Lại mơ lợi nhuận trăm tỷ, Kosy có hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên tiếp trong 2 năm trở lại đây, Công ty cổ phần Kosy (HoSE: KOS) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhưng cũng giai đoạn đó, doanh nghiệp đều vỡ kế hoạch. Liệu năm 2024, tình trạng này có tái diễn?

Lại mơ lợi nhuận trăm tỷ, Kosy có hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước?

Kosy mới đây công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (AGM 2024), trong đó hé lộ về mục tiêu doanh thu năm nay đạt 1.636 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Kosy đặt kế hoạch doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và là năm thứ 3 liên tiếp đặt kế hoạch lợi nhuận trên 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong cả 3 năm gần nhất (2021 – 2023), Kosy chưa bao giờ hoàn thành kế hoạch năm, mức độ hoàn thành về chỉ tiêu lợi nhuận rất thấp. Cụ thể, năm 2021, công ty chỉ hoàn thành 61% về doanh thu, 47% về lợi nhuận; năm 2022 hoàn thành 84% về doanh thu, 10% về lợi nhuận; năm 2023 hoàn thành 88% về doanh thu, 17% về lợi nhuận.

Bởi vậy, khi nhìn vào kế hoạch năm 2024, sự hoài nghi về khả năng có thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh của Kosy là không nhỏ, nhất là khi công ty không có thuyết minh cụ thể nào về những cơ sở để đạt được mục tiêu đó.

“Bán con” để có lãi

Nếu nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2023 của Kosy, có thể thấy sự thiếu chắc chắn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Cụ thể, doanh thu thuần của Kosy đạt 1.316 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 146 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm trước, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 11,1%.

Trong năm, chi phí tài chính tăng 24%, đạt 123 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 2,3 lần lên 6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý chỉ giảm nhẹ 16%, đạt 35 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi phí hoạt động lên tới 164 tỷ đồng, lớn hơn 12% giá trị lợi nhuận gộp.

Kosy Thai Nguyen.jpg
Phối cảnh Kosy City Beat Thai Nguyen ở TP Thái Nguyên. Ảnh: Kosy.vn

Phải nhờ đến khoản thu từ hoạt động tài chính, đạt 50 tỷ đồng, tăng 43%, Kosy mới thoát khỏi nguy cơ thua lỗ và ghi nhận lợi nhuận trước thuế 31 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 21 tỷ đồng, giảm 3%.

Khoản thu từ hoạt động tài chính nêu trên đến từ việc Kosy bán các khoản đầu tư – một kiểu “bán con” để sinh tồn.

Điều đáng nói hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Kosy ở trong tình trạng như vậy. Các năm 2021, 2022, công ty cũng phải “bán con” để thoát lỗ.

Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận gộp đạt 50 tỷ đồng, chỉ đủ trang trải cho chi phí tài chính (26 tỷ đồng) và chi phí quản lý (25 tỷ đồng). Khoản lãi từ việc “bán con” trị giá 47 tỷ đồng đã mang về cho công ty mức lợi nhuận sau thuế 22,5 tỷ đồng.

Năm 2022, tình hình tương tự, lợi nhuận gộp đạt 146 tỷ đồng, hầu như chỉ đủ cân đối cho chi phí tài chính (99 tỷ đồng), chi phí quản lý (42 tỷ đồng) và chi phí bán hàng (2,5 tỷ đồng). Công ty có lãi sau thuế 21,8 tỷ đồng là nhờ việc “bán con” mang lại khoản thu trị giá 35 tỷ đồng.

Kosy .png
Nguồn dữ liệu: Các báo cáo tài chính hợp nhất của Kosy

Việc phụ thuộc vào hoạt động tài chính để có lợi nhuận đã phản ánh rất rõ sự yếu kém về năng lực kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi của Kosy. Đó là nguyên nhân khiến từ 2020 tới nay, chưa năm nào công ty hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm, thậm chí 3 năm gần nhất, mức độ hoàn thành đều dưới 20%.

Điều này cũng khiến mục tiêu lợi nhuận năm 2024 lên tới 108 tỷ đồng trở nên “hư ảo” như hoa trong gương, như trăng đáy nước, nhìn thì đẹp nhưng khó có thể chạm tới được.

Kosy có gì?

Là nhà phát triển bất động sản và năng lượng tái tạo, Kosy sở hữu danh mục dự án khá đồ sộ. Chỉ riêng mảng bất động sản, công ty đã có tới 10 dự án đang trong trạng thái triển khai, bao gồm: tiểu khu đô thị số 17, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai (tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng); khu dân cư đô thị Kosy Cầu Gồ - Bắc Giang (tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng); khu đô thị Kosy Sông Công (tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng);

Khu đô thị mới Kosy Bắc Giang (tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng); khu đô thị Kosy Gia Sàng (tổng mức đầu tư 234 tỷ đồng); Kosy Hà Nam (tổng mức đầu tư 252 tỷ đồng); Kosy Ninh Bình (tổng mức đầu tư 1.220 tỷ đồng); Kosy - Gia Sàng 2 (tổng mức đầu tư 584 tỷ đồng); tiểu khu đô thị mới số 16, TP. Lào Cai (tổng mức đầu tư 1.842 tỷ đồng); khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng).

Đó là chưa kể các dự án ở dạng tiềm năng khác như: khu đô thị mới phường 08 thành phố Bạc Liêu (tổng mức đầu tư 1.452 tỷ đồng); Kosy Phú Thọ (85 ha), Kosy Nghệ An (55,6 ha), Kosy Quảng Ngãi (49,4 ha).

