Kỷ nguyên giảm phát của Nhật Bản sắp kết thúc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những bình luận mà ngân hàng trung ương và chính phủ Nhật Bản đưa ra mới đây làm dấy lên kỳ vọng về một bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế nước này.

Thống đốc Kazuo Ueda dự kiến ​​sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Ảnh: Nikkei)
Thống đốc Kazuo Ueda dự kiến ​​sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Ảnh: Nikkei)

Chấm dứt chính sách tiền tệ "siêu" nới lỏng?

Những bình luận gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và các quan chức chính phủ đang làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế Nhật Bản sắp đạt đến một bước ngoặt, trong đó nước này có thể tuyên bố chiến thắng giảm phát và ngân hàng trung ương có thể thoát khỏi một thập kỷ duy trì chính sách tiền tệ “siêu” nới lỏng.

Kể từ khi BoJ thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vào ngày 28/7, cho phép biên độ dao động của trái phiếu chính phủ lớn hơn, đã có sự ám chỉ từ một số quan chức về việc chấm dứt chính sách tiền tệ "siêu" nới lỏng.

Tuyên bố của chính phủ rằng thời kỳ giảm phát kéo dài của Nhật Bản đã kết thúc có thể giúp ngân hàng trung ương tự do hơn trong việc thắt chặt chính sách.

“Về mặt pháp lý, BoJ hoạt động độc lập với chính phủ, nhưng có thể cả hai sẽ hợp tác chặt chẽ”, Hideo Kumano, kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết.

Thủ tướng Fumio Kishida hứa hẹn sẽ mang lại một chu kỳ tăng lương và tiêu dùng tích cực. Để đạt được mục tiêu này, ông Kumano cho biết việc thoát hoàn toàn khỏi tình trạng giảm phát và động lực kinh tế tích cực là hai mặt của một đồng xu.

Sách trắng của Nội các Nhật Bản về nền kinh tế phát hành vào ngày 29/8 đã chỉ ra các dấu hiệu lạm phát lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, và sau đó một số quan chức của BoJ đề xuất các điều kiện để loại bỏ dần các biện pháp kích thích đã được đưa ra.

Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura trong hôm 19/9 cho hay: "Lạm phát hiện đang tăng tốc. Với những gì đang diễn ra trên toàn cầu, chính sách của BoJ nhằm mục đích tạo thời gian (để thúc đẩy cải cách) cuối cùng sẽ chấm dứt và trở lại trạng thái bình thường".

Nhưng dấu hiệu mạnh mẽ nhất là khi Thống đốc BoJ Kazuo Ueda nói với tờ Yomiuri Shimbun trong tháng này rằng ông có "nhiều lựa chọn khác nhau", bao gồm cả việc chấm dứt chính sách lãi suất âm, một khi ngân hàng này tin tưởng rằng Nhật Bản có thể duy trì cả việc tăng giá và tăng lương.

Bình luận của ông đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Tính đến ngày 20/9, lợi suất ở mức 0,725%. Nhưng với việc lợi suất tương ứng của Mỹ tăng nhanh hơn so với trái phiếu chính phủ Nhật, đồng yen đã suy yếu trong hôm 20/9 xuống còn 148 so với đồng USD, mức thấp nhất trong 10 tháng.

Nhiều cơ sở để tiếp tục hành động thận trọng

Trọng tâm bây giờ sẽ là việc công bố dữ liệu lạm phát trong sáng 22/9 và quyết định chính sách tiền tệ của BoJ vào khoảng giữa trưa cùng ngày. Nhiều người dự đoán rằng BoJ có thể sẽ duy trì chính sách hiện tại.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7, không bao gồm giá thực phẩm, cho thấy lạm phát đã giảm xuống 3,1% nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu lạm phát 2% của BoJ trong tháng thứ 16 liên tiếp. Vào ngày 28/7, ngân hàng này đã nâng dự báo CPI cho năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2024 lên 2,5%, tăng so với dự báo tháng 4 là 1,8%. Giá tăng khiến chính phủ phải gia hạn trợ cấp năng lượng cho đến hết tháng 12.

Một cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 9 với 36 nhà kinh tế học của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, một tổ chức tư vấn trực thuộc Nikkei, dự báo ​​trung bình CPI sẽ giảm xuống 2,93% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 so với mức 3,3% được báo cáo trong quý trước.

12 nhà kinh tế học cho biết BoJ sẽ thay đổi chính sách YCC của mình từ tháng 7 đến tháng 12 năm sau, trong đó có 11 nhà kinh tế học dự đoán nó sẽ được điều chỉnh vào khoảng tháng 4.

1.png
Chỉ số CPI của Nhật Bản, sự thay đổi so với năm trước đó (Ảnh: Nikkei)

Một cuộc thăm dò của Nikkei-TV Tokyo công bố ngày 15/9 cho thấy giá cả tăng cao là vấn đề hàng đầu mà những người được hỏi muốn chính phủ giải quyết. Chi phí sinh hoạt đang tăng lên đối với nhiều người, trong đó dữ liệu của chính phủ cho thấy tiền lương thực tế, hoặc sức mua, đã giảm lần thứ 16 liên tiếp trong tháng 7.

Dù vậy, BoJ vẫn có cơ sở để tiếp tục hành động thận trọng. Trong báo cáo triển vọng kinh tế tháng 7, cơ quan này dự đoán số liệu CPI hàng tháng so với cùng kỳ năm trước sẽ giảm tốc và lạm phát trong năm tài khoá 2024 và 2025 sẽ lần lượt giảm xuống còn 1,9% và 1,6%.

Bất chấp giá hàng hóa tăng nhanh - đặc biệt là thực phẩm - giá dịch vụ vẫn không tăng nhiều. Báo cáo CPI tháng 7 cho thấy giá dịch vụ tăng 2% so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,5% của hàng hóa./.

Theo Nikkei Asia