Cô Nguyễn Thanh Nga (phải) không chỉ tham gia giúp đỡ những em nhỏ trong Làng trẻ mà còn tham gia các hoạt động thiện nguyện tại cơ quan, các hội nhóm bạn bè của mình. |
Một ngày khi “Im lặng quá cánh cửa nào cũng khép/ Những ngôi nhà trở giấc tựa vào đêm/ Mưa rơi đấy chỉ có mưa là biết/ Nàng Bân đi vào phố một mình…”. Mặc dù giãn cách để phòng chống COVID-19 song nhờ công nghệ thông tin và mấy người bạn mà tôi vẫn trò chuyện được với cô Nguyễn Thanh Nga để thêm hiểu vì sao cô được ngưỡng mộ.
Mồ côi tội lắm ai ơi…
Nguyễn Thanh Nga là chị trong một gia đình có bốn chị em. Bố mẹ Nga mất sớm. Bốn chị em Nga được nhận vào Làng trẻ em Birla Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập Làng (năm 1987), khi đó cô mới 9 tuổi (3 em trai của Nga là Trung 6 tuổi; Mỹ 5 tuổi; Việt 3 tuổi). Thanh Nga và các em trai của mình đã vượt qua những năm tháng tuổi thơ thiếu tình yêu thương của bố mẹ. Nga luôn phải tỏ ra mạnh mẽ để thay bố mẹ chăm lo cho các em của mình.
Cô bé Nga ngày đó với đôi bàn tay khéo léo luôn nhiệt tình giúp đỡ các mẹ nuôi nấu ăn và chăm sóc các em nhỏ, nên Nga đã học hỏi được ở các cô, các chú từ việc cắt tóc cho các bé, đến việc chăn lợn, chăn gà, trồng rau...
Đặc biệt, Nga cũng có khiếu văn nghệ. Cô đã từng tham gia nhiều hội thi văn nghệ dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn và đạt được nhiều giải thưởng cao. Trải qua những năm tháng tuổi thơ sống tại Làng trẻ em Birla Hà Nội, được học hành, Thanh Nga đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình là trở thành sinh viên đại học. Cô sinh viên khoa kế toán Trường Đại học Đông Đô thuở ấy luôn đạt được thành tích cao trong học tập.
Ngoài giờ đi học, Nga còn tranh thủ làm gia sư, đi bán hàng thuê... để trang trải thêm cho học phí của mình. Tuy vất vả nhưng cuối tuần Nga không quên về thăm các mẹ và chăm các em nhỏ của Làng - nơi gắn bó yêu thương...
Tình thương đẹp mãi…
Hiện Nguyễn Thanh Nga đang là Chánh Văn phòng Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật. Khi lập gia đình riêng, Thanh Nga vẫn cùng với các mẹ, các cô chú chăm lo, dạy dỗ và tạo dựng cho ba em trai. Các em của Nga đều thi đỗ đại học, tốt nghiệp và có công việc ổn định. Một lần nữa, Nga lại thay bố mẹ xây dựng gia đình riêng cho các em.
Không ai có thể chọn mình sinh ra ở đâu, lớn lên trong hoàn cảnh nào… Trong quá trình phát triển của mỗi người đều không thể thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Việc thiếu hụt sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ tạo nên nhiều hệ lụy, từ tâm sinh lý đến học hành, việc hình thành nhân cách, lối sống… Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ là một sự mất mát, thiệt thòi vô cùng lớn ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể xác lẫn tinh thần của mỗi người. Và sự mặc cảm là điều khó có thể vượt qua được nhất. Nỗi thèm khát được chính những người cha, người mẹ của mình yêu thương có lẽ là điều khao khát cháy bỏng.
Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, vẫn không thiếu những đứa trẻ buộc phải rời xa người mang nặng đẻ đau mình. Khi biết tin ở đâu đó một thai nhi bị vứt bỏ, một đứa bé bị bỏ rơi mọi người? Dù vì lý do gì thì những người cha, người mẹ mà có thể thể làm như thế với chính giọt máu của mình, suy cho cùng những đứa bẻ bị bỏ rơi vẫn là người vô tội, đáng thương nhất.
