Vẫn vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế sau hàng loạt quy định “chữa cháy”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều quy định mới được áp dụng trong công tác quản lý, cũng như trong hoạt động khám, chữa bệnh. Có những quy định đã khắc phục được bất cập trước đó, nhưng có quy định lại bộc lộ bất cập mới.

Đó là ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà tại hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện (BV)” do Sở Y tế Hà Nội tổ chức trong 2 ngày, 25-26/8, để lãnh đạo các cơ sở y tế cùng thảo luận và chỉ ra những bất cập, từ đó, đề xuất với các cơ quan chức năng để có giải pháp phù hợp.

Vẫn chưa hết “cơn khát” vật tư y tế

Trước việc thiếu vật tư, trang thiết bị y tế ở các BV sau dịch Covid-19, Bộ Y tế và Chính phủ đã có nhiều văn bản tháo gỡ. Có điều, như Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói: "Có những quy định đã khắc phục được bất cập trước đó, nhưng có quy định lại bộc lộ bất cập mới."

Chính những bất cập đó đã khiến cho tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tưởng đã chấm dứt từ tháng 3/2023, vẫn tiếp diễn ở nhiều BV trên địa bàn Hà Nội. Vì thế, nhiều người bệnh từ các tỉnh khi đến khám/điều trị, đã phải quay về, làm ảnh hưởng lớn đến đến quyền lợi của người dân trong KCB BHYT.

Đầu tháng 6/2023, khi thấy một số BV phản ánh việc thiếu vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ KCB BHYT, tôi hỏi một lãnh đạo BV Việt Đức thì biết BV đang “cố cầm cự”. Tháng 7/2023, con anh Lê Hoàng Hải (TP Thái Nguyên) đến BV này mổ, thì phải 3 lần quay về vì BV không có vật tư. Mãi đến tháng 8/2023, ca mổ mới được thực hiện.

Không riêng bệnh nhân này, mà nhiều bệnh nhân khác từ Hà Giang, Nghệ An cũng phải về đợi BV có vật tư mới quay lại mổ. Đây là điều rất đáng lo ngại, khi năm trước, dù hàng loạt BV tuyến Trung ương kêu trời vì thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thì BV Việt Đức vẫn đảm bảo được vật tư y tế phục vụ KCB.

tt.jpg
Nhiều ca mổ của BV Việt Đức phải hoãn vì thiếu vật tư y tế

Ở một BV khác, anh Lê Chung (Hà Nội) phải phẫu thuật mắt, nhưng mổ xong một mắt, kế hoạch mổ mắt thứ hai vào tuần tiếp theo lại không thể thực hiện được vì bệnh viện đã hết vật tư. Vì thế, hơn một tháng trôi qua mà mắt thứ hai của anh Chung vẫn chưa được phẫu thuật.

Tất nhiên, để xảy ra tình trạng này, hoàn toàn không phải lỗi ở các BV như đã nói ở trên. Những vướng mắc trong các văn bản hướng dẫn đặt các lãnh đạo BV vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”: Nếu cứ làm thì sợ sai, bởi “gương” nhãn tiền là hàng loạt lãnh đạo BV đã vào tù do vi phạm trong đấu thầu; còn không làm thì thiếu vật tư, trang thiết bị y tế và bệnh nhân là người lãnh hậu quả.

Áp lực với lãnh đạo BV và cả lãnh đạo Sở

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin về những khó khăn mà ngành y tế Thủ đô đang đối diện: Các cơ sở KCB vẫn đang gặp vướng mắc khi triển khai Thông tư 13, 14 của Bộ Y tế, như việc xác định mức hao phí trong quá trình tính giá dịch vụ theo yêu cầu và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; trong xác định giá kế hoạch cho gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế…

VT_ Nhi Ha khai mac Hoi thao.jpg
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Các cơ sở KCB vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai Thông tư 13, 14 của Bộ Y tế

“Áp lực từ trên xuống: Làm sao để chỉ đạo triển khai những quy định mới một cách hiệu quả nhất, đúng với các chủ trương, chính sách. Áp lực từ dưới lên: Làm sao để các BV nhận thức được sự đúng đắn, hiệu quả của những chính sách mới và sẵn sàng thay đổi” - Bà Trần Thị Nhị Hà tâm sự.

Vì thế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mong muốn các thành viên Ban soạn thảo Thông tư, các chuyên gia giải đáp cho lãnh đạo các BV hiểu một cách thống nhất để triển khai.

Có cần đấu thầu hàng hoá phổ thông, giá cả ổn định?

GS.TS. TTND. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - cho biết, có 2 vấn đề mà các BV đang quan tâm là: Làm sao mua hàng hóa với giá hợp lý và mua được hàng hóa có chất lượng từ hồ sơ thầu mà không vi phạm. Thế nhưng, giám đốc các BV không thể biết hết giá các loại hàng hóa đấu thầu tập trung, mà chủ yếu các loại giá này do các phòng, ban trình lên. Khi giá hàng hóa mua sắm đấu thầu tập trung mà đắt, các giám đốc BV phải giải trình.

"Hiện Bộ Y tế đã ban hành giá khám bệnh, thiết nghĩ, cơ quan Nhà nước cũng cần quan tâm ban hành giá trang thiết bị y tế, giá hàng vật tư tiêu hao, sinh phẩm và thuốc và công bố khung giá cụ thể và mỗi năm cập nhật lại giá, để các BV có thể căn cứ vào đó để mua được sản phẩm phù hợp", Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội đề nghị.

Bộ Tài chính phải quản lý giá với hàng hoá nhập khẩu cũng như thẩm định xây dựng giá hàng hoá sản xuất trong nước. Bộ Y tế phối hợp rà soát và hậu kiểm. Các đơn vị chỉ được phép mua trong khung hoặc thấp hơn. Việc đấu thầu chỉ là mục đích làm giảm bớt giá của các nhà phân phối.