Trong các năm tiếp theo, Kosy còn muốn triển khai thêm các dự án bất động sản tại Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Bến Tre, Long An, Hoà Bình…

Nếu nhìn danh mục “hoành tráng” này, có thể thấy Kosy là doanh nghiệp rất có triển vọng. Nhưng trong báo cáo thường niên 2023 - tài liệu đầy đủ nhất về một năm hoạt động của công ty - lẫn các báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc tại danh mục tài liệu AGM 2024, giới quan sát không thể tìm thấy các thuyết minh chi tiết về tiến độ triển khai của các dự án này.

kosy Ha Nam.jpg
Phối cảnh khu đô thị Kosy Lita ở Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: Kosy.vn

Điều thấy rõ ràng nhất là các dự án bất động sản đang để lại cho Kosy một “di sản” không mấy dễ chịu là giá trị hàng tồn kho lên tới 2.474 tỷ đồng, chiếm tới 52% tổng tài sản của công ty vào thời điểm kết thúc năm 2023, bao gồm: Kosy Hà Nam (761 tỷ đồng), Kosy Bắc Giang (378 tỷ đồng), Kosy Gia Sàng II (506 tỷ đồng), Kosy Sông Công (113 tỷ đồng), Kosy Lào Cai (411 tỷ đồng) và các dự án khác (302 tỷ đồng).

Tồn kho không những quá lớn mà còn hầu như đứng yên. Vòng quay hàng tồn kho từ hệ số 1,5 (năm 2022) tụt xuống chỉ còn 0,49 (năm 2023), phản ánh các dự án bất động sản của Kosy không đạt được tiến triển nào đáng kể.

Đây cũng là điều được chính Kosy thừa nhận trong báo cáo của mình: “Việc phát triển các dự án mới gặp nhiều khó khăn do những quy định về đất đai, vướng mắc trong khâu giao đất, thủ tục hưởng đền bù giải phóng mặt bằng... Các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các dự án bất động sản kéo theo sự sụt giảm đáng kể doanh thu và chi phí bán hàng đối với hoạt động này”.

Điều đáng nói, Kosy không có các thuyết minh chi tiết về triển vọng thúc đẩy các dự án bất động sản nêu trên, ngoại trừ một dòng mơ hồ như sau: “Công ty đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận như sau: - Gấp rút hoàn thành các dự án bất động sản cũ, đẩy mạnh triển khai dự án khu đô thị Kosy Lita Hà Nam, phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; đồng thời tích cực triển khai dự án khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”.

Điều này càng khiến cơ sở cho mục tiêu lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng trở nên mông lung hơn bao giờ hết.

Tài chính chông chênh

Không chỉ mơ hồ về động lực kinh doanh, Kosy cũng gây quan ngại đối với tình hình tài chính của mình. Ngoài giá trị hàng tồn kho quá lớn (chiếm 52% tổng tài sản) nêu trên, Kosy còn có 16% tài sản nằm ở các khoản phải thu khi kết thúc năm 2023.

Tỷ trọng lớn của hàng tồn kho và các khoản phải thu khiến dòng tiền của Kosy rất yếu. Năm 2023, Kosy lập kỷ lục kể từ khi lên sàn, đó là lần đầu tiên kết thúc năm với dòng tiền kinh doanh dương. Trước đó, dòng tiền kinh doanh của công ty âm triền miên từ năm này sang năm khác, cụ thể: 2017: -98 tỷ đồng, 2018: -532 tỷ đồng, 2019: -198 tỷ đồng; 2020: -347 tỷ đồng; 2021: -287 tỷ đồng; 2022: -551 tỷ đồng.

Kosy Bac Lieu.jpg
Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu. Ảnh: Kosy.vn

Mặc dù “phấn khởi” như vậy, nhưng dòng tiền kinh doanh năm 2023 cũng chỉ dương 34 tỷ đồng, không đủ để bù đắp cho hoạt động của công ty. Năm 2023, lưu chuyển tiền thuần của Kosy rơi vào trạng thái âm, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ còn đúng… 3,5 tỷ đồng, giảm 92% so với đầu năm.

Việc “đói tiền” là nguyên nhân khiến Kosy phải đi vay mượn để đắp đổi. Dòng tiền đi vay năm 2023 đạt 1.108 tỷ đồng, cho thấy công ty lệ thuộc nặng nề vào vốn bên ngoài. Giá trị nợ vay khi kết năm 2023 đứng ở mức 1.930 tỷ đồng, chỉ giảm 2,4% so với đầu năm.

Bảng nguồn vốn của Kosy còn cho thấy những con số không mấy tích cực, như: giá trị thuế và các khoản phải nộp nhà nước lên tới 207 tỷ đồng, còn người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 18 tỷ đồng.

Vĩ thanh

Kosy đã không thể thể hiện được mình trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy công ty rõ ràng đang tồn tại không ít vấn đề cả về hoạt động kinh doanh lẫn tình hình tài chính mà điều đáng ngại là không tìm thấy lối ra.

Điều này khiến những kế hoạch tham vọng được vẽ ra hàng năm không những không giúp giới quan sát thêm tin tưởng vào triển vọng của công ty, mà ngược lại, còn như một sự mỉa mai đối với màn báo cáo cuối kỳ.

Kosy sẽ phải làm rất nhiều việc để có thể thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại, trước khi mơ về một tương lai tươi sáng, nơi lợi nhuận là những con số biết cười. Hoặc nếu không, tiếng cười là điều công ty phải nhận về từ thị trường mỗi mùa báo cáo.