Để thắp sáng những ước mơ cho các em sống ở Làng trẻ Birla Hà Nội, Thanh Nga đã tham gia dạy tiếng Nhật cho các em, rồi tìm kiếm học bổng và giới thiệu cho những em đã trưởng thành ra khỏi Làng có cơ hội học tiếng Nhật tại nơi mình làm việc là Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
Nhờ sự giúp đỡ của Nga, một số em đã được học và làm việc bên Nhật, có em đang làm việc ở các cơ quan, đối tác Nhật Bản tại Việt Nam. Thanh Nga không chỉ cố gắng thắp sáng những ước mơ cho các em nhỏ của Làng mà còn luôn gìn giữ, biết ơn sự hy sinh cao cả, những yêu thương đong đầy của những bà mẹ - những người phụ nữ không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục, chăm sóc các em từ những ngày các em bơ vơ và khó khăn nhất...
Những bà mẹ đã cho các em có cơ hội sà vào lòng và gọi hai tiếng “Mẹ ơi!” Mỗi khi có bà mẹ trong Làng nghỉ hưu mà hoàn cảnh neo đơn, Thanh Nga và các anh chị em trong Làng đều chủ động sắm sửa đầy đủ mọi vật dụng thiết yếu cho mẹ, thường xuyên thay nhau sang thăm mẹ để mẹ có cuộc sống về già thoải mái, vui vẻ…
Cô Nguyễn Thanh Nga tại lễ kỉ niệm Làng trẻ em Birla Hà Nội |
Thanh Nga luôn thể hiện vai trò là người chị trong gia đình nhà C1, mỗi khi Làng có công việc hay biến cố gì cần sự trợ giúp của cá nhân hay cộng đồng, thì cô lại là người kêu gọi kết nối và chia sẻ yêu thương tới mọi người. Đối với trường hợp M (xin được giấu tên) bị bệnh phổi, cái chết cận kề phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Nga luôn thăm hỏi chăm sóc, còn huy động những người con trong nhà, trong Làng, bạn bè quyên góp tiền giúp M chữa bệnh.
Có những ngày M được các bác sĩ báo gia đình chuẩn bị tinh thần đón tin xấu, Nga đã ở đó chăm sóc, hỗ trợ vì M không có người thân nào cả. M đã khỏi bệnh. Mặc dù không phải là người giàu có, nhưng Thanh Nga đã tặng 1 chiếc xe máy cũ nhưng còn sử dụng tốt cho M để làm phương tiện đi lại và kiếm tiền khi sức khỏe cho phép.
Hàng tháng, Nga cùng với một số em trưởng thành trong Làng hỗ trợ một số tiền sinh hoạt cho M. Đặc biệt, em luôn động viên, chia sẻ và kết nối M với phòng công tác xã hội của Bệnh viện Lao và Phổi Trung ương để tìm sự trợ giúp cho M trong việc khám, chữa bệnh và chỗ ăn chỗ ở. Nga không chỉ tham gia giúp đỡ những em nhỏ trong Làng trẻ, mà còn tham gia các hoạt động thiện nguyện tại cơ quan, các hội nhóm bạn bè của mình.
Hàng năm, Nga cùng với nhóm bạn quyên góp cả vật chất và tinh thần đem đến những vùng cao giúp các em nhỏ có thêm áo ấm khi đông về, thêm bữa cơm có thịt...
Thật quý giá khi mọi người yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc sống, giúp các em gieo trồng, nuôi dưỡng ước mơ và tạo dựng được tương lai tươi sáng như Thanh Nga chia sẻ: “Hãy vui lên khi lúc ta còn trẻ Và chân thành cùng chia sẻ đau thương Giữ tay nhau đi hết quãng đường trường Và cố gắng để tình thương đẹp mãi”.