VT_ anh Ánh.jpg
GS.TS. TTND. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - nêu những bất cập cần được thay đổi

GS.TS. TTND. Nguyễn Duy Ánh kiến nghị: Những hàng hoá rất phổ thông, giá cả ổn định, thậm chí rất ổn định qua nhiều năm, thì đâu cần cứ phải đấu thầu. Nhưng mua hàng hoá gì, tính năng, tính chất hàng hoá mua ra sao, phải được phòng chức năng trình Hội đồng khoa học kỹ thuật - Hội đồng mua sắm của BV và Hội đồng phê duyệt. Các phòng ban chức năng có chức năng mua sắm và tài chính phải chịu trách trước Ban Giám đốc và pháp luật về chất lượng hàng hoá được mua và giá cả phù hợp. Những trường hợp khẩn cấp đặc biệt nhằm phục vụ cấp cứu, phục vụ KCB sẽ đề xuất Hội đồng phê duyệt khẩn.

Tại hội thảo, TS. Phạm Bá Hiền – Giám đốc BV Đa khoa Ba Vì - cũng trao đổi về những khó khăn chung của các BV: Trong khi ở các BV tư, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, không phải “quá đau đầu”, thì các BV công, trong đó có BV Đa khoa Ba Vì, cũng thực hiện tự chủ, lại rất vất vả trong mua sắm, giải trình về mua sắm vật tư, thuốc men.

Chọn thiết bị hiện đại sẽ vi phạm Luật Đấu thầu

TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang - cũng chỉ ra hàng loạt vướng mắc mà các BV đang gặp phải trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế: Thông tư 14/TT-BYT ngày 30/6/2023 (gọi tắt là Thông tư 14) có nêu khái niệm Hội đồng, tuy nhiên chưa rõ đây là Hội đồng gì và gồm các thành phần nào? Các thành viên của Hội đồng này có cần chứng chỉ gì, theo quy định nào không?

Theo Thông tư 14 “xác định cụ thể khoảng thời gian tham khảo kết quả trúng thầu: tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu”, nhưng Thông tư 14 lại căn cứ theo 2 thông tư, là Thông 58/2016/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 58) và Thông tư 68/2022/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 68). Trong khi Thông tư 58 quy định là 30 ngày, còn Thông tư 68 quy định là 90 ngày. Do đó, các BV không biết là có cần thực hiện theo Thông tư 58 và Thông tư 68 không?

Đại diện các BV ở Hà Nội cũng băn khoăn: Những máy móc hỏng không có máy thay thế cần sửa chữa ngay để phục vụ người bệnh, nhưng thực hiện theo Thông tư 14 thì dẫn đến phải chờ đợi lâu. Có quy trình hướng dẫn riêng nào không?

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1 điều 3 quy định: “Trường hợp chủ đầu tư xác định được trên thị trường Việt Nam chỉ có 01 hoặc 02 nhà cung cấp thì được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp”. Hiện, các BV rất cần được hướng dẫn cụ thể để xác định được chỉ có 01 hoặc 02 nhà thầu cung cấp.

VT_ Nguyen Văn Thương.jpg
TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang - chỉ ra một số điểm cần được thay đổi của các văn bản hướng dẫn để các BV yên tâm mua sắm đấu thầu

Nếu có nhiều hơn 1 nhà cung cấp ở các mức giá khác nhau, thì lấy giá nào làm giá kế hoạch? Nếu lấy giá thấp nhất thì đồng nghĩa với việc mua máy chất lượng tương ứng với giá đó, nhà cung cấp có giá cao hơn không chấp nhận bán giá rẻ hơn vì “tiền nào của đó”.

Đại diện các BV cũng chỉ ra những bất hợp lý của Thông tư 14: Quy định sau khi có cấu hình cơ bản, chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá theo mẫu tên Cổng thông tin điện hoặc Trang thông tin điện tử của chủ đầu tư, hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế trong thời gian tối thiểu 10 ngày.

Tuy nhiên, đến nay, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và cổng thông tin Bộ Y tế chưa đăng được, do vậy chủ đầu tư đăng tại website của cơ quan nên thông tin chưa được phổ biến rộng rãi, nên nhiều danh mục khó lấy được nhiều báo giá.

VT_ Thường -dùng.jpg
Các BV lên tiếng chính thức về những vướng mắc trong mua sắm đấu thầu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế

Một vấn đề rất quan trọng trong đấu thầu mà nhiều BV Trung ương cũng vướng, đã được các giám đốc các BV của Hà Nội chỉ ra: Theo điều 89 Luật đấu thầu 2013 và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Thế nhưng, trên thực tế, các trang thiết bị y tế mỗi hãng đều có công nghệ khác nhau, không thể so sánh ngang nhau, dẫn đến nếu lược bỏ các thông số khác (công nghệ tốt) thì sẽ không chọn được thiết bị có công nghệ hiện đại tiến tiến. Vì nếu chọn thiết bị có công nghệ hiện đại, dẫn đến chỉ có 1 nhà cung cấp có thể cung cấp được, sẽ vi phạm vào những điều trên.

Bên cạnh đó, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cũng băn khoăn: Có những loại thuốc BV không thể trúng thầu do vấn đề giá. Trong khi đó, 100% BV ở Hà Nội không thể triển khai xã hội hóa được vì không làm được hướng dẫn xác định tài sản công, đặc biệt là việc xác định giá trị thương hiệu. Những BV chưa mua được máy móc thì làm thế nào để đưa hóa chất vào danh mục thầu được duyệt, hoặc có nơi, trang thiết bị y tế đang bị hỏng, bây giờ có xin thầu hóa chất kèm theo máy được không?