Không nên bằng lòng với kết quả âm tính, nếu không sẽ phải trả giá đắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Trong điều kiện mới, không cho phép chúng ta bằng lòng với kết quả kiểm tra âm tính sau 14 ngày cách ly mà phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nếu không sẽ phải trả giá đắt” – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh không cho phép bằng lòng với kết quả kiểm tra âm tính sau 14 ngày cách ly mà phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ - Ảnh: TTBC
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh không cho phép bằng lòng với kết quả kiểm tra âm tính sau 14 ngày cách ly mà phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ - Ảnh: TTBC

Nhiều ổ dịch nhiễm virus biến chủng mới B1.167.2 từ Ấn Độ

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM sáng nay, 10/5, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đã có ý kiến: “Tình hình thế giới rất nóng với dịch bệnh COVID-19 như hiện tại, và nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan đều tăng cao về số lượng bệnh nhân và tử vong. Việt Nam mới chỉ hơn một tuần nay đã xuất hiện thêm mấy trăm ca bệnh trong cộng đồng, lan rộng ra 26 tỉnh thành. Phía Nam hiện đang có ca bệnh tại Đồng Nai và TP.HCM. Nên lưu ý các vùng dịch lây lan mạnh nhất là BV Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện K, vì sẽ lây nhiễm rất mạnh từ các nhóm bệnh nhân và người nhà đi chăm bệnh”.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhắc lại thông tin nóng về việc giải trình tự gene, theo công bố mới nhất của Bộ Y tế chiều hôm qua, đã cho thấy nhiều ổ dịch tại các tỉnh thành ở Việt Nam như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình… đều đang nhiễm virus biến chủng mới B1.167.2 từ Ấn Độ, là chủng lây lan nhanh, diễn biến nặng.

“Cần tập trung vào các khu cách ly và các bệnh viện tuyến cuối ở các tỉnh, thành, vì đây chính là khu vực có yếu tố nguy cơ rất cao lay lan dịch bệnh COVID-19” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.

Các cửa ngõ như sân bay, cảng biển, là nơi tiếp nhận người nhập cảnh cũng cần lưu ý vì các yếu tố nguy cơ cao. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh lưu ý: “Ngay cả vận chuyển hàng hoá theo đường hàng không và đường thuỷ cũng phải kiểm tra kỹ vì vận chuyển hàng hoá vẫn là có tiếp xúc với lực lượng vận chuyển trong một thời gian rất dài, yêu cầu tất cả đều phải có camera theo dõi kỹ. Về việc này, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu tăng cường lực lượng xét nghiệm và truy vết COVID-19”.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Ảnh: TTBC

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Ảnh: TTBC

Chuẩn bị kịch bản để đón tiếp một lượng người lớn cần cách ly, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: “Theo quy định mới của Bộ Y tế, cách ly tập trung đã tăng lên 21 ngày. TP.HCM đã khảo sát toàn bộ các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân, rà soát lại các cơ sở cách ly, đặc biệt là tại các KTX của các trường đại học trên địa bàn, chuẩn bị cơ sở để sẵn sàng trở thành khu cách ly chỉ trong 24 giờ”.

TP.HCM có 19.000 tổ COVID cộng đồng, phát hiện mạnh các trường hợp nhập cảnh trái phép, hỗ trợ dân cư trong các vùng bị phong toả, truyền thông về nguy cơ lây nhiễm, hỗ trợ cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở nhiều khu vực tập trung đông người như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, bến tàu, bến xe, sân bay…

Vẫn còn những lỗ hổng lớn

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “TP.HCM có nguy cơ rất cao, dịch bệnh COVID-19 có thể xâm nhập theo rất nhiều đường, đặc biệt là những người dương tính sau thời gian cách ly và không tuân thủ đúng quy định cách ly tại nhà sau khi rời khỏi khu cách ly tập trung”.

“Phải quyết liệt hơn nữa, phải chuyển từ phòng thủ sang tấn công như Thủ tướng đã chỉ đạo mới đây” – Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý.

