Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc của nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok phải rút vốn khỏi công ty này, nếu không TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm của Chính phủ Mỹ. Thông tin này được người phát ngôn của TikTok là bà Brooke Oberwetter chia sẻ với báo chí vào ngày 15/3. Bà cho biết công ty vừa nhận được thông báo từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, yêu cầu các chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok phải bán cổ phần của họ. Nếu không tuân thủ yêu cầu này, TikTok có thể bị Chính phủ Mỹ cấm hoạt động trên thị trường này.
"Chúng tôi thất vọng về yêu cầu mới nhất của quan chức Mỹ" - phát ngôn viên TikTok Maureen Shanahan cho biết và một lần nữa khẳng định họ không chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc.
TikTok hiện đang thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc, với hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ. Theo ước tính, khoảng 60% cổ phần của ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, 20% thuộc về nhân viên và 20% thuộc sở hữu của những người sáng lập.
Theo bà Oberwetter, việc yêu cầu ByteDance thoái vốn không giải quyết được vấn đề an ninh quốc gia nếu đó là mục tiêu của các cơ quan chức năng Mỹ. Người phát ngôn nhấn mạnh rằng việc thay đổi quyền sở hữu không sẽ ảnh hưởng đến luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập vào thông tin của người dùng tại Mỹ.
TikTok và CFIUS đã đàm phán hơn hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt và đã bác bỏ các cáo buộc gián điệp.
Năm 2020, CFIUS đã đề xuất ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Tuy nhiên, TikTok cho biết cách tốt nhất để giải quyết vấn đề an ninh quốc gia là bảo vệ hệ thống và dữ liệu người dùng Mỹ một cách minh bạch tại các trụ sở tại Mỹ, với sự giám sát, kiểm tra và xác minh nghiêm ngặt của bên thứ ba.
Các chuyên gia cũng cho rằng các lệnh cấm TikTok của Mỹ sẽ đối mặt với những rào cản pháp lý đáng kể. Đây là lần đầu tiên dưới thời Tổng thống đảng Dân chủ - Joe Biden, TikTok phải đối mặt với nguy cơ bị cấm. Trong khi đó, cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, đã cố gắng cấm TikTok vào năm 2020 nhưng bị tòa án ngăn chặn.
Tuần trước, Nhà Trắng đã ủng hộ một dự luật được đề xuất bởi hàng chục thượng nghị sỹ nhằm trao cho chính phủ quyền hạn mới để cấm TikTok và các công nghệ khác có nguồn gốc nước ngoài, nếu những công nghệ này được cho là đe dọa đến an ninh quốc gia.
Nếu Chính phủ Mỹ thực sự muốn "cấm cửa" TikTok, dự luật này có thể trở thành một vũ khí mới mà họ có thể sử dụng trước tòa.
Theo CNN, Variety