Kiev rầm rập chuẩn bị chiến tranh tổng lực

Thứ trưởng Ngoại giao của Ukraine vừa đưa ra một thông tin gây sốc khi tuyên bố Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực và kêu gọi nước ngoài cung cấp vũ khí sát thương cho họ.
Kiev rầm rập chuẩn bị chiến tranh tổng lực

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh hôm 20/2, Thứ trưởng Ngoại giao Vadym Prystaiko cho hay, Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực và kêu gọi Canada giúp đỡ bằng cách cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
 
"Chúng tôi không muốn làm tất cả mọi người hoảng sợ nhưng chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực”, ông Prystaiko đã nói như vậy trên một đài phát thanh của Canada.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine cũng lên tiếng kêu gọi Canada gửi vũ khí sát thương cho Ukraine, nói rằng Canada đã đào tạo cho lực lượng Kiev trong suốt 10 năm qua.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cũng đã một lần nữa kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine, nói rằng Kiev cần vũ khí để đạt được hòa bình.

"Lời kêu gọi cung cấp vũ khí phòng thủ hiện đại cho Ukraine của chúng tôi vẫn còn nguyên. Chúng tôi cần vũ khí vì hòa bình chứ không phải vì chiến tranh”, ông Klimkin đã nhấn mạnh như vậy.

Ngoại trưởng Klimkin cũng nói thêm rằng, Kiev cần những vũ khí như hệ thống chống tăng, các phương tiện vận tải và bộ đàm.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine cũng ủng hộ ý kiến của Tổng thống Poroshenko về việc triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Ukraine với sự tham gia của Đức. "Tôi tin rằng Đức có thể đảm nhận trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Klimkin cho biết đồng thời thêm rằng các thỏa thuận Minsk vẫn là “con đường duy nhất tiến tới hòa bình”.  

Hôm 12/12, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng suốt buổi đêm, lãnh đạo các nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã thông qua được một thỏa thuận hòa bình với nội dung là một gói các biện pháp nhằm thực hiện các thỏa thuận mà các bên đạt được ở Minsk trước đây. Theo thỏa thuận mới nhất, hai phe đối địch ở Ukaine sẽ chính thức ngừng bắn từ hôm 15/2 và cùng rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến tuyến trước khi tiến hành các biện pháp nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình ở Ukraine.

Việc cung cấp vũ khí sát thương như yêu cầu của giới chức Kiev sẽ đi ngược lại các thỏa thuận Minsk.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Prystaiko chỉ ra rằng Kiev đã mất quan hệ với Nga – nước từng chiếm tới 1/3 xuất khẩu của Ukraine. "Đừng quên rằng cơ sở hạ tầng ở Donetsk đã bị tàn phá nặng nề. Chúng ta mất ít nhất 20% sản lượng công nghiệp của đất nước. Chúng ta phải đóng cửa thị trường với Nga – nước chiếm 1/3 xuất khẩu và nhập khẩu của Ukraine. Đó là một điều đau đớn”, ông Prytaiko nói.

Thứ trưởng Prystaiko bình luận về tình hình ở Debaltseve rằng, “trung tâm đường sắt lớn nhất mà chúng ta có đã hoàn toàn bị phá hủy”.
Debaltseve là nơi chứng kiến những cuộc giao tranh vô cùng ác liệt giữa quân chính phủ Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đã có hiệu lực. Hiện tại, quân đội Ukraine đã phải rút khỏi chiến trường Debaltseve và lực lượng ly khai đang nắm hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố chiến lược này.

Mỹ lại dọa trừng phạt Nga vì Ukraine

Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho Nga về những vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới nhất ở miền đông Ukraine trong mấy ngày qua, đặc biệt là ở chiến trường Debaltseve. Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (21/2) tuyên bố, Mỹ và các nước đồng minh đang cân nhắc khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

"Chúng tôi đang bàn bạc về những đòn trừng phạt thêm nữa, về những nỗ lực thêm nữa nhằm gây áp lực với Nga”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã phát biểu như vậy trước thềm cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ở thủ đô London.

Trước đó, hôm 20/2, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã nói với các phóng viên rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là chủ đề thống trị trong các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Anh Hammond.

"Tôi tin rằng trong vài ngày tới mọi người sẽ làm rõ một điều rằng chúng ta sẽ không chơi cuộc chơi này theo cách của Nga”, ông Kerry nói. 

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.  

Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.

“Cuộc chiến” trừng phạt giữa Nga và phương Tây đã khiến cuộc đối đầu Đông-Tây càng trở nên nghiêm trọng và gây ra ngày càng nhiều tổn thương cho cả hai bên.

Theo: Vn Media