Làn sóng cấm TikTok tiếp tục lan rộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Đại diện của TikTok bày tỏ sự thất vọng và khẳng định nền tảng này luôn tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng châu Âu.
Ảnh: Nikkei Asia
Ảnh: Nikkei Asia

Ngày 16/3, giới chức Anh cho biết sẽ cấm TikTok trên thiết bị của chính phủ. Quyết định được đưa ra sau khi nhiều nước phương Tây lo ngại dữ liệu người dùng được chia sẻ cho chính phủ Trung Quốc.

"Tính bảo mật của thông tin chính phủ được ưu tiên hàng đầu, do đó chúng tôi sẽ cấm ứng dụng này trên những thiết bị chính phủ. Việc sử dụng các app với tính năng trích xuất dữ liệu cũng sẽ được xem xét", Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh, Oliver Dowden, cho biết. Theo Nikkei, chính phủ Anh đã yêu cầu Trung tâm An ninh mạng Quốc gia đánh giá lỗ hổng tiềm ẩn trong các ứng dụng mạng xã hội, lập danh sách rủi ro liên quan đến cách truy cập và sử dụng thông tin nhạy cảm.

Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh, Oliver Dowden, cho biết việc hạn chế sử dụng TikTok trên thiết bị chính phủ là một bước đi thận trọng và phù hợp với khuyến cáo từ các chuyên gia an ninh mạng. Tuy nhiên, đại diện của TikTok bày tỏ sự thất vọng và khẳng định nền tảng này luôn tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng châu Âu. Đại sứ quán Trung Quốc tại London nhận định động thái này sẽ cản trở hoạt động bình thường của các công ty có liên quan tại Anh và gây tổn hại lợi ích của đất nước.

Theo ông Dowden, các thiết bị trong chính phủ Anh chỉ được phép truy cập vào các ứng dụng bên thứ ba được phê duyệt trong danh sách. Các thiết bị cá nhân của nhân viên chính phủ không bị ảnh hưởng và một số trường hợp sử dụng TikTok trong công việc vẫn được chấp thuận.

Bộ trưởng Năng lượng Anh, Grant Shapps, cho biết lệnh cấm TikTok trên thiết bị chính phủ là hợp lý. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ tiếp tục sử dụng ứng dụng trên điện thoại cá nhân.

Ngày 17/3, Rafael Gonzalez Montero, Giám đốc Văn phòng Quốc hội New Zealand, tuyên bố TikTok sẽ bị cấm trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng lưới Quốc hội tại nước này kể từ cuối tháng 3 do lo ngại về an ninh mạng.

Quyết định này được đưa ra dựa trên lời khuyên của chuyên gia an ninh mạng cùng các cuộc thảo luận của chính phủ New Zealand. Tuy nhiên, văn phòng có thể áp dụng ngoại lệ cho các trường hợp cần dùng TikTok để làm việc.

TikTok là công ty con của ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh. Trước đó, Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc cơ quan chính phủ. TikTok đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định cấm của chính phủ Bỉ, cho rằng nguyên nhân thủ tướng Bỉ đưa ra dựa trên thông tin sai lệch và sẵn sàng gặp mặt giới chức để giải quyết vấn đề này.

Theo Nikkei Asia