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh các lực lượng chống dịch không được chủ quan - Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh các lực lượng chống dịch không được chủ quan - Ảnh: TTBC

Đại diện Cảng vụ TP.HCM cho hay: “Ngày 30/4 có 1 tàu từ Philippin nhập cảnh vào cảng biển, neo ở bến phao Phước Long (quận 9) đã được CDC TP.HCM đưa toàn bộ 18 người trong thủ thuỷ đoàn và thuyền viên đi cách ly tập trung, xét nghiệm, phát hiện ra 3 trường hợp dương tính, các trường hợp khác cho đến hiện tại âm tính, đang tiếp tục cách ly tập trung”.

Đại diện lực lượng Biên phòng TP.HCM cho biết rất khó kiểm soát người lên xuống tàu. Cụ thể, Biên phòng cho hay, thuyền viên và hoa tiêu trên tàu thì dễ kiểm soát nhưng danh sách công nhân lên thuyền để làm hàng thì được cấp kèm theo số điện thoại và địa chỉ nhưng nhiều khi lực lượng chức năng liên lạc tới số điện thoại hoặc địa chỉ đăng ký thì vẫn không liên lạc được.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định đây là một lỗ hổng lớn trong quản lý, truy vết, rất cần phải có ngay biện pháp khắc phục. Chủ tịch TP.HCM giao Cảng vụ và bộ đội Biên phòng phối hợp với nhau, đặc biệt nghiêm ngặt tại các chốt kiểm soát bởi vì: “Trong điều kiện mới, không cho phép chúng ta bằng lòng với kết quả kiểm tra âm tính sau 14 ngày cách ly mà phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nếu không chúng ta sẽ phải trả giá đắt”.

Đại diện lực lượng Biên phòng đề xuất: “Các hoa tiêu và nhân viên điều độ là lực lượng bắt buộc phải lên tàu đang neo đậu để làm việc. Có khoảng hơn 400 trường hợp thuộc đối tượng này. Tất cả đều đã được trang bị phòng hộ, nên từ trước đến nay chưa xảy ra vấn đề gì. Nhưng trước tình hình dịch bệnh nóng như hiện tại, đề xuất ưu tiên tiêm phòng COVID-19 cho đối tượng này. Đề xuất xét nghiệm trả phí cho toàn bộ thuyền viên và thuỷ thủ đoàn chuẩn bị vào Cảng vụ”.

BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) rất mong muốn các quận huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của tổ COVID cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp đi về từ vùng dịch, ổ dịch đang rất nóng.

“Dự kiến tuần này, TP.HCM sẽ triển khai Khu cách ly tập trung tại Học viện Chính trị (quận 9) để tiếp nhận người cách ly trong trường hợp con số này tăng cao. Còn tại các quận huyện, vẫn duy trì tối thiểu mỗi quận huyện 100 giường cách ly tại quận, huyện để ứng phó kịp thời với các trường hợp cần cách ly trên địa bàn” – BS Nguyễn Trí Dũng cho hay.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay: “Sở đã chỉ đạo tất cả các phương tiện vận chuyển chỉ được hoạt động không quá 50% sức chứa, không quá 30 người trên một phương tiện, phải thực hiện nghiêm ngặt khai báo y tế. Cho đến hiện tại, qua kiểm tra, các phương tiện đều chấp hành tốt, kiểm soát được và đúng quy định về phòng, chống dịch”.

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế với hành khách. Ảnh- Ngọc Phượng

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế với hành khách. Ảnh- Ngọc Phượng

Sở Giáo dục TP.HCM thông tin: “Toàn bộ các trường học trên địa bàn đã chuyển sang phương án dạy và học online. Riêng khối 9 và khối 12, Sở đã giao nhiệm vụ cho các hiệu trưởng có phương án vừa dạy online vừa dạy trực tiếp đảm bảo phòng dịch”.

Ngoài hình thức tiệc cưới, tiệc buffet đã tạm dừng từ trước, đại diện lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn báo cáo, hiện tại các nhà hàng đều chấp hành quy định chống dịch. Quận 5 cho biết đã xử lý một trường hợp treo biển là quán ăn nhưng có phòng kín, có tiếp viên, không đảm bảo giãn cách phòng dịch. Các quận đều khuyến khích hình thức bán hàng mang đi, nếu tình hình dịch phát sinh nóng, quận sẽ có đề xuất đóng cửa các nhà hàng vẫn tập trung quá 30 người.

Chủ tịch UBND TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh phải có phương án chặt chẽ bảo vệ các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; theo dõi chặt chẽ người đến từ các địa phương đang có số ca lây nhiễm lớn…