Liên tiếp gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị, để bảo đảm phục vụ khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hàng loạt vấn đề dư luận quan tâm đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày và đưa ra hướng giải quyết, tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV vào chiều 6/9.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (ảnh: Lê Bảo)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (ảnh: Lê Bảo)

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã đề cập đến một loạt vấn đề trọng tâm của ngành y tế, bao gồm việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vv…

Đi sâu về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nội dung của Nghị quyết này.

Gia hạn Giấy đăng ký lưu hành 1.873 thuốc hóa dược

Về sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đến ngày 24/7/2023, Bộ Y tế đã có 9 đợt công bố danh mục thuốc (6 đợt công bố đối với thuốc hóa dược và 3 đợt công bố đối với với thuốc y học cổ truyền).

Trong đó, thuốc hóa dược được công bố là: 11.381 thuốc (8.860 thuốc trong nước, 2.296 thuốc nước ngoài, 225 vắc xin, sinh phẩm); thuốc y học cổ truyền được công bố là: 336 thuốc (331 thuốc trong nước, 05 thuốc nước ngoài). Đến nay, Bộ Y tế đã gia hạn Giấy đăng ký lưu hành tổng số 1.873 thuốc hóa dược.

Đặc biệt, tổng số thuốc có đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc, đảm bảo đủ nguồn cung thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB).

Bộ Y tế đã rà soát: 6 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế; 5 Nghị quyết của Chính phủ, cùng các văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

“Bảo đảm đủ đáp ứng nguồn cung ứng thuốc phục vụ cho công tác KCB của người dân; cùng với các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc đã góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị vật tư y tế” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

QH -TTX.jpeg
Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Xử lý các vấn đề liên quan từ dịch COVID-19

Về vấn đề thanh toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Bộ Tài chính rà soát chuyển nguồn phòng, chống dịch đã giao dự toán đến hết năm 2022, theo đó, số kinh phí phục vụ công tác phòng chống COVID-19 còn dư được tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

“Đến nay, các đơn vị đã gửi báo cáo và đề nghị ngân sách Nhà nước hoàn trả các khoản phải chi nhưng chưa chi, các khoản đã sử dụng từ nguồn thu của đơn vị để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 với tổng kinh phí dự kiến là 105 tỷ đồng” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Trước vấn đề xử lý số lượng thuốc, vật tư, hoá chất sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ ngân sách nhà nước cho KCB COVID-19 rất được dư luận quan tâm, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 18/8/ 2023, về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ KCB. Hiện đang phối hợp các địa phương, cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Phương án xử lý số lượng mua sắm thuốc, vật tư, hoá chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ, hoàn thành trước ngày 1/7/2023 đã được đưa ra: Bộ Y tế đang đề nghị các bộ, ngành, cơ quan; UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục báo cáo, cập nhật số liệu, nhất là số liệu tồn kho, hạn sử dụng... Sau đó, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo và đề xuất cụ thể phương án thanh toán cho nhà cung cấp.

Phát triển dược, trang thiết bị trong nước

Quan tâm đến việc thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh, Bộ Y tế đã hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (trong đó có nội dung chính sách về phát triển công nghiệp dược) và đã được Quốc hội thông qua việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc khóa XV với tiến độ trình dự kiến là tháng 5/2024.

Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế xác định việc phát triển công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước là một trong chính sách quan trọng của dự án Luật thiết bị y tế và đang nghiên cứu, đánh giá để lập hồ sơ đề nghị xây dựng để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội.

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 99/2023/QH15 XV của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đang trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết 99; triển khai xây dựng Luật BHYT, Luật Trang thiết bị, Luật Dược, Luật Phòng bệnh…

dao-hong-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Đặc biệt, có những việc đã được triển khai ngay sau khi Nghị quyết 99 ban hành như việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm cao hơn theo Nghị quyết 129/CP, việc ban hành Nghị quyết 98/CP, sửa Nghị định 104 về bố trí ngân sách Trung ương để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng…

Cần được quan tâm, hỗ trợ trong xây dựng pháp luật

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu những khó khăn, vướng mắc mà ngành y tế đang gặp phải, đó là kinh phí bố trí cho công tác xây dựng pháp luật mặc dù mới được điều chỉnh lên khoảng 1,5-2 lần so với mức chi trước đây, song chưa tạo được chính sách đột phá, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật; chưa có chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực xã hội, các chuyên gia tham gia xây dựng pháp luật.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ Bộ Y tế trong quá trình xây dựng pháp luật, để kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh.

Bộ Y tế cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng Khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ban hành các thông tư nêu trên theo trình tự thủ tục rút gọn, để bảo đảm tính liên tục của các hoạt động chuyên môn được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật KCB./.