhân sự thay thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, "sạch sẽ" là giới hạn "đỏ" không thể vượt qua. Đây vừa là răn đe trong nước, vừa khẳng định với bên ngoài.

Trong lựa chọn nhân sự trước Đại hội 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói rõ giới hạn "đỏ" như vậy, khi đó là tác động của vụ án Bạc Hy Lai.

"Vua Bắc Kinh" Trần Hi Đồng ngã ngựa trước Đại hội 16, "vua Thượng Hải" Trần Lương Vũ bị mất chức trước Đại hội 17, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai ngã ngựa trước Đại hội 18, những điều này đều lần lượt tác động đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. Ảnh: Reuters
Các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. Ảnh: Reuters

Trong thời điểm quan trọng sắp xếp nhân sự trước khi tổ chức Đại hội 19, Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa cho thấy, cấp cao Trung Quốc không muốn nhìn thấy hiện tượng "đem con bệnh vào Bộ Chính trị" không tiếp tục xảy ra.

Sau khi Hoàng Hưng Quốc được tuyên bố giữ quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân vào ngày 30/12/2014, thường xuyên có những phỏng đoán liên quan về việc ông có khả năng vào Bộ Chính trị.

Trải qua cuộc chiến chống tham nhũng, nếu sau Đại hội 19 Hoàng Hưng Quốc bị ngã ngựa với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị thì sự tác động nghiêm trọng của nó sẽ mang tính “sống còn”. Hoàng Hưng Quốc đã là Ủy viên Trung ương thứ 10 bị điều tra sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Việc điều tra đối với Hoàng Hưng Quốc rõ ràng đã diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Nếu tính từ khi Hoàng Hưng Quốc bắt đầu giữ vai trò quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân thì đã trải qua trên 600 ngày. Cho dù được tính từ khi nổ kho chứa chất độc ở cảng Thiên Tân ngày 12/8/2015 thì ít nhất đã trải qua thời gian một năm.

Vì vậy, manh mối liên quan cuối cùng khiến cho Hoàng Hưng Quốc nhanh chóng ngã ngựa có thể liên quan trực tiếp đến Phó chủ tịch thành phố Thiên Tân là Doãn Hải Lâm vừa mới ngã ngựa.

Phó Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Doãn Hải Lâm mới bị ngã ngựa. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Phó Chủ tịch thành phố Thiên Tân, Doãn Hải Lâm mới bị ngã ngựa. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Trung Quốc chính thức tuyên bố Doãn Hải Lâm bị điều tra được 20 ngày thì Hoàng Hưng Quốc bị ngã ngựa. Doãn Hải Lâm công tác lâu dài trong hệ thống quy hoạch của Thiên Tân, từ năm 2012 bắt đầu làm Phó chủ tịch thành phố Thiên Tân, luôn là cấp dưới trực tiếp của Hoàng Hưng Quốc. Hoàng Hưng Quốc bất ngờ ngã ngựa có thể liên quan trực tiếp đến Doãn Hải Lâm.

Ngoài ra, trong thời gian rất dài, Hoàng Hưng Quốc được cho là thuộc "nhóm mới Chiết Giang" (nhóm ông Tập Cận Bình), nhưng rõ ràng đây là sản phẩm của tư duy đấu tranh quyền lực khi quan sát chính trị Trung Quốc.

Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa ít nhất đã phá vỡ hai thứ "chắc hẳn phải vậy" của dư luận: Một là nghĩ rằng Hoàng Hưng Quốc đương nhiên thuộc "nhóm mới Chiết Giang". Hai là nghĩ rằng "nhóm mới Chiết Giang" được bảo vệ.

Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa ngoài gây ngạc nhiên cho dư luận, còn tiếp tục làm cho dư luận cảm thấy: cuộc chiến chống tham nhũng do cấp cao Trung Quốc phát động vẫn chưa dừng lại, cũng không có quan chức nào bị xử lý khác biệt.